Một phụ nữ đeo khẩu trang đứng đợi lấy thức ăn trước quán ăn ở Daegu - Reuters

 

Tính đến ngày 22.2, Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã ghi nhận thêm 142 trường hợp nhiễm, hầu hết tất cả đều liên quan đến ổ dịch tại một bệnh viện ở huyện Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang và một nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở thành phố

Daegu, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 346 người, theo Reuters.

KCDC đã tuyên bố cả Daegu, với dân số 2,5 triệu người và huyện Cheongdo (dân số khoảng 43.000 người) là "khu chăm sóc đặc biệt" ngày 21.2 do số ca nhiễm virus Corona chủng mới (nCoV) gia tăng. Trong tổng số ca nhiễm toàn quốc, gần một nửa có liên quan đến cụ bà 61 tuổi, thành viên giáo phái Shincheonji, được gọi là "Bệnh nhân số 31".

Trước đó, ngày 20.2, Hàn Quốc ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên là ông lão 60 tuổi ở tỉnh Bắc Gyeongsang và bà lão 61 tuổi tại TP.Daegu. "Bệnh nhân số 31" này bị sốt hôm 10.2 nhưng đã hai lần từ chối xét nghiệm và đã tham dự ít nhất 4 lễ cầu nguyện tại nhà thờ của Shincheonji rồi sau đó được chẩn đoán nhiễm nCoV, theo Yonhap.

“Thành phố ma”?

Chính quyền TP.Daegu cho biết hơn 1.000 thành viên Shincheonji được cho là đã tham gia buổi lễ cầu nguyện với bà lão nhiễm bệnh và họ được yêu cầu tự cách ly. Shincheonji đóng cửa tất cả các cơ sở trên toàn quốc. Thông tin về ổ dịch bùng phát ở Daegu khiến những người Việt sinh sống và làm việc tại thành phố này lo ngại không chỉ vì dịch bệnh mà còn có nhiều thông tin sai lệch, chẳng hạn cả thành phố Daegu đang chìm trong bóng đêm, siêu thị hết sạch đồ ăn hay mọi công việc bị đình trệ.

Trả lời Thanh Niên, anh Đặng Khoa, sống ở Daegu, cho biết: “Chính phủ công bố thông tin rất minh bạch và báo đài liên tục thông tin để người dân cập nhật tình hình dịch bệnh. Nhiều người cũng theo dõi thông từ trang naver. Tuy nhiên, mọi nỗ lực công bố thông tin kịp thời cũng không thể tránh được tình hình thông tin sai lệch”.

“Tôi sống ngay ở là tâm dịch. Quận tôi sống là nơi có nhà thờ Shincheonji, gần đó có bệnh viện đông y nơi bệnh nhân 31 điều trị và nhà cụ bà cũng ở gần đó”, cô Hoai Thanh Jueon Kim, một người Việt ở Daegu, nói với Thanh Niên. Chính vì thế, chỗ cô Hoai Thanh sinh sống trở nên vắng vẻ do mọi người đều lo sợ và thận trọng. "Những quận xa tâm dịch vẫn hoạt động bình thường chứ thật sự không quá khủng hoảng và không có chuyện Daegu đang chìm trong bóng tối”, cô Hoai Thanh chia sẻ.

Thị trưởng TP.Daegu, Kwon Young-jin hôm 20.2 cũng đã khuyến cáo người dân: "Xin vui lòng không rời khỏi nhà càng nhiều càng tốt". Các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim và nhiều tuyến đường nhộn nhịp trở nên vắng vẻ ở Daegu, dẫn đến xuất hiện một số thông tin cho rằng siêu thị hết sạch đồ ăn trống trơn.

“Thực ra khoảng 1-2 ngày sau khi bệnh nhân số 31 làm bùng phát dịch bệnh, một số siêu thị lớn hết đồ ăn, các trang mua sắm trực tuyến sập kênh và ngừng hoạt động trong vài giờ, do thiếu hàng, hết hàng và giao hàng chậm. Tuy nhiên, đến hôm nay (22.2) thì không còn tình trạng này nữa”, cô Hoai Thanh nói.

Theo cô Hoai Thanh, các kênh truyền hình Hàn Quốc đưa tin chính phủ đã chỉ đạo cung cấp lương thực, nước, gạo và mì ăn liền để lấp đầy kệ hàng tại các siêu thị ở Daegu, tăng số lượng hơn 50% so với bình thường, nên người dân có thể an tâm, không lo thiếu lương thực và hệ thống mua sắm trực tuyến cũng hoạt động bình thường trở lại.

