Vợ nhận quyết định tu nghiệp ở nước ngoài 2 năm, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì tôi biết chắc là sau chuyến đi, cô ấy sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí khá tốt ở tổng công ty, vừa xứng đáng với năng lực của cô ấy mà lại cải thiện được kinh tế gia đình. Lo vì lâu nay tuy rất bận rộn cho sự nghiệp, vợ tôi vẫn là người quán xuyến toàn bộ việc nhà, bao gồm cả tề gia nội trợ và các công việc đối nội đối ngoại. Bấy lâu tôi vẫn tự hào vì lấy được người vợ vừa giỏi giang, đảm đang, lại chu đáo với chồng con.Tôi như “gà công nghiệp” răm rắp làm theo mọi sự sắp đặt của vợ.

Bất ngờ, khi đem ra bàn với con gái thì nó bảo: Bố cứ yên tâm, con và bố sẽ cùng hợp tác làm cho mẹ... lác mắt! Thế là tôi hô quyết tâm dõng dạc để vợ yên tâm lên đường.

Tôi trở thành người đàn ông nội trợ đảm đang sau 2 năm vợ vắng nhà. Ảnh minh họa: shutterstock

Những ngày đầu vắng vợ quả là không dễ dàng. Buổi sáng tôi phải đặt chuông báo thức lúc 5 giờ 30 để còn kịp tưới cây, đi chợ cho bữa chiều. Xong lại lật đật trở về nhà đánh thức con gái dậy và lo cho nó bữa sáng đơn giản. Là con gái nhưng nó học chuyên ngữ ở một trường dân lập có tiếng trong thành phố nên bài vở cũng nhiều, việc nhà lâu nay hầu như một tay mẹ làm. Buổi sáng đánh thức được nó dậy cũng chả dễ dàng gì, nhưng tôi không cáu.

Tôi nhớ lại ngày xưa bằng tuổi nó mình cũng thèm ngủ như thế, cũng mặc cả từng phút mỗi khi bị mẹ gọi dậy. Cho nó ăn xong thì tôi lại tất tả chở nó đi học vào lúc 7 giờ cho khỏi tắc đường, hầu như chả kịp dọn rửa bát đĩa. Thế mà chả hiểu thế nào vợ tôi cũng làm từng ấy công việc, lắm hôm hoa trong vườn nở đẹp, cô ấy còn cao hứng vác iphone ra chụp rồi post facebook, mà trông vẫn cứ ung dung, vẫn kịp trang điểm nhẹ trước khi ra khỏi nhà. Thế mới biết sểnh vợ ra... tất tả thật.

Dần dần, cha con tôi cũng quen với cuộc sống thiếu vắng người “cầm lái vĩ đại”. Tôi ít tra mạng để xem các thông tin về tennis, môn thể thao mà tôi rất mê nhưng ít có điều kiện tập đều. Thay vào đó, tôi tìm các công thức nấu ăn ngon và tiết kiệm. Thực đơn của hai bố con, tôi cẩn thận lên trước cả tuần. Rau mua hàng ngày ở chợ cóc gần nhà, thức ăn mặn thì mùa nào thức ấy. Một cách tự nhiên, tôi ghi tên vào hội “mua chung” tự phát của một nhóm đồng nghiệp. Khi thì mấy cân thịt lợn Mán, lúc thì dăm khúc cá thu nướng xứ Nghệ, đánh theo xe hàng của chồng một người trong số họ. Ngăn đá tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng có thức ăn dự phòng, chí ít là trữ sẵn chục trứng gà ta, thêm lọ ruốc, lọ vừng. Hôm nào tôi có lịch dạy đột xuất hộ một giáo viên trong trường thì con gái cũng có thể tự làm cho mình một bát mì tôm đập trứng nóng sốt. Về khoản dinh dưỡng như thế là tạm ổn.

Vợ tôi mail về cũng có lời khen cho sự tiến bộ ngoạn mục của tôi. Cô ấy nói không ngờ chồng mình lại đảm thế. Tôi trêu lại: Bấy lâu anh bị em làm... hỏng đấy chứ.

Cái tết đầu tiên xa vợ, tôi mới thấm thía những gì cô ấy lặng lẽ làm cho cái gia đình nhỏ bé này mấy năm nay. Phải tự tay mua từng hộp bánh, gói kẹo đi tết hết hai bên họ hàng, thật không hề đơn giản. Thế mà vợ sắp đặt mọi việc cứ nhẹ như không, tôi chỉ còn mỗi việc làm xe ôm của cô ấy. Cô dì chú bác hai họ - những người cần phải “chào hỏi” tổng cộng là 15. Bao giờ vợ cũng cẩn thận mua đồ từ trước 20 tháng Chạp, đi biếu luôn trước ngày ông Công ông Táo. Tôi cũng học vợ ở điểm này, nhận về bao nhiêu tiếng khen.

Thấm thoắt xa vợ đã gần 2 năm, tôi trở thành người đàn ông nội trợ đảm đang. Đến mức con gái bảo: Mẹ về thì bố cũng vẫn nấu ăn nhé. Bố nấu ngon hơn mẹ. Còn lời khen vợ dành cho tôi là: Chồng đã biết khai thác nội lực bản thân.

Theo Phụ nữ Việt Nam