Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Chuyện ai đúng ai sai, ai xúc phạm ai trước có lẽ phải chờ được xác minh, tuy nhiên những gì trong đoạn clip phát tán trên mạng cho thấy rằng lối hành xử của người mẹ ít nhiều để lại một tổn thương tâm lý cho chính con gái nhỏ của chị, hay ít nhất là một ký ức tranh chấp không đáng có.

Ngày trước, trong các gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa, người ta vẫn dặn nhau có gì đóng cửa xử lý, đừng để con trẻ hay biết.

Thời đó có lẽ kiến thức, nhận thức mà người lớn cần trang bị để biết cách tôn trọng một đứa trẻ đúng mực không dày dặn như bây giờ, nhưng kinh nghiệm sống mách bảo họ rằng có những xung đột trong thế giới người lớn không hay ho gì, sẽ gây ra những tổn thương khó lành trong tâm hồn đứa trẻ.

Một đứa trẻ cần được giữ khoảng cách với những tranh đoạt, tính toán cực đoan, những cách hành xử gay gắt, thậm chí bạo lực của người lớn, để trước hết là giữ được sự tôn trọng dành cho chính người lớn ruột thịt trong cuộc và quan trọng hơn là giữ được sự trong sáng của mình trước thế giới xung quanh.

Đến khi trưởng thành, kinh nghiệm sống cùng những phát triển về tâm lý làm trẻ tự nhận ra rằng cần đối diện và xử lý những xung đột trong đời sống, phải dự phần như những chủ thể, những người trong cuộc theo cách trẻ đã được thấy, được trải nghiệm, được giáo dục.

Trẻ trở thành người lớn với những trang bị hành xử với tha nhân theo những chuẩn mực trên trang sách, trong bài học ở nhà trường và nhất là những điều thâu nhận ngoài đời, những kinh nghiệm sống mà cuộc sống mang đến.

Làm một người lớn có con cái, sống sao cho con cái nhìn vào kính trọng với tấm lòng trong sáng thiết tha giữa một bối cảnh sống đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt này là vô cùng khó khăn. Con cái có nói năng gì đâu, nhưng chúng đòi hỏi cha mẹ, ông bà phải biết sống.

Biết sống để nêu gương, biết sống để được kính trọng, biết sống để truyền trao, dẫn dắt vào thế giới tương lai những người-lớn-thực-sự-trưởng-thành.

Điều đáng tiếc là bài học "đóng cửa bảo nhau, đừng cho trẻ con biết" mỗi khi có xung đột đã không còn được nhiều người lớn ngày nay thực hành. Nhiều vụ bạo hành gia đình, thậm chí án mạng đã xảy ra trong các gia đình, trước mắt con trẻ.

Con cái chứng kiến cha mẹ hành hung nhau, con cái bơ vơ vì cha mẹ sát hại nhau, chưa kể bạo hành tinh thần diễn ra trong đời sống gia đình hiện đại khiến những đứa trẻ bất mãn cuộc đời, lạc lối do những vết thương lòng quá nghiêm trọng.

Những điều trên xảy ra vì chính cha mẹ chưa xem con cái là những cá nhân, đáng được tôn trọng.

Mặt khác, trong một xã hội đề cao vật chất, nhiều người lớn dễ dàng lầm tưởng rằng việc chăm lo cho một đứa trẻ ở phương diện vật chất sung túc là đủ đầy rồi, bỏ quên mục tiêu phải chăm chút cho đời sống tinh thần, trách nhiệm nuôi dưỡng nơi tâm hồn con trẻ những giá trị sống lành mạnh.

Trong cơn nóng giận vì nghĩ mình bị nhân viên sân bay xử ép, người mẹ đã "đại náo" cho ra lẽ phải trước mặt con. Chị làm đủ mọi cách, trong đó có cả bạo lực ngôn từ để tấn công người khác.

Đứa con nhỏ trong cuộc "ẩu đả" đó chính là người bị tổn thương nhiều nhất. Một số tờ báo đã đăng đoạn clip với khuôn mặt đứa bé hốt hoảng gào khóc, nhưng một số trang báo khác lại xóa mờ khuôn mặt đứa bé. Dù thế nào thì trong cơn "bốc hỏa", thật đáng tiếc, với người mẹ đang lên cơn giận dữ, đứa con gái của mình như thể không tồn tại.

Trẻ con đang nhìn vào cách chúng ta sống. Chỉ riêng điều đó thôi chẳng đáng để thế giới người lớn phải trở nên hòa bình, bao dung, từ tốn và tử tế hơn với nhau hay sao?

Theo tuoitre