Đăng, 29 tuổi, khi đó đồng tình với khuyến cáo của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam rằng công dân nên ở yên tại chỗ, không di chuyển để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV.

Trong bối cảnh Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới từ tháng 3, Đăng theo dõi sát diễn biến của Covid-19 tại bang mình đang sống và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không đến nơi đông người.

Đăng đến Mỹ vào tháng 8/2019 để theo học chuyên ngành nghiên cứu truyền thông số (digital media). Được nhà trường hỗ trợ chi phí sinh hoạt (khoảng 2.000 USD mỗi tháng), gồm cả nhà ở, cô tập trung vào việc viết luận án tiến sĩ và đọc sách.

Thỉnh thoảng Đăng chạy bộ, học nấu ăn và viết bài cho một số tạp chí để giải khuây. Ngoài phố, người dân tuân thủ quy định giãn cách và đeo khẩu trang, chính quyền áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt nên cô cũng không lo lắng về sức khoẻ.

                 Hải Đăng khi ở Đại học Melbourne, Australia, vào năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, Đăng ngày càng sốt ruột hơn khi cô chứng kiến nhiều bạn học đến từ các nước khác lần lượt hồi hương, sau khi trường đóng cửa khuôn viên để ngăn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chương trình học kết thúc vào ngày 31/5, Đăng cũng cần trở về Việt Nam, chờ được xem xét khả năng quay lại Australia để hoàn thành chương trình tiến sĩ sau một năm đến Mỹ.

"Tôi lo rằng mình sẽ không thể đến Australia, vì nước này cũng có chính sách như châu Âu, áp dụng lệnh hạn chế với người từ Mỹ", Đăng nói.

Đăng từng ba lần cố gắng mua vé của các hãng hàng không nước ngoài để trở về Việt Nam nhưng đều không thành công, do đường bay thương mại bị ngưng. Tại Connecticut, Đăng không thấy có nhóm người Việt nào thảo luận chủ đề này. Cô chủ yếu liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ qua email để cập nhật thông tin. Trên các diễn đàn của người Việt, cô cũng nhận được một số tin đồn về chuyến bay hỗ trợ công dân hồi hương và mở lại đường bay.

"Mỗi khi có tin có chuyến bay về nước, tôi lại bị xáo trộn tâm trí, sau đó học cách làm quen lại với tình trạng bị kẹt", Đăng nói.

Từ giữa tháng 4 đến nay, Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay hỗ trợ công dân ở nước ngoài về tránh dịch. Hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã về nước và được cách ly tập trung tại các trung tâm, đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ưu tiên đưa 14.000 người Việt Nam từ nước ngoài trở về tránh Covid-19 thời gian tới.

Trong khi Việt Nam về cơ bản đã khống chế thành công Covid-19, tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn diễn biến rất phức tạp, khi các bang Mỹ hối hả mở cửa trở lại. Số ca nhiễm nCoV ở nước này gần đây liên tiếp tăng kỷ lục. Ngày 3/7, Mỹ ghi nhận thêm hơn 57.600 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên gần 2,8 triệu, trong đó hơn 129.000 đã tử vong.

Do chương trình một năm của Đăng tại Đại học Yale đã kết thúc nên đại diện của trường thường xuyên hỏi "khi nào cô có thể về Việt Nam", vì họ không thể tiếp tục tài trợ lâu. Hàng ngày Đăng cũng phải "động viên ngược" gia đình ở TP HCM qua điện thoại, vì ba mẹ cô lo lắng cho tình hình của con.

"Tôi hy vọng mình sẽ sớm được về nước để được bảo đảm an toàn sức khoẻ và hoàn thành chương trình học như kế hoạch", Đăng nói.

Theo vnexpress