Anh chị lấy nhau đã gần chục năm. Vậy mà tiếng “anh”, tiếng “em” vẫn còn ngại ngần chưa nói được. Lý do là anh chị quen nhau từ tấm bé. 2 đứa con nít bằng tuổi, ngày ngày hò hét, rượt giỡn, đá cầu, nhảy dây… cùng nhau suốt những năm tháng tuổi thơ, mày tao chi tớ là tiếng gọi đầu môi. Tới hồi đi học chung lớp, thầy cô rồi ba má rầy dữ lắm mới đổi từ “mày - tao” sang kêu tên. An. Mai.

Họ cứ gọi nhau như thế từ tiểu học cho tới tận bây giờ. Cũng hiếm có đôi nào gắn bó với nhau một quãng đời dài như anh chị: chơi với nhau từ hồi 4-5 tuổi, học chung từ cấp I, lên tận đại học cũng chung trường, chỉ là khác ngành và bây giờ là chung nhà, chung giường. Có lẽ vì đã tường tận về nhau, cộng thời gian làm bạn nhau quá lâu khiến họ vẫn xem nhau là bạn bè đồng vai phải lứa, cả khi đã trở thành vợ chồng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trước mặt mọi người, họ xưng hô An - Mai, dùng đại từ “nó” để nói về nhau. Khi chỉ có 2 người, họ nói trổng không, đôi khi kêu “ông - tui” rồi “bà - tui”. Không biết có phải cách gọi nhau cũng ảnh hưởng tới hành xử hay không mà từ ngày về chung nhà, anh An có vẻ không có được cái uy của người chủ gia đình. Anh nói gì không vừa ý, chị lại cãi tay đôi như hồi đi học. Riết rồi chuyện anh anh lo, chuyện chị chị quyết. Tiền bạc ai làm nấy giữ.

Họ chỉ có chung với nhau thằng con trai mà từ nhỏ tới lớn chưa từng nghe được những lời dịu dàng của ba mẹ dành cho nhau như trong mấy bộ phim nó coi hay như gia đình bạn bè của nó.

Một ngày, thằng nhỏ về hỏi mẹ: “Mẹ, sao mẹ không xưng “em” với ba? Con thấy cứ vợ chồng thì phải gọi nhau là anh - em chứ. Cô giáo con lớn tuổi hơn chồng cổ mà cũng kêu anh, xưng em. Đâu ai như ba mẹ cứ gọi tên nhau, chẳng khác gì học trò tụi con”.

Ba má vợ qua chơi, kêu vợ chồng anh chị lên góp ý. Ba vợ nói: “Con Mai đổi cách nói chuyện với chồng đi. Gì đâu mà lấy nhau hơn chục năm rồi vẫn cứ ăn nói hông giống ai. Mai mốt con cái lớn, rồi làm sui với người ta, lúc đó lại kỳ cục lắm nghen”.

Má vợ thì tế nhị kéo chị Mai vô buồng rồi nhỏ nhẹ: “Đã làm vợ thì dù bằng tuổi hay có lớn tuổi hơn chồng cũng phải xưng em, gọi anh. Chồng kêu thì vợ dạ, chồng nói thì vợ nghe. Hồi xưa vậy, bây giờ cũng vậy. Xưng em, dạ thưa với chồng không phải là mình lép vế trước chồng. Kêu chồng bằng anh, mình mới thấy tôn trọng chồng. Trong suy nghĩ, cư xử hằng ngày cũng từ đó mà có trên có dưới, trong nhà mới có nền nếp, con cái nhìn vào mới học được điều hay. Còn người làm chồng, khi được tôn trọng, được xem là trụ cột của gia đình thì tự họ cũng cảm thấy bản thân có trách nhiệm nhiều hơn với vợ con”. Chị nghe má nói, chỉ dám gật đầu.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị chưa dám hứa, bởi chị biết chuyện này tưởng dễ mà khó. Thói quen gọi nhau như vậy đã hơn 30 năm, muốn đổi đâu phải được liền. Nằm nghĩ mông lung một hồi, chị thấy điện thoại có tin nhắn của một phụ huynh học sinh: “Dạ cô ơi, xin lỗi cô vì cháu tôi hôm nay đi học trễ. Lần sau tôi sẽ đưa cháu đến trường sớm hơn. Dạ, cảm ơn cô”. Ông nội của học trò - một lão nông - có lẽ còn lớn tuổi hơn ba chị, vậy mà dù gặp trực tiếp hay nhắn tin, gọi điện, ông đều “một dạ hai thưa” với cô.

Cũng vì cách nói chuyện rất lạ đó của ông, chị cảm thấy quý trọng ông nhiều hơn. Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ “dạ” là tỏ thân phận hèn kém, lép vế, nhưng thật ra tiếng dạ đầu môi đã khiến cho vị thế của người nói được nhân lên mấy bậc.

Tối đó, anh đi nhậu về, chị ra mở cửa. Bình thường, thể nào chị cũng phải mát mẻ đay nghiến vài câu, nhưng bữa nay chị không làm vậy. Anh lảo đảo vô nhà, vừa đi vừa nói trổng: “Làm cho tui ly nước chanh!”. Chị lí nhí trả lời: “Dạ mình, em nghe”. Anh khựng lại mấy giây, dụi mắt cho tỉnh táo, tưởng nghe nhầm. Mấy ngày sau, chị đã gọi chồng bằng anh.

Từ khi được “lên chức anh”, chồng chị ít đi nhậu hơn, quan tâm đỡ đần vợ nhiều hơn. Chị chợt nhận ra lâu nay mình dại quá, “làm em” có bao nhiêu cái sướng, biết vậy chị đã “làm em” lâu rồi.

Theo phụ nữ TPHCM