Ảnh minh họa
Nhiều lựa chọn
 
Australia nổi tiếng với nền giáo dục khá hoàn thiện, được nhiều quốc gia ngưỡng mộ. Một trong các nền tảng trong giáo dục trẻ ở độ tuổi trưởng thành chính là tính tự lập cao. Chính vì thế, phần lớn trẻ em ở xứ sở chuột túi đều khá năng động, tự tin khi “thả” ra môi trường xã hội bên ngoài vào mỗi kỳ nghỉ. Các bố mẹ cũng xem đây là khoảng thời gian quý báu để con mình được rèn luyện kỹ năng mềm nhất định.
 
Nếu có dịp sang Australia vào mùa học sinh nghỉ học, dễ dàng nhận thấy rất nhiều lựa chọn công việc khác nhau tùy độ tuổi vào giới tính cho các bé. Đơn cử, công việc phổ biến nhất của các bé gái là trông trẻ, dọn nhà, dọn vườn, rửa xe, rửa chén bát, bán hàng. Trong khi đó, việc làm phổ biến của các bé trai là phát báo, xếp hàng lên kệ, dọn thùng các-tông trong các cửa hàng hoa quả, cắt cỏ, sửa hàng rào, sơn hàng rào, dọn dẹp vườn thuê, bồi bàn, giúp đỡ trong các buổi tiệc...

Ảnh minh họa 

Liam, nữ sinh 14 tuổi sống ở thành phố Melbourne, cho biết: “Cháu cắt cỏ cho gia đình hàng xóm từ khi lên 10 tuổi và kiếm được hơn 400 đô - la trong thời gian nghỉ hè. Khi cháu 12 tuổi, cháu xin làm công việc trọng tài bóng đá cho các em nhỏ hơn, sau đó khi 15 tuổi cháu bắt đầu làm việc trong siêu thị Coles”. Nữ sinh này chia sẻ thêm, bạn nào yêu mến động vật thì làm việc trong các trang trại chăn nuôi như trang trại ngựa và làm việc chải lông cho ngựa.
 
Ngoài ra, còn có thể làm công việc “tự hái lượm” ở các trang trại hoa quả và sẽ được trả tiền xứng đáng. Ví dụ vào mùa thu, bạn có thể đến các vườn táo và đề nghị được nhặt những quả táo rơi dưới đất. “Tiền công” được trả là khoảng 50 xu cho một giỏ táo. Số tiền này nghe có vẻ ít ỏi nhưng thực ra bạn sẽ nhanh chóng nhặt đầy giỏ mà vẫn còn thời gian để làm việc khác.
 
Thay đổi suy nghĩ về giáo dục con tự lập
 
Có một điều khá thú vị là nhiều cha mẹ người nước ngoài sinh sống tại Australia, sau khi chứng kiến những mùa hè đầy năng động của con trẻ, đều thấy rằng bản thân họ phải thay đổi cách nghĩ về giáo dục tính tự lập cho con. Kiếm tiền không đơn thuần là mang lại đồng tiền cho lũ trẻ mà còn qua đó để giáo dục các bạn nhỏ biết quý trọng sức lao động, quý trọng số tiền mà mình kiếm được.

Với cha mẹ, làm thêm dịp hè sẽ giáo dục các bạn nhỏ biết quý trọng sức lao động
 
Qua đó, các bạn hiểu và chia sẻ hơn với nỗ lực của bố mẹ cũng như những người lao động sống xung quanh mình. Trong số này có hai bố con gốc Việt, anh Trung và cậu bé Hiếu (13 tuổi) sống ở Melbourne. Trước đây, anh Trung thường có quan niệm bao bọc con cái. Thế nhưng sau một thời gian sống tại đây và chứng kiến tính tự lập của trẻ em thì rất nhiều người đã thay đổi quan niệm về cách giáo dục con của mình.
 
Công việc của Hiếu hàng ngày sau giờ học là đẩy chiếc xe nhỏ chở đầy báo và tờ rơi đi phân phát cho từng nhà. Cậu thường nhận báo vào thứ Tư sau giờ học và có trách nhiệm phát từ 700 đến 1.500 tờ/ngày xung quanh khu vực được chỉ định. Hiếu cho biết cậu rất yêu thích công việc này vì nó mang lại cho cậu một khoản “bỏ lợn” hậu hĩnh. “Chúng tôi rất hài lòng khi nhìn thấy sự tự tin, năng động và chăm chỉ của con trong công việc này”, anh Hiếu cho hay.
 
Lý do khiến các phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho con trải nghiệm các công việc làm thêm chính là công việc của các em được luật pháp bảo vệ. Mỗi tiểu bang của Australia có quy định khác nhau về độ tuổi và các công việc trẻ có thể làm.
 
Theo Tổ chức giúp đỡ thanh thiếu niên của chính phủ Úc (Youth Centre) ở thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria, thiếu niên 15 tuổi ở bang này đã được phép đi làm, tuy nhiên, chủ lao động phải có giấy phép thuê lao động trẻ em (Child employment permit (CEP) từ chính quyền tiểu bang để các em được đảm bảo về cơ sở vật chất và môi trường làm việc an toàn và phù hợp lứa tuổi.

Sẽ không hợp pháp nếu thuê trẻ làm những công việc nặng nhọc và chủ lao động phải có các biện pháp bảo đảm an toàn và sức khỏe cho trẻ.
 
Với trẻ dưới 15 tuổi, luật pháp có quy định rất chặt chẽ về những ngành nghề mà trẻ được phép và không được phép làm. Một số công việc yêu cầu trẻ phải đủ 11 tuổi mới được làm như, phát báo, tờ rơi quảng cáo, giao hàng cho các hiệu thuốc... Luật pháp nước này cũng quy định rất chặt chẽ về số giờ làm việc của trẻ cũng như nghiêm cấm một số công việc có thể khiến ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.

 

 Phúc Nguyên (Theo Radioaustralia)