Cộng đồng người Việt đón tết tại TP.Kawaguchi - ẢNH: REUTERS

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản (ISA), Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, có 2,89 triệu người nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 778.112 người, kế đến là Việt Nam với 448.053 và Hàn Quốc là 426.908 người... Cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản trong năm 2020 tăng 36.085 người (8,8%) so với năm 2019, trong khi các cộng đồng khác trong tốp 10 đều giảm số lượng.

Hòa nhập nhanh

Theo Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ), ngoài những người Việt định cư lâu năm, cộng đồng người Việt tại đây còn bao gồm những sinh viên du học theo học bổng chính phủ, lao động trình độ cao, thực tập sinh kỹ năng, điều dưỡng viên và du học sinh các trường tiếng Nhật.

Sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Nhật một phần vì tình trạng thiếu nhân lực ở xứ hoa anh đào, buộc chính phủ nước này nới lỏng chính sách di trú để thu hút thêm lao động nước ngoài. Năm 2019, chính phủ Nhật Bản ban hành một loại thị thực mới cho “lao động có kỹ năng cụ thể” trong 14 lĩnh vực thiếu hụt nhân lực trầm trọng như điều dưỡng, nông nghiệp và xây dựng, theo tờ Nikkei Asia. Kể từ đó, hàng ngàn người Việt Nam và công dân nhiều nước châu Á đến Nhật Bản tìm kiếm việc làm.

Những con số cho thấy sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Nhật, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn trong việc hòa nhập nơi xứ người.

Trả lời Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Sang, quản lý tại một công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền tại Tokyo, cho biết cộng đồng người Việt tại Nhật hòa nhập nhanh và sống chan hòa với người Nhật. Anh Sang cho hay những người Nhật đã tiếp xúc với người Việt đều đánh giá cao chất lượng làm việc của người Việt và cũng giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số ít người chưa tiếp xúc nhiều với người nước ngoài tỏ thái độ xa lánh.

Gần đây, tình trạng phạm tội của một bộ phận nhỏ người nước ngoài tại Nhật Bản gia tăng khiến những người lao động chân chính lo ngại có thể đối diện với tình trạng kỳ thị. “Tuy họ không nói, nhưng thỉnh thoảng có tin về người Việt phạm tội, họ hay hỏi dạng mỉa mai với người Việt làm cùng. Bản thân tôi cũng thấy xấu hổ về những việc này và con trai tôi khi đến trường cũng có cảm giác mặc cảm với bạn bè”, anh Sang nói.

Theo Hội trưởng VAIJ Trần Ngọc Phúc, việc số người Việt tới Nhật Bản gia tăng nhanh chóng trong khi kiến thức, thông tin về xã hội, văn hóa, luật pháp… về nước bạn còn thiếu thốn, đã khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn, lâm vào hoàn cảnh thương tâm, thậm chí lâm vào tình trạng phạm pháp.

Nhiều hội nhóm hình thành

Xuất phát từ những khó khăn trong việc hòa nhập của cộng đồng, nhiều hội nhóm của người Việt tại Nhật Bản đã được thành lập trong những năm qua để kết nối và hỗ trợ lẫn nhau, có cả tổ chức chính thống lẫn tự phát.

Trong đó, VAIJ là tổ chức đại diện cho số đông người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. VAIJ là một trong số ít các tổ chức cộng đồng được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản công nhận. Ngoài việc hỗ trợ toàn diện cho cộng đồng người Việt tại Nhật, VAIJ còn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, quan hệ hữu hảo giữa hai nước và tổ chức các hoạt động từ thiện ủng hộ đồng bào bị lũ lụt trong nước, ủng hộ người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011.

Ngoài ra, còn có nhiều hội nhóm khác được người Việt lập ra như Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Hội Người Việt hỗ trợ lẫn nhau (VMAA)… Thời gian qua, các tổ chức này có nhiều chương trình giao lưu, hỗ trợ cộng đồng người Việt tìm việc làm, tháo gỡ những vướng mắc và vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Nam sinh Việt được “đặc cách” ở Nhật Bản

Trường trung học cơ sở công lập Hodogaya tại TP.Yokohama (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) đã xem thời gian nam sinh Nguyen Dinh Minh Khang (15 tuổi, người Việt) theo học tại các lớp tiếng Nhật tư nhân như một phần thời gian đi học chính thức của em trên trường trong năm học 2020. Đây được xem là trường hợp “đặc cách” đầu tiên tại Nhật, theo tờ The Mainichi.

Khang được cha dượng Kosuke Tsutsui và mẹ là người Việt Nam bảo lãnh sang Nhật vào tháng 8.2019, rồi theo học tại Trường Hodogaya. Song do chưa thạo tiếng Nhật, cậu gặp nhiều khó khăn trong việc học tập tại trường. Biết được điều này, ông Tsutsui tìm đến trường dạy tiếng Nhật Trebol Nihongo để Khang vừa học tiếng Nhật vừa học các môn khác. Ở Trebol Nihongo, mỗi lớp học chỉ giới hạn một vài học sinh để phù hợp với khả năng của các em, cho phép trường điều chỉnh số lượng và độ khó của bài vở cho phù hợp với từng học sinh. Sau hơn 2 tháng, năng lực tiếng Nhật của Khang được cải thiện và nhờ đó cậu cảm thấy hứng thú trong việc học tập.

Nhờ đó, Khang dù không đến Trường Hodogaya trong 68 ngày để theo học tại Trebol Nihongo vẫn được xem là hoàn thành năm cuối cấp 2 với thành tích chuyên cần hoàn hảo. Vào tháng 2 vừa qua, Khang đã được nhận vào trường trung học công lập ở Yokohama.

Trường Hodogaya cho biết họ đưa ra quyết định trên nhằm hỗ trợ trẻ em nước ngoài cần giúp đỡ trong việc học tiếng Nhật. Theo Bộ Giáo dục Nhật, giải pháp linh hoạt trên của Trường Hodogaya là “một sáng kiến tiến bộ chưa có tiền lệ trên toàn quốc”.

Danh Toại

Theo thanhnien