Từ một nhân viên công sở ngồi phòng lạnh, chị Thủy có thể trộn hồ, làm hàng rào, trồng cây, làm vườn, chăm sóc vật nuôi, đỡ đẻ cho cừu, lợn, nấu nướng, giặt giũ, phục vụ ăn uống cho khách du lịch

Nghe câu chuyện của chị Thủy và anh Peter, cặp vợ chồng Việt – Úc dám từ bỏ phồn hoa đô thị để về sống với thiên nhiên…, tự dưng tôi lại nhớ mấy câu thơ trong bài Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”…

Cách đây 6 năm, chị Nguyễn Phương Thủy (33 tuổi) đang làm nhân viên cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, tại Sài Gòn. Trong một dịp đi du lịch cùng bạn bè sang Singapore, chị tình cờ gặp anh Peter Ferris (50 tuổi), lúc này đang làm Giám đốc mảng xây dựng khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho tập đoàn Samsung, có trụ sở tại đây.


                     Năm 2015, anh chị quyết định sang Úc để thực hiện “biến ước mơ thành sự thật”

“Sau lần đó thì tụi mình có trao đổi số điện thoại và email cho nhau. Ngày mình về nước, anh vẫn làm việc ở Singapore. Tụi mình chủ yếu viết email cho nhau, ngày có khi viết 5 - 7 cái email, nói chuyện, cập nhật công việc, cuộc sống, chia sẻ quan điểm ước mơ của mình cho đối phương cùng nghe”, chị Thủy hồi tưởng.

“Nhớ lần mình dẫn anh đi ăn hột vịt lộn, ảnh nhăn mặt nói sợ quá. Mình giả bộ giận, nói là món truyền thống của nước mình mà ảnh chê thì sẽ không nói chuyện nữa”. Vậy là anh chàng cứ “nhắm mắt nhắm mũi ăn, còn tấm tắc khen ngon”.
Kết thúc chuyến du lịch, anh đã ngỏ lời yêu và muốn chị cho anh cơ hội “được tìm hiểu về nhau”. Chị đồng ý.

“Yêu xa cũng khổ lắm. Mình không có cuối tuần hẹn hò, lễ lộc gì cũng một mình, đi làm về thì cứ khư khư laptop để video call với anh. Mà được cái anh ấy rất tâm lý và biết quan tâm người yêu cực kỳ, nên mình cũng đỡ tủi”, chị tâm sự.

Cặp đôi cũng có “lịch thăm người yêu” rõ ràng, cứ 2 tháng chị sang Singapore thì 1 tháng anh sẽ về Việt Nam thăm chị. “Anh ít về Việt Nam vì việc xin visa về rất khó khăn, mỗi lần về cũng chỉ gặp nhau được 3 ngày, nhưng mà cũng đủ hạnh phúc rồi”, chị nhớ lại.

Chị kể, sau 5 tháng đi đi về về như vậy thì có lần anh điện thoại cho chị, nói bằng “giọng nghiêm trọng lắm”, anh nhận định bản thân là người từng trải, va chạm nhiều thứ trong cuộc sống rồi. Anh biết chị là “một nửa” mà mình còn thiếu và muốn được gắn bó lâu dài với chị.

“Nhưng mà mình từ chối, chính xác là từ chối anh đến 6 lần, vì mình chưa sẵn sàng. Dù anh có nói gì đi nữa, có thể hiện tình cảm đến mức nào thì mình vẫn cảm thấy mọi thứ diễn ra quá nhanh, không chắc chắn cũng không có can đảm để gật đầu”, chị lý giải.

Những tưởng anh sẽ nản lòng vì bị từ chối quá nhiều lần, nhưng Peter vẫn kiên quyết theo đuổi “tình yêu của đời mình”. Và trong ngày sinh nhật 45 tuổi, anh đã “năn nỉ mình tặng cho anh món quà mà anh yêu thích nhất”.

Chị cười hạnh phúc khi tiết lộ: “Anh ấy nói đây là một lời thỉnh cầu, một món quà sinh nhật vô giá và cũng là một tối hậu thư. Hãy đồng ý làm vợ anh ấy, vì anh không muốn “trái tim tan vỡ” mỗi khi tiễn mình ra sân bay về nước. Lần đấy mình gật đầu luôn”.

“Mình là con một nên ba mẹ nhất quyết không cho lấy chồng xa. Hết khuyên to khuyên nhỏ thì chuyển sang giận, không nhìn mặt mình. Nhưng mà hai đứa mình thương nhau thật nên vẫn cố gắng không từ bỏ. Anh còn nói mình chỉ anh vài câu tiếng Việt để đến nhà chào hỏi ba mẹ, cùng ngồi chiếu ăn cơm, uống rượu gạo với ba mình. Thấy được sự chân thành từ anh nên rồi ba mẹ mình cũng đồng ý”.

Vì tính chất công việc của cả hai là di chuyển nhiều nên dù đã chính thức “góp gạo nấu cơm chung”, cặp đôi vẫn tiếp tục yêu xa thêm 1 năm. Sau đó thì chị xin nghỉ việc và sang Thái sống với chồng.

