Chị Cao Thế Duy và cháu Tok gặp nhiều khó khăn khi hồi hương vì không giấy tờ tùy thân

Ngoại kiều bất đắc dĩ

Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 353 trẻ được đưa về VN sau khi cha mẹ đổ vỡ hôn nhân. Trong tổng số đó, 179 trẻ có giấy khai sinh và đến trường, còn lại 174 trẻ chưa đủ điều kiện vào học do vướng về khai sinh.

Để tạm giải quyết, giai đoạn trước năm 2014, Sở Tư pháp Hậu Giang đưa ra giải pháp là tiếp nhận hồ sơ và xác nhận đã nhận hồ sơ chờ xin ý kiến của Bộ Tư pháp, rồi gửi về địa phương cho các em có thể đi học (học gởi).
Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài trong độ tuổi đi học được tham gia học tập”.

Câu chuyện mẹ con chị Cao Thế Duy (SN 1990, ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) là một trong hàng trăm trường hợp thường thấy ở Hậu Giang. Cả gia đình chị gồm 6 người cùng sinh sống trong căn nhà mái lá trống tuềnh trống toàng.

Thương bậc sinh thành tuổi cao sức yếu, chị cắn răng đi “chào đoàn” (kết hôn qua môi giới bất hợp pháp) với mong muốn giúp đỡ cha mẹ có tiền thuốc thang. Năm 2011, chị Duy qua làm dâu xứ người. Đến Hàn Quốc, chị mới bàng hoàng phát hiện ra bộ mặt vũ phu của anh chồng ngoại…

“Cuộc sống bên Hàn của tôi không khác gì đi tù. Gia đình chồng đi làm sẽ khóa cửa từ bên ngoài để tôi không đi đâu được. Không ai nói chuyện mà chỉ ra dấu bắt tôi làm việc này việc kia vì họ không muốn tôi học tiếng Hàn.

Do không hiểu ý, tôi thường bị chồng đánh đập. Đến giờ ăn, nếu nhớ thì mẹ chồng sẽ đưa tôi hộp cơm mua sẵn, nếu quên thì tôi phải nhịn đói. Khi tôi có bầu, tình hình còn tệ hại hơn, nhà chồng vẫn bắt làm việc quần quật. Cuối cùng, tôi sợ bị chết một cách bất minh như một số cô dâu khác nên đã điện thoại về nhờ mẹ xin số liên lạc khẩn cấp của cơ quan chức năng bên Hàn.

Sau đó, tôi sinh con mới được 2 tháng thì chồng lại đánh đập bạo hành nên tôi đã cầu cứu cơ quan chức năng. Tôi được Chính phủ Hàn Quốc cho về nước dù chồng phản đối kịch liệt. Lúc ra đi, tôi phải nói dối là chỉ về thăm mẹ ít ngày anh ta mới đồng ý. Tay ôm con nhỏ, trên người chỉ có vẻn vẹn vài bộ quần áo nhưng tôi vẫn vui mừng khi thoát khỏi nơi đó”.

Đã 6 năm trôi qua, chị vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc đến những tháng ngày làm dâu bên Hàn… Ngồi trong lòng mẹ, cậu bé Tok (không rõ tên họ đầy đủ là gì) ngơ ngác khi được hỏi về đất nước Hàn Quốc dù trong tất cả giấy tờ, cậu là một công dân Hàn chính hiệu.

Theo qui định, cứ 3 tháng, chị Duy lại phải cầm hộ chiếu của bé đi gia hạn một lần. Gần 5 năm trôi qua từ khi theo mẹ về Việt Nam, cậu trở thành một ngoại kiều bất đắc dĩ trên chính quê ngoại của mình.

Hiện tại, dù đã 5 tuổi, sắp bước vào lớp 1 nhưng cậu vẫn là một công dân “chui”, không một mảnh giấy xác nhận thân phận. Do vậy, tương lai cậu bé sẽ phải học gởi để chờ bổ sung các giấy tờ.

Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Duy là gia đình ông Nguyễn Tấn Thành (63 tuổi, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy). Cách đây 10 năm, con gái ông ôm con về nhà mẹ vì bị chồng ngược đãi ở xứ người.

Khi đến tuổi đi học lớp 1, cháu ngoại ông Thành không có giấy khai sinh để làm học bạ. Bí quá hóa liều, ông mượn giấy tờ của người hàng xóm để cháu được đi học. Nếu không được xử lý sớm thì cháu sẽ "phải sống" với bằng cấp và giấy tờ dưới tên tuổi người hàng xóm kia.

Hiện tại, việc học lên cao của những đứa trẻ xứ sở Kim chi ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu học bạ, thiếu giấy tờ. Nếu không tháo gỡ những vướng mắc trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi và tương lai của trẻ.

Những con số biết nói

Bà Kim Young Ju, Trưởng phòng Chính sách phụ nữ, Viện Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (Hàn Quốc) cho biết: “Đằng sau những cuộc hôn nhân bất bình thường này là những mâu thuẫn nghiêm trọng trong đời sống gia đình các cô dâu Việt. Đó là sự khác biệt về văn hoá, pháp luật và phong tục tập quán.

Ngoài ra, Luật ủng hộ gia đình đa văn hoá của Hàn Quốc cũng thể hiện sự chưa công bằng khi yêu cầu người phụ nữ phải học ngôn ngữ, phong tục, văn hoá của chồng nhưng ngược lại, người chồng lại không cần tìm hiểu những điều đó ở phía người vợ”.

Theo bà Kim Young Ju, hôn nhân không trên cơ sở tình yêu thật sự, cùng với việc thiếu thông tin rõ ràng về hai phía, lại chịu sự chi phối vì mục đích lợi nhuận của môi giới trung gian đã khiến nhiều cuộc hôn nhân trở thành bi kịch. Đó là những vụ bạo lực gia đình hay nhẹ hơn là sự không thể hoà nhập với cuộc sống chung.

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Hệ quả của những cuộc kết hôn chóng vánh, “mù” thông tin này chính là tỷ lệ ly hôn của gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam lại có xu hướng tăng cao.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang giải quyết ghi chú ly hôn 956 trường hợp (trong đó ly hôn với người Hàn Quốc là 630 trường hợp). Trên thực tế, đa phần cô dâu vì xấu hổ, tự ti nên thường đi xa làm ăn hoặc tiếp tục tìm kiếm cơ hội kết hôn với người nước ngoài.

Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh đã có những đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn cho các bà mẹ hồi hương và con em ngoại kiều. Đặc biệt, Hội đã đề xuất Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan chức năng tham mưu với Chính phủ để có những chính sách hỗ trợ, giải quyết các chính sách cho các em hưởng chế độ như một công dân Việt Nam bình thường”.

Về phía địa phương, Hội LHPN Hậu Giang luôn quan tâm theo dõi sát sao tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài của chị em trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đề xuất Trung ương Hội tham mưu với Chính phủ để thực hiện Đề án 295, tổ chức dạy nghề cho phụ nữ.

“Với những cô dâu hồi hương do đổ vỡ hôn nhân, Hội đã vận động, hỗ trợ mọi thủ tục pháp lí cho chị em hồi hương; đề nghị ngân hàng chính sách xã hội có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho các trường hợp này nếu họ muốn ở địa phương sinh sống".

Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang


                                                                         Theo Phunuvietnam.vn