Các cô dâu Việt được giao lưu văn hóa

Cô dâu Việt tại Hàn Quốc Huỳnh Thị Trúc Phương – hiện đang công tác tại Khoa Gia đình đa văn hóa tỉnh GyeongGi. Cô là cô dâu Việt Nam đầu tiên đang sinh sống tại tỉnh GyeongGi đang làm việc trong hệ thống hành chính công của tỉnh này. Cộng đồng người Việt ở tỉnh GyeongGi có khoảng 44.000 người gồm lao động, du học sinh và dạng kết hôn. Riêng cô dâu Việt Nam có 14.000 người.

Trúc Phương sinh năm 1985, quê ở Tây Ninh, đã sang Hàn Quốc được 12 năm, theo diện kết hôn. Chia sẻ về những ngày đầu sang làm dâu xứ người, chị Trúc Phương cho biết: “Vì mình là người Việt Nam sang đây văn hóa, tiếng nói bất đồng nên gặp khó khăn nhiều. Thời điểm 2004 không có nhiều người Việt Nam ở đây. Vì không có bạn bè nên rất cô đơn. Do văn hóa khác nhau nên giữa cô dâu và gia đình chồng có nhiều chênh lệch và xảy ra nhiều mâu thuẫn”.

 Vậy lúc đó chị Trúc Phương đã giải quyết mâu thuẫn như thế nào? Chị cười bảo: “Chỉ biết buồn và khóc chứ không biết nói chuyện với ai. Tôi gọi điện thoại về gia đình, tâm sự với mẹ. Mẹ cũng chỉ khuyên là cố gắng và ráng học tiếng Hàn để còn nói chuyện với gia đình chồng”.

Trong 3 năm nỗ lực, chị Trúc Phương mới nói được tiếng Hàn. Lúc đầu chỉ nghe được, hiểu được ý của những người xung quanh còn mình muốn nói gì thì tay chân cứ rối hết lên để ra dấu cho nhà chồng hiểu.

“Sang đến năm thứ 4 tôi mới nói được tiếng Hàn. Giữa hai vợ chồng khi đó mới bớt sự bất đồng. Khi biết tiếng Hàn tốt rồi thì chồng ủng hộ cho ra ngoài để hoạt động xã hội. Lúc trước tôi ước mơ qua Hàn Quốc học đại học và chồng tôi cũng ủng hộ việc đó. Sau này, khi tỉnh GyeongGi có đợt tuyển nhân viên người Việt Nam thì tôi nộp hồ sơ ứng tuyển.”.

Nhắc lại về thời gian đầu sang Hàn Quốc của chính mình, chị Phương bảo, rất khó khăn, hơi cực nhưng phải thích ứng cuộc sống ở Hàn Quốc, phải giải quyết các bất đồng…

Hỗ trợ các cô dâu Việt vượt khủng hoảng

Hiện tại, công việc của chị Trúc Phương là vừa làm chính sách vừa làm chương trình giúp đỡ cho các cô dâu Việt Nam nói chung và người nước ngoài sang đây sinh sống nói riêng; giúp đỡ người nước ngoài có cuộc sống thích ứng, ổn định.

Theo chia sẻ của chị Phương, ban đầu, Ban Gia đình đa văn hóa không có nhiều chương trình, dự án. Khi vào đây làm việc, chị đã đưa ra ý kiến và thành lập dự án tạo ra các nhóm cho các cô dâu Việt Nam và các nước. Mỗi tháng họp nhóm một lần để nêu ý kiến, chia sẻ những khó khăn, cùng tâm sự để chia sẻ, động viên cho nhau.

“Mỗi tháng họp nhóm một lần và chúng tôi lên kế hoạch là sẽ nói vấn đề gì. Ví dụ, tháng này nói về khó khăn pháp luật, di trú tại Hàn Quốc. Bạn nào có kinh nghiệm, hiểu biết về vấn đề đó thì chia sẻ với các cô dâu” – chị Trúc Phương cho biết.

Sau một số năm công tác tại Khoa Gia đình đa văn hóa và Trung tâm đa văn hóa, chị Phương nhận thấy, trở ngại lớn nhất của người lao động Việt Nam nói chung và đặc biệt các cô dâu Việt Nam là bất đồng ngôn ngữ. “Không biết tiếng thì không thể giao tiếp, nói chuyện được và không đưa được ý kiến của mình ra. Ngoài ra, khi sang đây nhiều người không quen cách ăn uống, sinh hoạt nên mình sẽ tư vấn các chị em cách vượt qua các trở ngại đó”.

Hiện tại, với vị trí công tác của mình, chị Trúc Phương đang phối hợp với Bộ Lao động và Trung tâm đa văn hóa giúp đỡ người nước ngoài. Hai bên phối hợp với nhau để những cô dâu Việt Nam sang đây khi đã biết tiếng rồi có việc tìm kiếm việc làm hay được làm việc gì đó. Khi có nhu cầu, họ hay đến Trung tâm đa văn hóa nhờ giúp đỡ.

“Lúc đó chúng tôi sẽ có giúp đỡ cụ thể, như mở lớp dạy nghề miễn phí, ví dụ các em muốn làm nail hoặc pha chế cà phê”- chị Phương nói.

 Điều thuận lợi được chị Phương chia sẻ là ngày trước những người đàn ông lớn tuổi không ủng hộ vợ đi làm. Nhưng từ năm 2013 trở lại đây nhiều ông chồng thấy rằng người nước ngoài vẫn đi làm nhiều nên ủng hộ vợ đi làm.

Ngoài việc đào tạo nghề cho cô dâu Việt, chị Trúc Phương đang ấp ủ mong muốn tạo việc làm bền vững cho các chị em. “Hiện tại, ở tình GyeongGi có một trung tâm thương mại liên kết với Việt Nam để mang thực phẩm từ Việt Nam sang bán. Trong đó, dự định sẽ làm các quầy bán hàng Việt Nam và đồ ăn Việt Nam. Chúng tôi đang tìm cách để đào tạo các chị em biết nấu ăn, để vào trung tâm đó kinh doanh.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm đa văn hóa, nhiều cô dâu Việt tại đây đã tự tin vươn lên phát triển công việc kinh doanh, buôn bán. Một số chị em đã mở các quán hàng ăn Việt Nam, bán thực phẩm khô… rất đông khách Hàn Quốc tới mua. Đó là những tín hiệu vui giúp cho các cô dâu Việt Nam khi sang làm dâu xứ người không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng./.


                                                                                                                            Theo VOV.Vn