Tình trạng của gia đình chị Đan Hà, hiện sinh sống ở Pháp, là khó khăn chung của nhiều bậc cha mẹ Việt khi muốn duy trì tiếng mẹ đẻ cho con. Sống trong môi trường nước ngoài, chỉ có mình mẹ nói ngôn ngữ riêng, khiến việc dạy con nói tiếng Việt không hề đơn giản.
Hiểu được khó khăn đó nên ngay từ khi con học nói, chị Đan Hà đã nói tiếng mẹ đẻ với con, và kiên nhẫn sửa cho con từng câu từng từ. Nhưng do cùng lúc tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ nên nhiều lúc bé nói chưa chuẩn, hay bị dịch ngược.
"Con hay dùng từ kiểu 'mấy cái bạn', 'mấy cái mẹ' do thói quen dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nhiều người nghe qua chưa hiểu sự tình lại nghĩ con nói không lễ phép, nhưng thực sự con cũng bị loạn ngôn ngữ, nói theo quán tính", chị Hà cho hay.
Nữ nhà báo tâm sự cái khó nhất chính là con gái không có môi trường học nói tốt, thời gian bé dùng tiếng Pháp nhiều hơn nói tiếng Việt với mẹ ở nhà. Để khắc phục điều này, chị quy định khi nói chuyện với mẹ con buộc phải nói tiếng Việt. Chị cũng thường xuyên cho con gọi điện về hỏi thăm ông bà ngoại, họ hàng để con có thể nói và trau dồi ngôn ngữ nhiều hơn. 
Để tăng sự hứng thú cho con, chị Hà cũng dạy con làm nhiều món ăn Việt, sau đó để con tự làm, làm video hướng dẫn, cho con sử dụng tiếng Việt linh hoạt. Hiện giờ, bé Mai Linh 6 tuổi đã nói được thành thạo 3 ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bé còn biết nói thêm một chút tiếng Italia và Tây Ban Nha, nhờ những video trên Youtube. 
Chị Hà cho biết bé rất thích nói tiếng Việt, và thường xuyên dạy cho bố, bạn bè học theo. Video cô bé dạy bố và một người bạn của bố đọc bài thơ "Mẹ đi làm" của bé Linh từng gây sốt vài tháng trước với hàng trăm nghìn lượt xem.
Luôn có ý thức gìn giữ tiếng Việt, nên ngay từ khi mang bầu, chị Jenny Vũ Perry, kết hôn và định cư ở Mỹ gần 6 năm, luôn trò chuyện với em bé bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Cho đến khi sinh con, những bài hát ru "Mẹ ru con"; "Nhật ký của mẹ"... trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi giấc ngủ của bé Sophie, hơn 2 tuổi.
"Tôi đi làm bận cả ngày, con gửi ở trường các cô nói tiếng Anh, chồng cũng vậy, nên có ít thời gian dạy con tiếng Việt. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng dạy con khi nào rảnh rỗi", chị Jenny cho hay.
Bà mẹ 39 tuổi tâm sự, hiện cũng có rất ít giáo trình hay tài liệu để các bậc cha mẹ Việt ở nước ngoài có thể dạy con một cách bài bản. Vì vậy, để con có thể nói và học tốt tiếng Việt đòi hỏi cha mẹ phải thực sự kiên nhẫn.
Ba con trai nhà chị Diệp đáng yêu trong bộ trang phục áo dài truyến thống Việt Nam
Chị Ngọc Diệp, định cư 16 năm tại Bruxelles, Bỉ, có tới 3 cậu con trai. Việc chăm sóc các con và đi làm tại một trường mẫu giáo đã choán hết thời gian của chị. Chị thừa nhận dù bản thân rất muốn dạy cho con tiếng Việt nhưng thực sự rất khó khăn. Chị từng dạy con nhiều nhưng vì khi đến trường, các con học tiếng Bỉ, về nhà mẹ bận việc không thường xuyên nói nên các con quên rất nhanh.
Các con nói tiếng Việt bập bõm nhưng chị lại truyền cho 3 cậu con trai tình yêu với đất nước Việt Nam thông qua chính những cái tên của chúng. Dù gia đình chồng từng phản đối, chị vẫn quyết định đặt tên các con lần lượt là Tim Vinh Daan Quang và Stijn Minh.
Chị cũng khiến các con hiểu hơn về đất nước nơi mẹ sinh ra thông qua những món ăn. Đó là những bữa ăn với giò chả, bánh chưng, xôi nếp... Chị còn nhờ người mua hộ những bộ áo dài, khăn xếp để các con mặc mỗi khi đến ngày lễ tết truyền thống. Để các con có cơ hội được tiếp xúc, nói tiếng Việt nhiều hơn, chị thường xuyên đưa chúng đến các lễ hội người Việt ở nước ngoài, gặp gỡ cộng đồng người Việt.
Chị Thu Hiền, định cư ở Berlin, Đức lại có cách dạy con tiếng Việt khá thú vị. Từ khi con bắt đầu học nói, chị cùng chồng nói song song hai thứ tiếng. Khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, chị tuyệt đối chỉ nói tiếng Việt, cho con nghe các bài hát thiếu nhi, đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích... Chị cũng nuôi dưỡng tình yêu của con với dải đất hình chữ S nhờ những chuyến du lịch, về thăm gia đình mỗi khi có dịp.
Dạy con nói tiếng Việt khi đang sinh sống ở nước ngoài không dễ nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Dù con có thể nói trơn tru hay ngọng líu ngọng lô thì thứ ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn luôn là liều thuốc tinh thần ấm áp cho mỗi bậc cha mẹ nơi xứ người.