Cô Ngọc Thạch (Áo dài đen, vét đen, người thứ 4 hàng 1 từ phải sang) cùng Đoàn đại biểu Lãnh đạo Tổ chức Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón tại Trụ sở Trung ương Đảng tháng 1/2016.

Mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, một duyên cớ chọn nơi thứ hai làm quê của mình. Gia đình tôi cũng vậy, chúng tôi đã chọn Ba Lan làm tổ quốc thứ hai cũng có hoàn cảnh của riêng mình. Năm 1963, chồng tôi, lúc đó là một chàng trai gần 20 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, được cử sang Ba Lan học đại học và sau đó lại tiếp tục được cử đi làm tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Học xong anh về nước công tác. Năm 1986, chồng tôi được cử sang làm cộng tác viên khoa học và năm 1988 tôi cùng các con tôi sang Ba Lan. Tôi đến Ba Lan, lúc đó người Việt ở đây chỉ có khoảng 500 người gồm sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và cộng tác viên khoa học. Trong khối các nước XHCN lúc đó, riêng Ba Lan không có hợp tác lao động, mãi đến giữa những năm 90 mọi người từ các nước khác và trong nước sang đông mới bắt đầu hình thành cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Vợ chồng tôi là những người hoạt động cộng đồng lâu năm, là những thành viên sáng lập Hội người Việt và Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, nhiều năm làm chủ tịch Hội (đến tháng 3/ 2014) tôi thôi chủ tịch, làm phó còn chồng tôi cũng thôi chủ tịch được vài năm và cũng làm phó, đồng thời là Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam 3 khóa (khóa 6, 7 và 8). 

Khi đã đông người Việt sinh sống thì nhu cầu về thực phẩm châu Á cũng nhiều nên đã có những quầy thực phẩm Việt Nam xuất hiện phục vụ cho bữa ăn hàng ngày cũng như vào dịp tết Nguyên đán, không thiếu thứ gì từ dưa cà mắm muối tới tôm cá, thậm chí cả từ những ngọn rau thơm, rau mùi. Đăc biệt, Tết còn thêm lá dong, lạt (gạo nếp, đậu xanh thì có thường xuyên rồi), có cả những hộp mứt Tết rất đẹp nữa. Chúng tôi thuộc thế hệ mà như nhà thơ Đỗ Phủ nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, tôi nghĩ có lẽ chúng tôi là những viên gạch nối ý thức hệ nên nhiều phong tục cũ vẫn còn được gìn giữ như thờ cúng tổ tiên, tổ chức Tết cổ truyền, đề cao bản sắc văn hóa dân tộc.



Lễ chùa đầu năm ở Ba Lan.

 Từ khi có các tổ chức cộng đồng thì năm nào chúng tôi cũng tổ chức Tết cho bà con, có sự tham gia của Đại sứ quán và vài trăm người tới dự. Cũng có cành đào, có lúc cành đào thật mang từ Việt Nam sang, có khi là cành đào tự làm. Về ẩm thực có bánh chưng, mâm ngũ quả, giò chả, nem, măng miến... Về phần lễ nghi, Đại sứ thay mặt nhà nước lên chúc Tết bà con, chủ tịch Hội người Việt thay mặt cộng đồng lên chúc Tết và điểm qua những thành tích đã đạt được trong năm. Đại diện các tổ chức cộng đồng lên tặng quà cho các cụ lớn tuổi và phát lì xì cho các cháu thiếu nhi.

Phần hội là phần được bà con đón đợi nhất, có múa sư tử, ca múa nhạc là những bài dân ca, những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước do các văn nghệ sĩ của cộng đồng trình bày đã làm vơi đi những vất vả đời thường cũng như nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ. Tết cộng đồng thường tổ chức vào 28, hoặc 29 Tết để 30 Tết các gia đình còn cúng tất niên tại nhà. Gia đình tôi vẫn còn giữ những phong tục chính về Tết cổ truyền của Việt Nam, chiều 30 cúng tất niên, các con, cháu về ăn Tết chung cả nhà. Sang ngày mùng 1, các con, cháu lại đến chúc năm mới bố mẹ ông bà và chúng tôi cũng lì xì cho các con, cháu mong năm mới nhiều sức khỏe và thành đạt hơn năm cũ.

Mấy năm vừa qua, cộng đồng đã mua đất xây được ngôi chùa khang trang nên sau khi cúng tất niên ở nhà xong nhiều người đã đến chùa đón giao thừa chung. Trước giao thừa có bài tụng kinh. Đúng giao thừa có đốt pháo, sau đó Thầy trụ trì mừng tuổi cho mọi người và thụ lộc bữa cơm chay, thu hút được vài trăm người, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Đây cũng là nét mới của cộng đồng người Việt tạị Ba Lan và mang đậm tính tâm linh của văn hóa Việt.

Cô Ngọc Thạch (Áo dài đen, ngoài cùng bên phải sang) cùng Việt kiều các nước.

Những việc làm của cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã nói lên sự cần thiết phải lưu giữ những phong tục thuộc về văn hóa Việt cho các thế hệ sau. Bởi vì bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào cũng có những phong tục, văn hóa của riêng mình và cũng cần phải được gìn giữ.

Ngọc Thạch (Kiều bào Ba Lan)