Lớp học trong ngày khai giảng

Theo Hội người Việt tại thành phố Daejeon, hiện tại có rất nhiều con em gia đình đa văn hoá không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tiếng Việt. Nguyên nhân thì nhiều nhưng một phần là do các bậc làm cha làm mẹ cũng sống và dùng ngôn ngữ Hàn như người bản địa, phần khác là vì công việc quá bận rộn nên họ không có thời gian dạy con. Tuy nhiên, nếu tất cả con em gia đình đa văn hoá có thể sử dụng song song cả ngôn ngữ mẹ đẻ và sở tại thì sẽ dễ dàng hoà nhập hơn, cộng đồng người Việt sẽ vượt trội hơn hẳn so với các cộng đồng đa văn hoá khác.

Chủ tịch Hội Vũ Đức Lượng cho biết, tại Daejeon có khoảng 5.000 người Việt, đa phần là phụ nữ kết hôn gia đình đa văn hóa, có cả công nhân lao động và du học sinh. “Dù đã làm rất nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng trong thời gian qua, Hội vẫn luôn trăn trở với ý định mở lớp học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở đây”, anh Vũ Đức Lượng nói.

Trên thực tế, đội ngũ những người tâm huyết với công tác giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào còn mỏng. Sự trợ giúp từ trong nước qua việc cung cấp phương tiện, công cụ tiếp cận, nguồn tài liệu còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Vì vậy, nhằm đáp ứng đáp ứng nguyện vọng của các gia đình đa văn hoá trong khu vực, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và nguồn tài trợ từ các trung tâm gia đình đa văn hóa, các công ty ở Hàn Quốc, Hội người Việt Nam tại thành phố Daejeon đã thực hiện chương trình mở lớp dạy tiếng Việt,  văn hoá dành cho con em gia đình đa văn hoá đang cư trú tại Daejeon và các khu vực phụ cận.

Với thông điệp "Hai ngôn ngữ, niềm vui nhân đôi", lớp học đã khai giảng vào ngày 16/4 vừa qua, và sẽ được tiến hành trong 30 tuần liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 11 vào mỗi Chủ nhật hàng tuần. Điều đặc biệt, tất cả giáo viên và trợ giảng đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Ngoài những hỗ trợ bước đầu của Hội người Việt Daejeon, kinh phí học tập còn lại do phụ huynh đóng góp.

Là một trong những người mẹ có con mang trong mình hai dòng máu Việt-Hàn, chị Châu Thị Ngọc Mai đang sinh sống tại Daejeon thấu hiểu nỗi lòng của những người mẹ mong muốn con mình có thể nói được hai ngôn ngữ của cả ba và mẹ. Chị tâm sự: “dù sống tại Hàn Quốc, các con vẫn không quên ông bà ngoại và những người thân đang sống ở Việt Nam. Đó là quê hương của mẹ, là một phần dòng máu đang chảy trong người các con. Tôi chỉ mong được nghe các cháu có thể hỏi thăm, nói chuyện với ông bà ngoại, với những người bạn đồng hương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ”.    

                                                                                       Theo Thế giới và Việt Nam