Chị Hằng Nga biểu diễn trong một tiết mục văn nghệ


Chị Nghiêm Thị Hằng Nga, một hạt nhân văn nghệ tiêu biểu trong cộng đồng, người thường tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ biểu diễn của cộng đồng trong các dịp lễ, Tết, trả lời phỏng vấn về hoạt động văn hóa văn nghệ của bà con người Việt nơi đây.

PV. Thưa chị, được biết phong trào văn hóa văn nghệ của người Việt ở Chemnitz rất mạnh, có sự tham gia đóng góp chung của cả cộng đồng. Chị có lý giải gì về điều này?

Chị Nghiêm Thị Hằng Nga: Bà con sống ở bên Đông Đức và chỗ mình ở chủ yếu là các cộng tác viên lao động từ bên Đức sang, làm nhiều nghề, người làm nhà hàng, người bán quần áo, người làm hoa quả, làm hoa, hoặc làm cho các nhà máy, các hãng. Bà con đa số bây giờ đều lập gia đình hoặc đoàn tụ gia đình, con cái sinh ở bên Đức thì cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa của người Đức. Vì thế cộng đồng người Việt Nam cũng mong muốn làm sao có những hoạt động văn hóa, văn nghệ làm sao để tự giới thiệu với các cháu một chút về Việt Nam, mặc dù có thể rất ít thôi, nhưng mọi người cũng hướng tới điều này.

Là hạt nhân văn nghệ cộng đồng, chắc một thời chị cũng tham gia những hoạt động văn nghệ ở trong nước - ở Việt Nam?

Chị Hằng Nga: Ngày nhỏ mình rất hay đi sinh hoạt câu lạc bộ hát, múa, vì mẹ mình trước cũng là diễn viên múa ở Tổng cục chính trị, và hát thì đi theo câu lạc bộ Hoàn Kiếm. Vì thế nên mình cũng có điều kiện nhiều hơn để dàn dựng những tiết mục văn nghệ., là những tiết mục đồng ca hay múa có chất dân gian hoặc những bài hát về Việt Nam.

Thường thì những tiết mục văn hóa văn nghệ của bà con ở nước sở tại được dàn dựng như thế nào thưa chị?

Chị Hằng Nga: Các chương trình này thường diễn vào dịp như Tết cổ truyền của Việt Nam, ngày lễ... Trong những ngày lễ tết đó tất cả những người ở các vùng lân cận sẽ cùng nhau đến một địa điểm, liên hoan văn nghệ ở đó và cũng liên hoan nhỏ như ăn bánh chưng, kẹo bánh, hoa quả, nói chuyện, nghe văn nghệ…

Thường những ngày đấy mọi người cũng có sự háo hức, nhất là các gia đình có con nhỏ, được cùng đón Tết với cộng đồng. Mọi người cũng rất thích nói chuyện, bởi vì lâu cũng không gặp nhau, các cháu được vui chơi hay có thể tham gia một số tiết mục.

Ngoài Tết ra thì cũng thấy những dịp như Trung thu thường tổ chức văn nghệ cộng đồng, hoặc biểu diễn ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong nước…Chị thường dàn dựng những tiết mục như thế nào trong những dịp này?

Chị Hằng Nga: Những gala ví dụ để cứu trợ đồng bào bão lụt , thì Hội người Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức để kêu gọi bà con ủng hộ. Những đêm gala đấy chúng tôi sẽ có những tiết mục văn nghệ đặc biệt, chú trọng đến nội dung về bão lũ, kêu gọi mọi người ủng hộ. Hội người Việt Nam cũng tổ chức đem trực tiếp về tận nơi, đưa tận tay bà con ở nhà. Là một thành viên trong Hội, tôi dàn dựng một tiết mục để biểu diễn, có những câu hát về miền Trung - cũng là do một nhà thơ người Việt đang sống ở bên Đức sáng tác. Tiết mục có ngâm thơ, diễn nói, hát…Mọi người xem cũng rất cảm động.

Chị có thể kể một tiết mục thú vị nhất, mới nhất do chị dàn dựng gần đây không?

Chị Hằng Nga: Tết năm 2017 tôi có làm tiết mục chèo, có múa quạt. Tiết mục đó tôi cảm thấy rất hài lòng. Vì trước đó khi xem Đài truyền hình Việt Nam, tôi có được xem giới thiệu về nghệ thuật biểu diễn quạt ở trong chèo, rất hay, nhờ đó tôi dàn dựng tiết mục chèo đón Tết đó. Bài chèo này có tên “Nhớ Tết quê xưa” do chị Hoàng Thị Dư là soạn giả. Chị người Thái Bình (một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo – pv), từng học kéo nhị ở Việt Nam, sang Đức chị cũng sáng tác rất nhiều. Bài Nhớ Tết quê xưa nhạc theo điệu chèo cổ Lới lơ.

Xin cảm ơn chị và chúc cho phong trào văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Chemnitz ngày càng khởi sắc.

Theo VOV5