Thanh Hương nhận bằng Thạc sĩ tài chính của Anh

Để có được hạnh phúc trọn vẹn bên cạnh tình yêu thương, nhiều phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài luôn cố gắng tìm cách hòa nhập về văn hóa, môi trường sống để tạo nên sự hòa hợp với gia đình chồng cũng như với cộng đồng ở xứ người. Tuy nhiên, thường trực trong tim những người con xa xứ vẫn luôn là nỗi nhớ quê, là mong muốn duy trì tiếng mẹ đẻ để các con biết nhớ về quê hương nguồn cội. Bài viết“Nhớ lắm, quê hương Việt Nam!” của PV Đài TNVN về câu chuyện của chị Ngô Thanh Hương định cư ở Pháp hơn 20 năm nay.

Lâu lắm rồi do điều kiện kinh tế, chị Ngô Thanh Hương mới về thăm quê hương Việt Nam. Lần trở về nào cũng vậy, chị đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của đất nước. Lần nào về Hà Nội, chị Hương thích la cà nhiều giờ ở khu phố cổ, nơi vẫn còn những con ngõ nhỏ sâu hun hút, những gánh hàng rong, những quán trà đá vỉa hè hay những xe đạp hoa chở mùa về trên phố….,tất cả vẫn luôn đầy ắp trong ký ức của chị về một Hà Nội thâm trầm, cổ kính rêu phong không giống bất cứ nơi nào.

Yêu thích văn hóa, con người và âm nhạc Pháp từ nhỏ, Hương từng mơ ước ngày nào đó được đặt chân đến đất nước hình lục lăng này. Học hết cấp 3, chị thi vào trường sư phạm ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Pháp ở Hà Nội. Năm 1998, ngay khi xong Đại học, Hương tìm được học bổng thạc sĩ về văn học ở trường Đại học Rennes bên Pháp:

“Tôi đi sang Pháp một mình nhưng nếu có lựa chọn, tôi nghĩ đi cùng một người quen là hay nhất. Không dễ dàng xoay sở một mình ở một đất nước nhưnước Pháp. Có bạn để những lúc muốn chia sẻ nỗi buồn và những lúc phải đối mặt với một vấn đề không tự giải quyết. Năm đầu tiên tôi sống cùng với cặp vợ chồng người Breton, họ là những người bạn mà tôi có dịp làm quen ở Hà Nội khi họ sang làm thủ tục nhận con nuôi ở Việt Nam.”

Trong một lần tham gia dự án phim “Mùa hè thẳng đứng” của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, Thanh Hương gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với chàng thanh niên quay phim người Pháp. Hương kể, 10 năm đầu làm dâu xứ người quả thật rất khó khăn với cô,nhưng sau này nghĩ lại chị thấy biết ơn vì quãng thời gian đó đã thử thách và rèn luyện lòng dũng cảm, tính kiên trì của một người phụ nữ Á Đông như chị. Không có bằng cấp tương ứng để xin việc làm nhưng không an phận ở nhà làm nội trợ,Thanh Hương ban đầu tìm những công việc hợp đồng ngắn hạn. Khoảng thời gian vừa đi làm vừa học thêm nghiệp vụ và nuôi hai con nhỏ trong khi chồng vắng nhà thường xuyên… đã dạy Hương cách tổ chức sắp xếp thời gian hợp lý. Học xong thạc sĩ chuyên ngành tài chính, Thanh Hương tìm được một việc làm quản lý bộ phận kiểm soát nội bộ tại công ty Decitre - chuỗi 10 cửa hàng chuyên bán văn phòng phẩm ở thành phố Lyon.

Decitre, chuỗi 10 cửa hàng chuyên bán văn phòng phẩm ở Lyon 

Vì học tiếng Pháp khá bài bản khi ở Việt Nam nên việc giao tiếp với người bản địa không là vấn đề lớn đối với Hương khi mới đến Pháp. Mà đối với cô, điều khó nhất với một người định cư ở nước ngoài lại chính là cách thích nghi với tâm lý của người dân bản xứ.