Về phần Peter, anh sinh ra lớn lên ở vùng đồng quê nước Úc, từ nhỏ đã có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên. Theo lời chị thì “anh ấy nhà quê lắm, không có màu mè kiểu trai thành thị đâu. Tính tình thật thà, ăn uống cũng giản dị, dễ chịu, chả bao giờ đòi hỏi gì cao sang cả”.

Suốt những năm tháng được nghe chồng kể về mảnh đất nơi nước Úc xa xôi, không có bon chen lọc lừa, chỉ có 2 vợ chồng sống hòa mình với thiên nhiên… chị cứ thế bị cuốn vào ước mơ của chồng từ lúc nào không hay.

Cả hai xin nghỉ việc và dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được bấy lâu để mua một mảnh đất rộng gần 30 hecta, tại vùng Crows Nest, bang Queensland, nước Úc để xây dựng trang trại.

Mặc dù từng hình dung ra trước mọi thứ rồi, nhưng khi tận mắt chứng kiến bãi đất bỏ hoang hơn 30 năm, cỏ dại mọc quá đầu người thì chị Thủy thật sự bị sốc.

“Khu này hoàn toàn không có điện, nước vì là đất bỏ hoang hơn 30 năm và chỉ có độc một cái nhà chòi cũ nằm trơ trọi. Tụi mình bắt tay vào dọn dẹp nhà chòi trước để dọn vào đó ở, sau đó tiếp tục lên kế hoạch xin giấy phép và thiết kế bản vẽ chi tiết cho khu đất”.

Mặc dù có thuê thợ, nhưng theo chị Thủy thì tiền công thợ ở đây được tính theo giờ nên chị vẫn phải “tự lực là chính”. Từ đào hố, trộn xi măng, chặt cây cho đến mang vác đồ nặng chị cũng không ngại khó khăn, cực khổ.

Suốt một năm đầu, cặp đôi sống trong cảnh không điện, nước, không internet. Thậm chí họ còn phải tận dụng nước mưa để dùng trong sinh hoạt hàng ngày như tắm gội, giặt giũ và cả nấu nướng. “Vì tiền mua nước rất nhiều, còn khoan giếng thì cả 2 chưa đủ điều kiện”.

Chưa kể đến việc những người thân của chị ở Việt Nam khi biết cuộc sống “hoang dã” của 2 người thì đều tỏ vẻ ái ngại. “Mình cũng buồn, nhiều người không hiểu cứ nói trời ơi, nó mang tiếng Việt kiều mà qua bên đó đi làm khổ sở, ăn uống thiếu thốn đủ thứ… Nhưng được cái là ba mẹ mình rất thương con, ba mẹ nói chỉ cần 2 vợ chồng mình sống vui vẻ, thoải mái với những gì đã lựa chọn là được rồi”.

“Cũng có lúc cực quá chịu không nổi, mình phụ nữ nên cũng không tránh khỏi việc bị thương khi làm việc nặng. Vậy là có một tối 2 vợ chồng ngồi đốt lửa nướng thịt, anh nhìn mình rồi nói xin lỗi. Mình thắc mắc tại sao thì anh ôm mình rồi nói “Anh ích kỷ quá, anh vì sở thích sống ở nơi đồng quê của mình mà làm khổ em như vậy. Mình bán miếng đất này, anh mua căn nhà ở thành phố rồi vợ chồng mình sống như bình thường em nhé”, chị xúc động.

Thế nhưng, có lẽ chính tình yêu đã khiến những sở thích, những ước mơ của họ hòa vào làm một. Chị yêu anh, và cũng yêu thích không khí nơi miền quê dân dã, cũng thấy yêu từng cành cây ngọn cỏ, yêu những con vật xung quanh đây, và cũng có ước mơ xa rời thành thị như anh vậy.

“Tối nào 2 đứa cũng ngồi lại nói chuyện với nhau, bàn xem hôm nay đã làm được những gì, ngày mai mình sẽ làm gì tiếp theo. Những cái tôi to lớn ban đầu của 2 đứa bắt đầu biến mất dần, tụi mình biết lắng nghe và thông cảm cho nhau hơn. Đến mức chẳng cần nói ra, chỉ nhìn một cái thôi thì cũng có thể đoán được ý muốn của đối phương rồi”, chị có chút tự hào khi nói..

Từ một nhân viên công sở ngồi phòng lạnh, chị Thủy có thể trộn hồ, làm hàng rào, trồng cây, làm vườn, chăm sóc vật nuôi, đỡ đẻ cho cừu, lợn, nấu nướng, giặt giũ, phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Nói theo cách của chị thì là “làm từ A đến Z, ông bà chủ kiêm tạp dịch, lao công”.

Ngẫm đi ngẫm lại, tôi vô tình tìm được câu trả lời cho câu hỏi Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc với người này có thể là trong túi lúc nào cũng đầy tiền, với người kia thì chỉ cần một bữa ăn no.. Với chị là được sống cuộc sống an nhàn bên người yêu thương, “cứ mở mắt ra là nghe chim hót, thư thái, nhẹ đầu”… Ừ, chỉ cần bản thân thấy hài lòng thì đó là hạnh phúc…

                                                                        Theo Thanh niên online