Anh Đặng Khoa thì cập nhật tình hình là chỉ có một số khu vực chỉ “hết thức ăn tạm thời do số lượng người mua quá nhiều khiến các cửa hàng quá tải” nhưng sau đó vẫn cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm. “Tôi cũng sống ngay trong tâm dịch nhưng cạnh nhà có 5 cái siêu thị lớn và nhỏ vẫn hoạt động bình thường nên không có gì xáo trộn nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số thời điểm khách ùn tới mua gần hết đồ trên kệ, nhưng ngay sau đó hàng hóa tiếp tục được lấp đầy”, theo Đặng Khoa.

Một người đeo khẩu trang đi bộ ngang qua nhà thờ của giáo phái Shincheonji ở Daegu - Reuters

 

Dù vậy, trên mạng còn có một số thông tin trên mạng cho rằng mọi công việc ở Daegu bị ngừng trệ, hàng quán đóng cửa và tất cả trường học bị phong tỏa.

“Thực tế chỉ chính quyền chỉ phong tỏa toàn bộ những nơi người bị nhiễm đã để khử trùng. Bên cạnh đó, vì sao trường học không thông báo nghỉ là do học sinh các cấp và đại học đang được… nghỉ đông”, theo cô Hoai Thanh.

Trong khi đó, khu vực anh Đăng Khoa sinh sống là khu công nghiệp lớn nên tất cả mọi công ty vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tăng cường biện pháp đề phòng, như đo thân nhiệt và chuẩn bị sẵn đồ phòng hộ kháng khuẩn, tăng cường nước rửa tay và xịt khuẩn và chỉ một vài công ty nằm trong khu vực báo động đỏ họ cho công nhân nghỉ.

Nhiều người bạn của anh Đăng Khoa cho biết gia đình bảo họ về nhà ngay lập tức do lo ngại Daegu sẽ giống như thành phố bị phong tỏa Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nơi dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm 2019.

Vợ chồng tự cách ly

Ngoài biện pháp rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài, cô Hoai Thanh còn đề phòng bằng cách ghi lại lịch sinh hoạt của con trai trong ngày, như sáng ngủ dậy bổ sung vitamin gì, bao nhiêu ml, giờ ăn sáng, trưa, tối, lượng sữa ăn, các món ăn, lịch ngủ ngày và ngủ tối theo giờ của con, mua sẵn nhiều bỉm, sữa, đồ ăn dặm, hoa quả cho con, thuốc cúm, ho…

“Động thái này là nhằm đề phòng tình huống xấu nhất là tôi hay người thân nhiễm virus Corona chủng mới thì những thành viên còn lại trong gia đình hoặc kể cả người lạ vẫn có thể dựa vào đó để chăm sóc con trai nhỏ thay tôi”, cô Hoai Thanh cho hay.

Hai vợ chồng cô Hoai Thanh đang tự động cách ly. Chồng cô đi làm từ khi Daegu chưa bùng dịch, sau đó bùng dịch thì không thể về nhà và họ cũng nhờ người bạn ở bên Việt Nam mua khẩu trang. Lo ngại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến công ty nên chồng của cô Hoai Thanh dự định thuê nhà ở gần công ty tại một thành phố khác rồi đón hai mẹ con qua sống, nhưng cuối cùng cô cũng từ chối. “Vì công ty chồng tôi là công ty sản xuất. Nếu 1 người bị nhiễm thì cả công xưởng sẽ phải ngừng hoạt động nên tôi quyết định không đi”, theo cô Hoai Thanh.

“Hai hôm đầu tiên sau khi bùng dịch thì cả nhà thật sự cũng hoang mang và quá sốc, mất ăn mất ngủ, nhưng đến hôm nay thì đã ổn định tinh thần và lạc quan hơn”, cô Hoai Thanh cho hay. Chính vì thế, cô cố gắng thận trọng nhưn luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực và trò chuyện với người truyền cảm hứng tích cực cho mình.

Trong khi đó, một số người Việt sống xa tâm dịch Daegu, nhưng bài tỏ mối lo ngại trước tình hình dịch bệnh. “Dù nhiều bạn lo ngại, nhưng công việc vẫn diễn ra khá bình thường”, anh Nguyễn Hoàng Anh, sống ở thủ đô Seoul, cho biết.

Hàn Quốc kiểm soát đầu cơ khẩu trang

“Cơn sốt khẩu trang lan rộng khắp Hàn Quốc. Nhiều hiệu thuốc không có mà nếu có thì họ cũng chỉ bán 5-10 cái, với giá mỗi chiếc theo tiền Việt thì tương đương 35.000-80.000 đồng”, anh Đặng Khoa cho hay.

Tuy nhiên, việc hạn chế chỉ bán cho mỗi người 5-10 khẩu trang xuất phát chính sách của chính phủ Hàn Quốc do lo ngại đầu cơ. “Khẩu trang phải đạt chuẩn mới được cấp phép, chẳng hạn loại K94, chứ không dùng kiểu khẩu trang ép giấy”, theo anh Đặng Khoa. 


Theo thanhnien