“Nước Pháp dạy tôi cách làm việc và suy nghĩ khác, dạy tôi cách tổ chức và những quy tắc cơ bản. Tôi thấy rằng,ở đây họ dễ dàng đánh giá cao một công việc tốt và được thực hiện tốt. Sống và làm việc tại Pháp cũng dạy tôi biết cách quyết định mọi việc và biết cách trở thành tự chủ về bản thân. Pháp là một quốc gia tốt đẹp,ổn định về chính trị và là quốc gia đa văn hóa, rất cởi mở đổi với những người đến từ một nền văn hóa khác, luôn cố gắng điều chỉnh mọi thứ để bình thường mọi thứ.”

Thanh Hương khá hài lòng với cuộc sống hiện tại, bởi trong công việc cô được đồng nghiệp đánh giá cao bởi nỗ lực và khả năng. Còn ở gia đình, cô may mắn được nhà chồng quý mến. Thanh Hương cho rằng, để được tôn trọng ở nơi xứ người thì điều quan trọng là mình biết sống hòa hợp, khéo léo và đặc biệt là người phụ nữ phải biết tự chủ, làm được mọi việc trong cuộc sống.

Tuy nhiên trong sâu thẳm trái tim, chị Hương vẫn thấy day dứt vì hai con trai 16 và 19 tuổi của mình không rành tiếng Việt, chưa biết nhiều về quê hương Việt Nam. Thanh Hương thừa nhận dù bản thân rất muốn nhưng do các con bận học ở trường, việc công ty bận rộn nên không thường xuyên dạy tiếng Việt được cho các con.  Sống trong môi trường chỉ có mẹ nói ngôn ngữ riêng,  việc dạy con tiếng Việt thật sự khó khăn.

 Thanh Huong và con trai Adrien

Song, với chị dù các con có nói “ngọng líu ngọng lô” tiếng Việt thì ngôn ngữ mẹ đẻ luôn là tiếng nói ấm áp mà chị muốn nghe nhất. Và mỗi khi có dịp, chị thường đưa các con “thực hành”nói tiếng Việt, tham gia các hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam:

“Do bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian tham gia các hoạt động của bà con người Việt tại Lyon. Tuy nhiên, mỗi khi có phong trào quyên góp ủng hộ quê hương, gia đình tôi thường tham gia. Ở Lyon, người Việt khá đông. Tôi cũng hay gặp mọi người khi đi chợ hay ở siêu thị. Cuối năm, bà con tổ chức tết rất to, múa rồng nữa. Tôi cùng gia đình chồng và nhiều người bạn Pháp tham gia rất vui vẻ. Đó là khi tôi cảm thấy hạnh phúc như thể mình đang được ở quê nhà Hà Nội bởi chúng tôi được nói nhiều tiếng Việt và ăn món ăn Việt. Mơ ước của tôi là các con tôi nói được tiếng Việt lưu loát hơn để các cháu có thể tự mình về Việt Nam nhiều hơn.”

Thường trực trong nỗi nhớ là Hà Nội, quê hương Việt Nam

Chị Thanh Hương cũng nuôi dưỡng tình yêu của con với quê hương Việt Nam nhờ những chuyến du lịch về thăm gia đình. Chị luôn háo hức với mỗi lần trở về cùng với chồng con đôi khi cùng cả những người họ hàng Pháp. Có lẽ, với chị Hương và những cô dâu Việt lấy chồng xa xứ thì không có niềm vui nào bằng khi thấy các con khôn lớn, trưởng thành và luôn biết nhớ về nguồn cội.

Và, thật là vui khi gia đình chị thỉnh thoảng được đón bố mẹ, anh chị em và bạn bè từ Việt Nam sang Pháp chơi. Khi đó, với họ quê hương Việt Nam mới thật gần gũi và yêu mến biết bao nhiêu. 

Theo VOV5