Năm nay chị Kim Anh cũng tự gói bánh chưng bằng lá chuối.

14 năm định cư ở Scotland cùng chồng người Anh, là gần như từng đấy năm chị Kim Anh, 48 tuổi, quê Hà Nội, phải ăn Tết nơi xứ người. Chị đã trải qua cảm giác nhớ gia đình quay quắt, thèm được về Việt Nam ngay lập tức. Không được hưởng không khí Tết quê nhà, nhưng chị cũng tự tạo cái Tết theo cách của riêng mình. Dưới đây là chia sẻ của chị về những cái Tết ở xứ sương mù:

Tôi lấy chồng và định cư ở Scotland từ năm 2004. Duy nhất một cái Tết tôi được về Việt Nam là khi mẹ bị ốm, cách đây đã 8 năm. Vì thế, mỗi khi tới dịp Tết cổ truyền dân tộc, cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương lại quay quắt trong tôi. Tôi thèm được về ngôi nhà trong ngõ nhỏ Hà Nội, thèm được cùng mẹ gói từng cái bánh chưng, làm giò tai... đón Tết.

3 năm đầu khi mới định cư, cứ 30 Tết xem tivi kênh VTV4, thấy bà con mình rộn ràng chuẩn bị Tết là tôi lại khóc vì nhớ nhà, nhớ về những kỷ niệm đầm ấm bên gia đình. Ngày xưa khi hai anh em tôi còn nhỏ, năm nào bố cũng gói bánh chưng và luộc bánh trước cửa nhà. Cả nhà thức trắng đêm trông nồi bánh, rồi tranh thủ cho khoai lang vào nướng bên dưới, ăn xong mặt mũi tèm lem nhưng vui đáo để. Bố lúc nào cũng gói riêng hai cái bánh chưng bé xíu để hai anh em có thể ăn trước. Ai cũng háo hức chờ được lấy bánh của mình.

Bố mất khi tôi mới 20, những năm sau đó chỉ có ba mẹ con cùng nhau đón Tết. May mắn là khi tôi sang nước ngoài cùng chồng, anh trai đã lập gia đình và có cháu nên mẹ tôi cũng đỡ buồn. Năm nào tôi cũng canh đúng giờ giao thừa ở Việt Nam để gọi điện về chúc sức khỏe mẹ.Đêm giao thừa, bố luôn nhận ở nhà thắp hương cúng và bảo mẹ đưa anh trai và tôi đi chơi. Mọi việc ở nhà như dọn lại đồ đạc, sắp mâm cỗ, cúng tổ tiên, bố tự mình làm hết. Sau khoảnh khắc giao thừa, hai anh em hào hứng được nhận lì xì, rồi cả nhà quây quầy bên mâm cơm nhỏ, dùng tay xé gà chấm gia vị... Bố tôi rất vui tính và hay hát, nên còn lôi đàn bầu ra đánh nữa. Ăn uống xong xuôi cả nhà lại cùng nhau đi chùa, cầu mong năm mới bình an.

Ở bên này, tôi kể cho chồng nghe rất nhiều về ngày lễ Tết truyền thống của quê hương mình. Tết nào tôi cũng tự tay gói bánh chưng, khoảng 3-5 cái để cúng. Năm nay tôi cũng hì hụi gói từ hôm 28 Tết. Không có lá dong, tôi dùng lá chuối để thay thế. Tôi phải bọc giấy bạc bên ngoài để luộc cho khỏi bục. Tôi luộc nồi áp suất đươc 3 cái bánh to và môt cái bánh nhỏ xíu. Bánh luộc 4 tiếng là chín, cứ 2 tiếng lại xì hơi, mở nắp đổ thêm nước nóng. Tôi cũng nấu món chay và làm một vài món ăn ngày Tết cổ truyền như nem, gà luộc, miến, giò và canh măng khô. 

Cây quất, cành đào "giả" góp phần làm tăng không khí Tết trong ngôi nhà chị Kim Anh ở Scotland.

Cành đào là món quà của mẹ mấy năm trước. Mẹ mua cành nhựa, có thể tháo rời để tôi gập gọn trong valy. Gần Tết tôi lôi cả đào, quất ra bày, treo câu đối. Mỗi lần đi làm về, vào phòng khách thấy rực màu đỏ khiến tâm trạng thoải mái hẳn. Để tăng thêm không khí ngày Tết, tôi cũng chuẩn bị khay mứt với đầy đủ các món mứt, bánh, kẹo, hạt dưa. Đến tối 30 Tết, hai vợ chồng ngồi trước tivi cùng đón giao thừa với bà con Việt Nam qua tivi và nhâm nhi các món.Ở đây không thể kiếm được cành đào, cây quất thật nên mọi người đều phải "chế" ra hết. Có dịp tranh thủ về Việt Nam, tôi ra phố Hàng Mã mua một loạt quả quất nhựa để đến dịp Tết gắn lên cây cho có không khí. Còn cây quất là cây thật của Thái Lan, họ bán ở siêu thị. Cách đây 2 năm khi tôi mua, nó có nhiều quả lắm, nhưng hết Tết là rụng sạch. Tôi giữ lại chăm sóc, tưới nước nên cây vẫn xanh tốt. Năm nay cây mọc được 3 quả, số còn lại là tôi gắn thêm quả nhựa vào trang trí.

Trước đó khoảng một, chúng tôi đã đến tham gia các hoạt động Tết với cộng đồng người Việt ở Manchester. Tôi thường tự nguyện lên sân khấu hát, còn anh ngồi dưới cổ vũ. Những hình ảnh về quê hương được trình chiếu trên màn hình lớn, khiến những người con xa quê sụt sùi. Tôi chỉ muốn được bay về luôn với mẹ, với ngôi nhà nhỏ ngập những kỷ niệm vui.Tết hàng năm, chồng tôi luôn là người xông đất. Sau 12 giờ giao thừa (giờ Việt Nam), anh đi ra ngoài dạo một chút rồi vào nhà xông đất và hồ hởi nói câu "Chúc mừng năm mới", tôi đã dạy từ trước.

Năm nay, lại một năm nữa tôi đón Tết xa nhà, vẫn cảm giác lâng lâng, nhớ mẹ, nhớ không khí Việt Nam. Nhưng dù ở đâu, tôi cũng như những người con xa xứ vẫn luôn nhớ về gia đình, về đất nước, về nguồn gốc Việt vẫn đang chảy trong từng mạch máu...

Theo VNExpress