Được tạo không gian tự do, các bạn trẻ sẽ trưởng thành một cách tự lập hơn - Ảnh minh họa: T.T.D.

Từ ngày con bắt đầu đi học, chị L. - hàng xóm với tôi - phải nghỉ làm, ở nhà để lo cho hai đứa.

Quản con thật chặt: đúng nhưng có tốt?

Chồng chị L. làm việc trong một tập đoàn lớn nên việc kiếm tiền đã được anh ấy đảm nhiệm, còn chị ở nhà để lo chuyện cơm nước, chăm sóc cho cả nhà và đưa đón hai đứa con: đứa lớn vào lớp 1 thì đứa bé cũng bước chân vào mẫu giáo. 

Cũng từ ngày đó, ngoài những giờ ở trường, hai đứa trẻ đi đâu, làm gì, vui chơi như thế nào, với ai đều có chị bên cạnh giám sát, định hướng theo kiểu "con không được làm cái này, không được làm như vậy"... Các con chị được tung tăng trong "khuôn mẫu" của mẹ và người lớn đã định sẵn.

Câu chuyện quản con của chị L. không còn xa lạ gì, nhất là trong các khu vực đô thị. Hình ảnh cha mẹ đưa rước con đi học, đi thi, đưa rước con đến gặp thầy, gặp bạn đã trở nên quen thuộc trên đường phố, diễn ra ngay cả trong nhóm học sinh cấp III.

Đề cập vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng họ muốn tốt cho con, lo sợ con bị cuốn vào môi trường vốn ẩn chứa nhiều phức tạp, hoặc sợ con thiệt thòi so với bè bạn... Tất cả những lý do mà phụ huynh đưa ra đều có cơ sở bởi ai chẳng muốn tốt cho con.

Những lý do đó cùng với tâm lý nôn nóng muốn con được như ý của mình của các ông bố bà mẹ cũng chính là cơ sở xuất hiện thói quen muốn kiểm soát con ở phụ huynh. Điều này tốt cho trẻ ở một số phương diện như biết vâng lời người lớn, làm đúng, làm đủ lời cha mẹ dặn..., nhưng cũng có thể làm trẻ thụ động, không dám vượt ra khỏi phạm vi cha mẹ định sẵn, hạn chế phần nào tính quyết đoán, sáng tạo ở trẻ bởi tâm lý "làm sai sẽ bị la", "làm không đúng ý cha mẹ khiến cha mẹ buồn"...

Nếu cha mẹ không... nghĩ và làm thay con

Một lần, tôi tình cờ nghe được anh bạn của tôi "giáo huấn" cậu con trai của mình, rằng: "Hồi nhỏ nhà ông bà nội đông con, ông bà lại bận, có ai quản bố đâu, bố có được như ngày hôm nay không phải do bố nỗ lực vươn lên đó sao? Bố và mẹ quan tâm đến con như vậy, hằng ngày bỏ ra bao nhiêu thời gian kèm con học hành, nhưng con lại không hề cố gắng, tại sao con lại thiếu tự giác như thế?".

Thấy vậy, sau đó, nhân một lúc thích hợp, tôi góp ý với bạn: "Chính vì hồi nhỏ không ai quản anh nên anh mới học được tính tự giác, còn con trai anh không tự giác chính là do cháu bị quản một cách thái quá".

Trong mắt nhiều phụ huynh, không quản con trẻ đồng nghĩa với việc bắt họ từ bỏ quyền giáo dục con. Nhưng thực tế không phải vậy; không quản mà chúng tôi đề cập ở đây không phải là bỏ bớt trách nhiệm của cha mẹ, mà là một phương thức giải quyết vấn đề, một phương thức tư duy tôn trọng con trẻ mà phụ huynh cần phải tạo dựng trong lòng.

Có thể thấy rằng việc quan tâm thái quá của cha mẹ gây nên hiện tượng không tự giác ở những đứa trẻ. Trong đó, nếu phụ huynh chúng ta không đặt niềm tin vào con trẻ, lúc nào cũng lo lắng, lúc nào cũng sợ sệt, lúc nào cũng quản lý, lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột thì chắc chắn sẽ khó lòng khơi gợi được sức mạnh tiềm năng ẩn chứa bên trong mỗi đứa trẻ. Thậm chí còn làm trẻ trở nên nhút nhát, tự ti, thiếu chín chắn, thiếu tự giác.

Một đứa trẻ bị kiểm soát quá nhiều nó sẽ dần dần trở thành "tay sai", "con rối" dưới bàn tay của cha mẹ, thậm chí khiến trẻ biến thành "nô lệ" của những hành vi không tốt như hay bực tức, cáu gắt, thích đánh nhau, nói dối, thô bạo... Một con người trước hết phải được tự do mới có thể trở thành người tự giác. Vì vậy, với con trẻ, chúng ta cần kiên nhẫn và trao cho trẻ quyền được trải nghiệm, quyền được sai và cảm nhận cái sai để sửa sai.

Sự bực bội đến từ... việc được thương quá mức!

Nhiều trẻ cho rằng việc đến trường là phải có cha mẹ đưa đón, việc đạt điểm tốt là do cha mẹ trao thưởng, việc phải làm bài tập là do cha mẹ bắt buộc... Như vậy, nếu phụ huynh chúng ta càng quan tâm đến con quá mức, chúng ta sẽ biến việc của con chuyển thành việc của mình, biến sự tự giác, trách nhiệm trong học tập của con thành sự sốt sắng, lo lắng của chính mình.

Những điều ấy, một mặt khiến trẻ cảm thấy chuyện học hành không phải là việc riêng của trẻ mà là việc chung của cả cha mẹ, lâu dần khiến trẻ hình thành tính ỷ lại. Mặt khác, việc cha mẹ luôn luôn nhắc nhở, đốc thúc con sẽ tạo cho trẻ cảm giác mệt mỏi, không tự do, từ đó dần mất đi niềm hứng thú trong việc học, thậm chí quay sang bực bội, chống đối.

Theo tuoitre