Đã gần 70 tuổi, bác Bình quyết định bán nhà ở Hà Nội về quê Hà Tĩnh sống nốt tuổi già.
Chiều qua đi làm về, bắt gặp bác Bình đang ngồi bên nhà tâm sự với mẹ tôi, hai bà mắt đỏ hoe mà buốt nhói trong lòng.
Mấy tháng nay, mối quan hệ giữa bác Bình và chị con dâu khá căng thẳng. Mẹ tôi chắc bức xúc, không kiềm chế được, quay sang trách bác: "Chị hiền, nhịn quá. Em mà có ngữ con dâu bố láo bố xiên thế, em tống cổ ra khỏi nhà từ lâu rồi".
Bác Bình thở dài, đưa tay chấm khoé mắt: "Trách dâu ít, trách con trai mình nhu nhược nhiều. Thôi thì miễn là vợ chồng con cái chúng nó chấp nhận nhau, chứ mình già rồi, tham gia không khéo lại mang tiếng chia uyên rẽ thuý, có tội với các cháu".
Bác Bình ở kế nhà tôi. Căn nhà của bác vốn là căn hộ tập thể được nhà máy nơi mẹ tôi và bác làm việc phân cho. Nhà bác Bình ở đầu hồi nên lợi thế có khoảng không, lại lấn ra thêm được 2m mặt tiền nên rộng hơn nhiều các nhà còn lại.
Giờ Hà Nội quy hoạch thành phố vệ tinh, huyện tôi sắp lên quận, giá đất tăng chóng mặt, nhà bác Bình trở thành đất "vàng", giá cả chục tỉ bạc.
Chị con dâu bác Bình vốn là dân buôn bán nên hồi về làm dâu, chị xin bố mẹ chồng cho sửa sang lại tầng toàn bộ tầng 1 để mở spa, tiệm bán mỹ phẩm và làm kho chứa bán hàng online. Nghĩ là con cái trong nhà nên bác Bình giao quyền cho chị con dâu được sử dụng toàn bộ diện tích hơn trăm mét vuông tầng 1 cho công việc.
Nhưng rồi ở lâu mới tỏ lòng người, chị con dâu dần dà bộc lộ bản chất chao chát, tính toán, vụ lợi. Cậy làm ra tiền, chị hay chê bai, "mắng" chồng. Quê bố mẹ chồng đều ở Hà Tĩnh nhưng lấy cớ say xe, thể trạng yếu không ngồi được tàu, ô tô đường dài nên toàn "trốn" về quê.
Chị cũng không thích người ở quê "kéo đoàn" ra nhà chồng chơi rồi ở lại. Chả thế, mỗi khi họ hàng trong quê ra chơi, thái độ của chị rất khó chịu, mặt mũi lạnh lùng, nặng như chì.
Vợ chồng bác Bình có mấy đứa cháu họ đang học đại học ở Hà Nội, cuối tuần thi thoảng hay đi xe buýt ra ngoại thành thăm bác. Nhưng nhiều lần chứng kiến cô con dâu mặt nặng mày nhẹ, nói bóng nói gió chuyện "coi nhà bác như nhà công cộng", giờ chúng cũng chẳng thấy sang.
Vừa rồi, có người chị họ cùng làng phải ra Hà Nội điều trị ngoại trú một thời gian, thương hoàn cảnh chị họ khó khăn, bác Bình đón bà ấy về ở với mình, vừa là chị em đỡ đần nhau, cũng là tiết kiệm tiền thuê trọ.
Thấy có "người lạ" vào nhà ở mà mẹ chồng chưa bàn bạc gì, chị con dâu gây chuyện với bác Bình. Cuộc cãi cọ giữa hai mẹ con đến tai người chị họ, bà ấy kiếm cớ bác sĩ yêu cầu phải sang viện, nhất quyết không ở lại nhà bác Bình.
Sau chuyện đó, bác Bình ngẫm nghĩ thật kĩ và quyết định nói chuyện riêng một cách thẳng thắn với con dâu. Bác góp ý về thái độ, cách đối nhân xử thế của con dâu sao cho họ hàng hoà thuận.
Không ngờ, chị ta cong cớn: "Con về nhà này làm dâu, một tay con vực dậy cơ ngơi này, con cũng phải có quyền của con chứ! Họ hàng ở quê thì cả huyện người, ai bà cũng quý mến, giúp đỡ thì lo sao xuể. Nhà mình chứ phải trại tị nạn đâu mà ai thích đến, thích ở cũng được"…
Bác Bình giận run người vì lời cãi hỗn của con dâu. Nhưng nếu làm to chuyện, mang tiếng "vạch áo cho người xem lưng" chứ ích gì! Mà cũng do lỗi tại bác, ngay lúc đầu không thẳng thắn với con dâu.
Suy nghĩ mãi, ngẫm câu "dâu dữ mất họ", bác Bình bàn với chồng đi đến quyết định bán nhà về quê.
Tiền bán nhà, hai bác sẽ chia cho con trai - con gái một phần làm của hồi môn; dành 1 phần mua đất ở quê xây căn nhà nhỏ, còn lại bao nhiêu đem gửi tiết kiệm, cộng với lương hưu, hai ông bà dư sức sống an vui.
Bác Bình bảo, thà về quê ở gần làng xóm, anh em, con cháu họ hàng mà trọng tình trọng nghĩa, còn hơn sống với con đẻ mà bất đồng, cô đơn, đánh mất họ hàng.
Song Nghi