Đông đảo doanh nhân kiều bào tham gia trao đổi tại các điểm cầu. Ảnh SGGP

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các đại diện từ đầu cầu Kuala Lumpur (Malaysia); TPHCM (Việt Nam); Udon Thani (Thái Lan) và các doanh nghiệp của Việt Nam, Malaysia.

Theo báo SGGP, các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung thảo luận, trao đổi, nhận định về các nội dung trọng tâm: Thương mại 2 chiều Việt Nam – Malaysia và các thế mạnh; Kinh nghiệm xuất khẩu của Việt Nam và các điểm nhấn giao thương giữa Việt Nam và toàn cầu về trang thiệt bị vật tư y tế trong dịch COVID-19 và 2 năm tới; chứng chỉ Halal và thế mạnh của sản phẩm Halal (sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống, sử dụng) tại thị trường Malaysia; những thuận lợi và khó khăn khi nhập khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Malaysia…

Ông Phạm Quốc Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết, cơ cấu các loại hàng hóa trao đổi, xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam - Malaysia không mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau nên có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Theo ông Quốc Anh, Malaysia là một thị trường khá lớn với dân số gần 32 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cao và đây là quốc gia có quan hệ thương mại rất tốt với các nước Hồi giáo như Indonesia, các nước Trung Đông… Vì thế, khi thâm nhập thị trường Malaysia, đồng nghĩa sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường sản phẩm Halal với nhu cầu hơn 2.000 tỷ USD hàng năm.

Bên cạnh đó, Malaysia là nước công nghiệp phát triển, có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng thực phẩm như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, bánh kẹo ... nên dù dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến thương mại thế giới nói chung và thương mại giữa hai nước nói riêng nhưng vẫn mở ra những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đưa các mặt hàng này vào thị trường Malaysia. Và hiện nay Việt Nam là một trong những nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng nói trên cho thị trường Malaysia.

Doanh nhân kiều bào tại đầu cầu TPHCM (Việt Nam) tham gia hội thảo, bàn cách xuất khẩu hàng hóa trong lúc bối cảnh kinh tế bị dịch COVID-19 tác động mạnh.

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, trong thời gian qua, đất nước ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam như là một trong những điểm đến an toàn cho đầu tư kinh doanh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao thương thời gian tới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, … vẫn chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chính vì thế, những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cực kỳ cần thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Tại hội thảo, các doanh nhân kiều bào cũng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về việc tận dụng triệt để các Hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn và có hiệu lực là 2 trong số những Hiệp định thương mại đáng chú ý mà Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, đánh giá để tận dụng triệt để các cơ hội nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt nên tập trung xuất khẩu tại các thị trường, khu vực hết dịch sớm và hiện có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức Hội thảo “Malaysia - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam sau COVID-19”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin tổng quan và xu hướng nhập khẩu của thị trường Malaysia, đồng thời giới thiệu các chương trình hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu COVID-19, chương trình triển lãm sản phẩm Việt và Hội nghị kết nối với nhà mua hàng tại Malaysia năm 2021.

6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 1,6 tỷ USD.

Năm 2019, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo lớn nhất cho Malaysia với kim ngạch gần 219 triệu USD, chiếm 5,8% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia.

Theo thoidai