Tần suất giao tiếp với con càng nhiều thì cha mẹ càng phải cẩn trọng với mọi lời nói cùng con. Hãy tránh những câu nói dưới đây và cố gắng biến khoảng thời gian nghỉ dịch trở thành khoảng thời gian ý nghĩa bên con.

"Bố/mẹ đang bận"

Bố mẹ nào thì cũng không thể tránh khỏi những lúc bận rộn và cần những phút giây yên tĩnh. Tuy nhiên, khi bạn cứ thường xuyên nói với con những câu như "Đừng làm phiền bố/mẹ.", "Bố/Mẹ đang bận" thì sẽ dần dần tạo nên một bức tường ngăn cách với con cái.

Sự từ chối liên tục từ bạn có thể khiến bé bị tổn thương và sinh ra trầm cảm vì nghĩ rằng không ai cần mình nữa. Các con sẽ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với bố/mẹ khi lớn lên.

Thay vì thế, mẹ hãy chia sẻ với trẻ lí do vì sao bố/mẹ bận và yêu cầu con tạm thời yên tĩnh một lúc: "Bố/mẹ còn phải làm nốt việc này nữa. Con ngoan ngồi vẽ tranh một lát nhé. Rồi lát nữa bố/mẹ con mình đi chơi sau".

Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh'

Những câu nói như: "Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ đánh đấy", "Con không ăn là ma đến bắt đi đấy" hoặc "Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh"... dễ khiến trẻ cảm thấy như đang bị phạt và giảm hẳn cảm giác ngon miệng. Nếu bạn cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Ngoài ra, bạn đã xây dựng ở bé một nỗi sợ vô hình về mọi thứ. Điều này chỉ khiến bé thêm nhút nhát, e dè, ngại hòa nhập với thế giới xung quanh. Hãy thử cách thay đổi ngôn từ, cử chỉ, dù những thứ đó là nhỏ, nhưng sẽ có tác động lớn. Ví như: "Chúng ta sẽ ăn bữa chính, sau đó mới tới ăn tráng miệng".

Hoàn toàn sai

"Con lúc nào cũng…", "Con không bao giờ…". Ở trung tâm của những câu nói này là những "cái nhãn" có thể được gắn vào con trẻ suốt cả đời. Nếu cha mẹ thường xuyên trách cứ con rằng bé "luôn luôn" quên rửa tay trước khi ăn, có thể khiến con dễ trở thành một người sau này không bao giờ rửa tay trước khi ăn. Thay vì thế, hãy hỏi con xem bạn có thể giúp con thay đổi bằng cách nào: "Mẹ để ý thấy hình như con ít nhớ được việc rửa tay trước khi ăn. Mẹ con mình thử nghĩ xem có giải pháp nào hay hay để con nhớ tốt hơn không nhé!" Như vậy sẽ tốt hơn cho bé rất nhiều.

Đã bảo rồi!

Bạn liên tục bảo với con rằng nếu cứ chơi điện tử suốt buổi chiều, thì sẽ không còn thời gian để chuẩn bị cho bài kiểm tra toán ngày hôm sau. Và sự thể thế nào? Vì không học bài kỹ, con bạn làm bài không tốt thật! Nhưng câu nói "Mẹ đã nói rồi!" chỉ nói với bé rằng cha mẹ luôn đúng và ngược lại, con luôn sai. Thay vì thế, hãy chỉ ra những kết quả tích cực nếu con làm theo lời bạn. Ví dụ, bạn nhắc con đi học bài, và nói: "Con mà học bài kỹ, chắc chắn con sẽ làm tốt bài kiểm tra, đúng không con?" Như thế sẽ giống như đặt quyền kiểm soát và lòng tin vào con bạn hơn.

"Con thật hư"

Bạn nghĩ nói vậy sẽ giúp bé kiểm soát hành vi của mình và tự sửa chữa những hành vi xấu. Nhưng thực tế, câu nói này của bạn chỉ khiến bé tin rằng bé hư thật mà thôi. Thay vì nói "Con hư thế" bạn có thể nhẹ nhàng "Mẹ không bằng lòng khi con cư xử như vậy". Sau đó, bạn có thể gợi ý con cách thực hiện những hành vi tốt hơn.

"Dễ vậy mà con cũng không biết à"

Một trong những cách tệ nhất bạn có thể khiến bé lo lắng là mắng mỏ, chê bai bé. Điều này khiến cho bé cảm thấy sợ hãi, không dám hỏi thêm bạn điều gì nữa vì sợ bạn nổi giận.

Gợi ý dành cho bạn: Bạn nên bình tĩnh chỉ dẫn bé làm lại từ đầu. Khuyến khích để bé tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó, từ những việc đơn giản đến những phần việc phức tạp hơn. Không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, bạn nên tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng khi bạn hướng dẫn bé làm một việc nào đó.

Theo vietnamnet