Anh rất sốt sắng việc thiên hạ, còn với chị anh chỉ thích làm lơ... - Ảnh minh họa

Anh là tổ trưởng tổ dân phố, kiêm hội trưởng hội khuyến học. Ở công ty, anh là chủ tịch công đoàn. Mấy việc giải quyết tranh chấp, phát học bổng cho học sinh nghèo, chăm lo đời sống công đoàn viên… anh rất sốt sắng. 

Lần đó, chị cùng đoàn từ thiện của anh đi xây cầu ở một vùng quê. Tới nơi, anh bỏ áo ngoài, ào xuống vớt lục bình, đóng cọc, vác đá. Nhìn anh làm hùng hục như một công nhân, chị ngỡ ngàng. 

Bữa đó, không biết trời xui đất khiến gì mà chị lóng ngóng làm đổ thùng xôi. Bỏ đá vào thùng xốp thì làm lủng cả thùng. Mọi người nhìn chị bằng ánh mắt thương hại, kiểu như: “Cô nàng hậu đậu này sao có thể là vợ anh Tính tài hoa kia nhỉ?”. Có cô không đếm xỉa sự có mặt của chị, ngọt ngào gọi: “Anh Tính ơi, nón đây, anh đội vô chứ nắng quá”, “Đừng tham vác nặng, đau lưng anh ơi”… 

Một bà mẹ trong xóm mang bánh mì tới ủng hộ đội xây cầu. Bà làm ổ bánh mì đặc biệt nhiều thịt đưa cho anh, xởi lởi: “Cái thằng thấy thương. Có vợ chưa bây? Má gả con gái cho”. Anh cười rổn rảng: “Tiếc quá, con có vợ rồi, nếu không, ở đây mần ruộng với má”. Bà mẹ tấm tắc: “Có con rể giỏi vầy, má vợ chắc cưng lắm hả con?”. 

Chị chột dạ, tự hỏi má chị có cưng anh “dữ lắm” không? Chắc là cưng, nhưng… bình thường thôi. Mỗi năm đôi lần anh về quê vợ, lần nào cũng nhậu quắc cần câu. Yêu thương là phải gieo trồng, mới đơm hoa, kết quả. Anh chưa kịp gieo gì ở nhà chị đã tới lúc rời đi. Mà, dường như anh cũng không có ý định sẽ làm việc gì đó sâu sắc, để mọi người ở nhà vợ sẽ nhắc nhớ chàng rể hiếu nghĩa…

Hôm trước tết, cô công nhân trong xóm trọ nửa đêm đau bụng sinh. Chồng cô về quê chưa lên. Đám thanh niên trong xóm sợ vô viện lỡ xui nhiễm COVID-19 nên né. Anh chẳng nề hà, vội đưa cô ấy vào bệnh viện. Chị bỗng nhớ mấy tháng trước, nửa đêm chị lăn lộn, than đau bụng. Anh làu bàu: “Ráng tới sáng anh đưa em đi. Giờ vô viện cũng không có bác sĩ lo cho đâu”. 

Lát sau, chị chịu hết nổi, phải gọi Hằng, bạn thân của chị đưa đi bệnh viện. May, chứng viêm ruột thừa của chị được mổ kịp thời. Trong danh bạ điện thoại của chị, đứng đầu là tên của Hằng. Vì chị biết, Hằng chẳng bao giờ từ chối nếu chị gọi…

Cũng hôm xây cầu ấy, chiều về, dân trong xóm lấy đò chở cả đoàn ra đường lớn. Nhìn mũi đò rẽ dòng nước xiết, chị rùng mình khi nghĩ lỡ đò chìm, anh sẽ cứu tất cả mọi người, sau cùng mới tới chị…

Mỗi ngày sau tám giờ miệt mài ở cơ quan, chị bù đầu đón con, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp… Chạy hết quy trình của một ngày là chị kiệt sức, tay chân như mất hết cảm giác. Những lúc ấy anh còn lang thang đâu đó để giúp người này, người kia đang gặp khó. 

Có lần, chị bực dọc nói: “Anh giúp cả thiên hạ, nhưng người anh ít giúp nhất là mẹ con em”. Anh cười xòa: “Vợ anh ba đầu sáu tay, trời gầm không sợ, cần gì anh giúp”. Chị tiếc, bấy lâu cứ nhón chân với tay quá mức để anh hồn nhiên dồn gánh nặng sang chị. Đường đời xa dài, mấy ai mang vác một mình mà không mỏi?

Chị biết anh thích làm việc nghĩa, nhưng giá như tình thương của anh cũng không có hạn mức cho mẹ con chị. 

Theo phunuonline