Điệu múa nón do thành viên Câu lạc bộ Hoa Hồng tại Sec biểu diễn tại Festival

Để hòa nhập với văn hóa của nước sở tại,  xóa bỏ khác biệt về văn hóa ngay trong gia đình và gìn giữ được văn hóa dân tộc  là mong muốn của những người phụ nữ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các chị  luôn suy nghĩ để làm được điều đó cho dù là khó khăn.

Về Việt Nam cùng các con để thăm gia đình là thói quen mà chị Phạm Thu Hà, một phụ nữ Việt Nam đang sống ở Italia duy trì từ hàng chục năm nay. Lấy chồng người Italia và sang định cư, làm việc, rồi sinh con nên để duy trì văn hóa Việt là điều khá khó khăn. Ngay trong gia đình, hàng ngày, giao tiếp bằng ngôn ngữ Italia với chồng, rồi với các con khiến cho tiếng Việt hầu như không được sử dụng. Vì thế, chị Hà quyết định dạy con nói tiếng Việt bằng cách cho con trở về quê hương hàng năm.

Nghe chị nói chuyện với con và cách trả lời của hai đứa trẻ, cho dù không thành thạo cũng đã thấy những cố gắng của chị trong việc gìn giữ ngôn ngữ cho các con nơi xa xứ. Chị Hà tâm sự“Gia đình thuần việt hay người kết hon với người nước thì rõ ràng giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội là không có điều kiện nói tiếng Việt. Không phải bố mẹ không mong muốn điều đó mà do cuộc sống và học tập. Khi các cháu còn bé tạo cho các cháu gì đó, tạo cho các cháu thích nói tiếng Việt để trao đổi với gia đình, cộng đồng. Có thể tôi có điều kiện khi các cháu còn nhỏ, năm nào tôi về Việt Nam. Tôi cho đấy là cái tôi thu hoạch được cho các cháu”

 NXB Trẻ, trao tặng sách cho đại diện Hiệp hội Kế thừa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam
 tại Đài Loan

Mong muốn duy trì văn hóa Việt, được nói tiếng Việt và sinh hoạt cùng cộng đồng  người Việt Nam không phải lúc nào cũng thực hiện được. Ở nước ngoài, khá nhiều khu vực hầu  như không có người Việt nên các hình thức sinh hoạt văn hóa theo phong tục, tập quán Việt Nam cũng không có. Vì lẽ đó mà khá nhiều phụ nữ Việt khi ở nước ngoài không được tham gia gặp gỡ,  giao lưu với người Việt. Còn trong gia đình, hầu như cũng theo phong cách của nước ngoài. Có chăng, các chị cố gắng duy trì ngôn ngữ với con để trẻ không quên tiếng Việt. Chị Nguyễn Nga, lấy chồng người Mỹ, sống ở một khu vực thuộc tiểu bang Indiana, hầu như không có người Việt  là như vậy: “ Tôi bên kia cộng đồng người Việt ít, đúng vào ca làm việc đi làm, còn thì ở nhà xem tivi. Tôi ở đây xa ít người Việt, không có nhà hàng Việt Nam luôn, không có nhà thờ, không có chùa, hầu  như không có tổ chức gì cả”

Không được tham gia sinh hoạt cộng đồng với người Việt, nhưng chị Nga cũng như khá nhiều phụ nữ khác đã cố gắng duy trì phong tục tập quán ngay trong gia đình. Bởi gia đình là nền tảng giúp cho mỗi người tự hoàn thiện, tạo nên sự hòa hợp giữa các nền văn hóa và giúp con cái phát triển toàn diện. Điều này cũng được khá nhiều phụ nữ Việt ý thức được khi lập gia đình với người nước ngoài. Chị Khánh Ly may mắn vì ngay từ ngày đầu tiên bước chân sang Đài Loan (Trung Quốc ) theo chồng, chị hoàn toàn không bị bỡ ngỡ bởi chị thành thạo tiếng Trung và gần như không có rào cản về ngôn ngữ.


Chồng chị cũng thường xuyên công tác tại Việt Nam, thích món ăn Việt và đây là thuận lợi để chị Khánh Ly hoàn toàn giữ được ẩm thực Việt trong gia đình. Chị Khánh Ly kể:“ Khi quyết định lấy nhau cả hai đều hiểu đối phương của mình và tôn trọng. Tôi nghĩ nền tảng gia đình rất quan trọng vì gia đình hạnh phúc thì con cái cũng ảnh hưởng. Tôi là người Hà Nội nên khó ăn uống nhưng ông xã rất ủng hộ, thường xuyên qua lại  Việt Nam quen và thích  khẩu vị  Việt Nam nên 3 bữa là món ăn Việt. Mười mấy năm rồi ông xã quen và bây giờ gần như người Việt Nam rồi”.

“Gần như là người Việt Nam”, không biết chị Khánh Ly có tự tin quá  không? Nhưng chắc rằng, hai nền văn hóa đã hoàn toàn hòa hợp trong gia đình chị. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều những phụ nữ Việt Nam đang sống ở nước ngoài.  Các chị mong muốn và luôn nỗ lực để hướng tới điều đó.

Theo VOV5