Ảnh minh họa

“Những bạn trẻ bằng tuổi em, đã có một thời gian rất dài bị thiếu hụt nghiêm trọng những kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục. Như bản thân em, khi đã vào đại học rồi mà hầu như không có hiểu biết gì về vấn đề này. Khi có những tình huống liên quan diễn ra trong tình yêu, trong các mối quan hệ, giao tiếp, em gặp nhiều khó khăn, lúng túng, xấu hổ… không biết đối phó, xử trí thế nào. Nếu tự mình muốn tìm hiểu trên mạng thì cũng phải giấu diếm”.

Tương tự, với bạn trẻ Trần Thị Thu Hồng, 22 tuổi, sinh viên trường Y, đến từ thành phố Huế cũng cho biết: “Em chỉ mới bắt đầu có được kiến thức về tình dục, sức khỏe sinh sản khi bước chân vào trường. Trước đó, em hầu như không biết gì nhiều về nó. Ở nhà, cha mẹ cũng hầu như không có dạy dỗ gì nhiều”.

Oanh kể lại một số trải nghiệm rằng: "Nếu có xem phim mà có cảnh yêu đương, người lớn hôn nhau thì cha mẹ thường bảo con phải quay đi, chuyện của người lớn, không được xem.  Vì vậy, em không có thói quen nói về nó, chia sẻ hay thắc mắc với ai trong gia đình, thậm chí sau đó cũng không dám nói cả với bạn cùng giới. Trước đó, cũng có lần hỏi mẹ về một số thắc mắc liên quan đến tình yêu, tình dục thì mẹ bảo lớn lên rồi sẽ biết sau. Trong khi đó, các bạn trẻ Việt Nam hiện nay, theo em có nhu cầu tìm hiểu và quan hệ tình dục khá sớm.  Có những em học lớp 5 đã nói với bạn về việc yếu sinh lý, các em lớp 7, lớp 8 đã quan hệ tình dục…”.

Cách nào để thay đổi thực trạng trên? 

Theo Nguyễn Thị Kim Oanh: "Em mong muốn vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, bên cạnh việc cần phải được đưa vào chương trình dạy cho học sinh ngay từ tiểu học, thậm chí là từ cấp 2 để tránh được những điều đáng tiếc như mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của vị thành niên, thanh niên; thì tại gia đình, cha mẹ cũng phải là người tìm hiểu, phải có cái nhìn khác đi, có được kiến thức và có trách nhiệm dạy con, cung cấp cho con những hiểu biết về "chuyện ấy" một cách nhiều hơn, đúng đắn hơn.

Nữ sinh trường Y - T.P Huế, Trần Thị Thu Hồng, nhấn mạnh tới vai trò của cả cha và mẹ trong giáo dục giới tính cho con. Thu Hồng cho biết: “Trước nay, các bậc cha mẹ hầu như không có nhiều thông tin, kiến thức về vấn đề này; hoặc nếu có bất kỳ chủ đề gì liên quan đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, hoặc phải nói gì, dạy dỗ điều thầm kín gì cho con... thì đa số đều mặc nhiên đó là trách nhiệm của người mẹ, vai trò của người cha rất ít được đề cập đến. Do vậy, em mong muốn cha mẹ sẽ là người được cung cấp các kiến thức nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và khi đã có kiến thức rồi, cả cha và mẹ đều phải có trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cho con".

Theo báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam mới đây của Bộ Nội vụ và UNFPA, tỷ lệ nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng của nữ thanh niên trong độ tuổi 15-19 (chưa chồng) là cao nhất so với nhóm phụ nữ chưa có chồng trong độ tuổi từ 20-24 và từ 25-29. Hầu hết thanh thiếu niên khi nghe nói về chủ đề mang thai hay kế hoạch hóa gia đình là qua các nguồn tin như Internet, tivi, sách báo, thầy cô giáo và nhà trường, bạn bè hay người yêu, nhân viên y tế, dân số, các trung tâm tư vấn…; còn về phía gia đình thì hầu như không có thông tin.

Hiện vẫn còn 1/3 thanh niên Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe tình dục, các kỹ năng bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ đến sức khỏe sinh sản... 


Theo Phunuvietnam.vn