Về hưu, tâm trí bí bách, lại quẩn quanh với mớ việc nhà khiến nhiều chị em khủng hoảng tâm lý (ảnh minh họa)

Nhận quyết định nghỉ việc, chị bần thần cả buổi dù, đã dự liệu việc này từ lâu. Công ty đã cố gắng duy trì hoạt động để ít ảnh hưởng đến mọi người, nhưng rồi cũng không cầm cự nổi trước sự tàn khốc của đại dịch.

Lương chị thuộc hàng cao trong công ty, nên khó tránh khỏi đợt cắt giảm nhân viên có một không hai trong lịch sử. Nhiều người cũng bị tinh giản đợt này, nỗi buồn xem ra chẳng của riêng chị, nhưng vẫn tê tái, cay đắng thế nào. Tám năm gắn bó với công ty, phải đâu một sớm một chiều mà quên được.

Từ đầu mùa dịch, thấy đơn hàng của đối tác bắt đầu giảm, chị đã gửi đơn tìm việc khắp nơi, nhưng chẳng nhận được phản hồi tích cực. Thời buổi dịch dã, khó khăn toàn cầu, công ty nào cũng tìm cách giảm chi phí, hiếm nơi nào muốn tuyển thêm. Chưa kể một người có tuổi không dễ cạnh tranh với các ứng viên trẻ. Chưa già bỗng dưng “về hưu non”, chị xác định khả năng cao là thất nghiệp vô thời hạn.

Chị nhớ những bài viết hướng dẫn sử dụng thời gian khi về hưu. Nào học khiêu vũ, du lịch đó đây, học cắm hoa, làm bánh, tham gia hội nhóm này nọ. Nhưng hầu hết những việc ấy chỉ dành cho người khá giả, chứ một nhân viên văn phòng như chị lấy đâu ra của để dành mà tiêu. Khoản tiết kiệm còm cõi phải dành dụm phòng khi đau ốm, phải trích ra để tự đóng bảo hiểm khi tuổi nhận lương hưu còn xa lắc. Chưa kể, bị thôi việc bất đắc dĩ kiểu này, tâm trí đâu mà vui vẻ hưởng thụ.

Đầu tiên, chị cho cô giúp việc ở nhà nghỉ. Chị cho hết váy áo công sở vào một ngăn riêng để không nhìn thấy mỗi ngày, để không phải ngậm ngùi vì chỉ vừa mới đây thôi, chị vẫn loay hoay tìm màu áo hợp tâm trạng để mặc, cái việc nhỏ nhặt từng khiến chị ngao ngán mỗi sáng ấy giờ có muốn cũng đã không được làm. Chị nhớ những trưa lên nhà ăn công ty, đông vui vậy mà mọi người còn chống đũa õng eo, ngao ngán dù hôm nào cũng có vài món để chọn. Giờ ở nhà một mình sau khi chợ búa, dọn dẹp và chuẩn bị cơm chiều cho “cha con nó”, mệt mỏi, chán chường khiến chị chẳng buồn động đũa.

Trong những người bị tinh giản cùng đợt với chị, chỉ số ít may mắn có việc mới, còn lại phải loay hoay xoay sở. Người giỏi nấu nướng chuyển sang bán đồ ăn ở nhà, có người tập tành kinh doanh online, đăng bài quảng cáo trên Facebook, bạn bè, người thân vô ủng hộ rôm rả, có đồng ra đồng vô, thu nhập không nhiều nhưng cũng tận dụng được khoảng thời gian nhàn rỗi cho đầu óc bớt nghĩ ngợi.

Không dưng chị thấy mình vô dụng, ngoài kỹ năng nấu nướng chỉ đủ phục vụ chồng con ngày ba bữa, chị thấy mình chẳng có khả năng gì đặc biệt. Mới ở nhà vài ngày đã thấy rệu rạo như sắp nhũn ra, nghĩ tới phía trước chỉ thấy một màu u ám.

Du lịch là thú giải khuây hiệu quả của người về hưu, nhưng chỉ dành cho người “có điều kiện” (ảnh minh hoạ)

Cuối tuần đầu tiên “thất nghiệp”, thấy chị ủ ê quá mức, chồng chị rủ làm một chuyến đi đâu đó. Du lịch vốn là sở thích của chị, vậy mà nay chẳng còn hứng thú. Chị bực bội bảo anh vô tâm, chị đang mất thu nhập còn bày vẽ tốn kém. Nhìn anh lẳng lặng khuân về mấy bịch đất trồng, mấy chậu hoa, kiểng mà chị từng thích, chị thấy ân hận. Không dưng chị ngộ ra nhiều thứ.

Cuộc sống luôn biến đổi, chị chưa quen thích nghi nên khó tránh cảm giác chông chênh. Có khi chị sẽ lại tìm được việc mới, nhưng cũng có khi đây là lần “hạ cánh” sau cùng. Chị phải thay đổi để thích nghi, vì chẳng ai mãi nương náu muộn phiền qua ngày tháng. Thay vì vẫn phải lặn ngụp như bao người ngoài kia, số phận lại muốn chị thong dong, nhàn hạ, hà cớ gì phải day dứt, lăn tăn?

Chị chợt nhớ câu hát “nếu mình không thể quên, thôi thì đừng quên”, chị sẽ không cố quên những ngày tháng rộn ràng đã qua, nhưng sẽ tập quen với những ngày bình yên phía trước. Không có những muộn phiền, toan tính, không có những được mất, hơn thua, chẳng phải chị đang sống cuộc đời nhẹ bẫng? Buông hay giữ, vui hay buồn rốt cục chỉ là do mình chọn đấy thôi.

Theo phunuonline