Điều cô ngạc nhiên là chồng cô lớn lên trong gia đình nề nếp mà lại phát ngôn thiếu văn hóa như vậy. Cô sống trong gia đình mà bố mẹ không bao giờ cãi chửi nhau nên cô rất sốc khi chồng xưng mày-tao và dùng thứ ngôn ngữ "bẩn thỉu" để nói chuyện với vợ. Cô rất lo sợ khi 2 đứa con của mình sẽ phải lớn lên trong môi trường độc hại, ở đó, tiếng cãi vã, chửi bới của bố nhiều hơn những lời yêu thương.

Cô làm gì cũng chướng mắt chồng cũng bị anh ta chửi. Đã từ rất lâu, chồng cô không xưng hô anh-em với vợ mà chỉ xưng mày-tao, hoặc gọi vợ là "con" khiến cô rất khó chịu, tổn thương. Chồng cô lúc nào cũng cho mình cái quyền coi thường và xúc phạm vợ.

Điều cô cảm thấy xấu hổ nhất là anh chửi cô với ngôn từ tục tĩu trước mặt người khác. Anh không bao giờ biết giữ thể diện cho vợ. Mỗi ngày, thói "bạo lực ngôn ngữ" với vợ của anh càng nặng. Sống với người chồng cục cằn, thô lỗ như vậy, tình cảm của cô dành cho chồng thực sự đã cạn kiệt. Không ít lần cô tính đến chuyện ly hôn. Thế nhưng, nghĩ tới các con, cô đành khựng lại. Đối xử với vợ không ra gì nhưng cô thừa nhận anh là người bố rất yêu chiều con. Mỗi khi nhìn các con cười đùa vui vẻ cùng bố, cô lại ước ao anh tôn trọng, đối xử tử tế với vợ thì cuộc sống của cô đã thật vẹn tròn.

Cô chạnh lòng khi anh cười nói chan hòa với đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè. Cô tủi thân khi thấy những người chồng khác "một điều vợ, hai điều em" với vợ của họ. Cô khát khao một lời gọi âu yếm, thân thương như thế. Cô chẳng biết anh còn chút tình cảm nào với cô không khi trên facebook, trong điện thoại của anh chỉ có hình các con chứ không có hình vợ. Cô không biết sẽ phải tiếp tục cuộc hôn nhân này như thế nào nữa. Cô mệt mỏi, chán nản. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn cô sẽ bị trầm cảm nặng.

Linh Đan