Làng hữu nghị của người Việt tại bản Mạy 


Tỉnh Nakhon Phanom, nằm phía đông bắc Thái Lan. Đây là nơi có đông người Thái gốc Việt sinh sống nhất ở Thái Lan, với khoảng 10 nghìn người. Người Việt tham gia các hoạt động xã hội của tỉnh và có cuộc sống ổn định. Việc dạy học tiếng Việt và gìn giữ bản sắc dân tộc cũng được cộng đồng rất quan tâm. Hà Linh, Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn ông  Nguyễn Trường Thi, Phó Chủ tịch hội người Việt tại tỉnh Nakhon Phanom đôi nét về cuộc sống của kiều bào ta ở đây:

Kiều bào Việt  ở tỉnh Nakhon Phanom nói riêng và toàn Thái nói chung, phần nhiều là thế hệ thứ hai, cuộc sống hiện nay khá đầy đủ và sung túc, công việc làm ăn buôn bán ổn định. Người Việt làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, công sở, khách sạn nhà hàng ngày càng nhiều hơn.

Hội người Việt ở tỉnh Nakhon Phanom thành lập được hơn 10 năm, mục đích là xây đắp tình đoàn kết cho bà con kiều bào và xây dựng tình hữu nghị Việt Thái thắt chặt hơn. Căn bản là bày cách làm ăn, giáo dục cho kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ về những vấn đề về phong tục tập quán, chấp hành kỷ luật, tôn trọng Nhà Vua. Chúng tôi muốn  các cháu hiểu rằng Thái Lan cũng như là Bà mẹ thứ 2 sau Việt Nam quê hương. Hiện nay, tất cả bà con người Việt ta đều chấp hành tốt và tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng, những lễ hội địa phương cùng với người dân Thái ở tỉnh Nakhon Phanom.

Tinh thần sẻ chia của kiều bào Việt tại Thái Lan là rất tốt. Bà con người Việt ta luôn hỗ trợ, động viên nhau trong các trường hợp thiên tai như lũ lụt, hỏa hoạn. Chẳng hạn như tháng 7 vừa qua, sau khi nhiều bà con tại tỉnh Sankhon Phannom bị thiệt hại nghiêm trọng bởi đợt mưa lũ, kiều bào ở các tỉnh thành Thái Lan đã quyên góp và kịp thời chuyến đến cho bà con tái lập cuộc sống. Nói chung, tính gắn kết cộng đồng là rất tốt. Đối với quê hương cũng thế, mỗi khi có thông tin thiên tai gây thiệt hại lớn, Hội người Việt tại Nakhon Phanom đều kêu gọi quyên góp rồi tự tay chuyển về các địa phương. Hiện, chúng tôi đang phát động ủng hộ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa bị thiệt hại bởi trận bão lũ vừa qua. Năm nào chúng tôi cũng có những hoạt động như vậy và đều thông qua chính quyền các tỉnh địa phương.PV: Kiều bào ở tỉnh Nakhon Phanom thường tổ chức những hoạt động gì nhằm tạo sự gắn kết cộng đồng người Việt với các địa phương tại Thái Lan.

PV : Được biết, vừa qua Tổng hội người Việt ở Thái Lan phát động chương trình khôi phục, việc dạy và học  tiếng Việt trong cộng đồng. Là người phụ trách giáo dục trong cộng đồng người Việt ở tỉnh Nakhon Phanom, xin ông cho biết về tình hình dạy, học tiếng Việt hiện nay ở địa bàn?

Về vấn đề học tiếng Việt, phải nói rằng kể từ khi Thái Lan và Việt Nam là thành viên khối ASEAN, 3 năm trở lại đây chính quyền Thái tạo điều kiện cho dạy học tiếng Việt. Đặc biệt, họ đang cho triển khai chương trình dạy các thứ tiếng của những nước trong khối. Vì thế, tiếng Việt cũng sẽ được công nhận như một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Hội hữu nghị Thái Việt của chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức dạy cho các cháu thêm tiếng Việt trong các ngày nghỉ như Thứ 7, Chủ nhật.

Hiện nay, phong trào học tiếng Việt ở tỉnh Nakhon Phanom nói riêng và Thái Lan nói chung phát triển mạnh. Nhiều trường lớp được mở rộng thu hút nhiều hơn giáo viên và học sinh. Các thầy cô giáo kiều bào hàng năm được về Việt Nam tham dự tập huấn  giảng dạy tiếng Việt. Chúng tôi cũng nhận thấy, thế hệ trẻ cũng ngày càng nhận thức được vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN nên rủ nhau đi học ngày một nhiều hơn tiếng quê hương để phục vụ cho giao tiếp về du lịch, học tập, đầu tư. Trong khi đó,  bố mẹ các em trước kia ít nói tiếng Việt giờ cũng quay lại học thêm để trau dồi tiếng Việt, giao tiếp với các con.

PV: Thưa ông, ở tỉnh Nakhon Phanom có Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh, có Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom- Hà Nội, có làng Hữu nghị nổi tiếng. Vậy Hội người Việt  thường tổ chức các hoạt động gì để tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước?

Hội hữu nghị Thái Việt được lập ra cùng với tiêu chí làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước nói chung và hợp tác với tỉnh Nakhon Phanom nói riêng. Tỉnh Nakhon Phanom mỗi khi tổ chức các hoạt động văn hóa nào cũng mời hội Thái Việt chúng tôi tham gia. Chẳng hạn như vừa qua tỉnh tổ chức lễ hội Thuyền Lửa, kiều bào Việt cũng tham gia các tiết mục biểu diễn múa hát văn nghệ, có hẳn không gian trưng bày ẩm thực, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh và Làng hữu nghị ở bản Mạy là nơi du khách đến Nakhon Phanom hay ghé qua. Bên cạnh hoạt động giao lưu, vào những ngày lễ như ngày 19/5 sinh nhật Bác Hồ, Quốc khánh, hayTết nguyên đán chúng tôi thường mời bà con Thái Lan, giới quan chức tỉnh, các ngành các cấp đến Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom- Hà Nội chia vui. Mặc dù ở xa quê, nhưng tất cả chúng tôi, những người mang dòng máu Việt, trong nước có ngày lễ lớn nào bên đây chúng tôi cũng đều có gắng tạo ra bầu không khí, phong tục tập quán như mình đang được sống tại quê hương.

PV: Xin cám ơn và chúc ông sức khỏe.

                                                                     
Theo VOV5