Bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia của Save the Children tại Việt Nam,
 tại lễ ra mắt sổ tay Netsmart sáng 28-11 tại Hà Nội.


Sáng 28-11, tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 (VIF 2017) diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội, Tổ chức Save the Children (Cứu trợ trẻ em) kết hợp với Đại sứ quán Thụy Điển cho ra mắt Netsmart, sổ tay cung cấp cho các phụ huynh các kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Trong bài phát biểu, bà Victoria Rhodin Sandströn, Trưởng ban Chính trị của Đại sứ quán Thuỵ Điển, cho biết tỉ lệ trẻ em dùng Internet ngày một nhiều với nhiều mục đích như giải trí, để học tập, để kết bạn... Khi Internet được phổ cập nhiều hơn, nó sẽ trở thành một nền tảng rất tự nhiên để trẻ em khám phá thế giới. 

Tuy nhiên, môi trường số cũng có những rủi ro nhất định mà chúng ta cần phải xác định để đối phó với chúng như vấn đề lạm dụng trẻ em cả về tinh thần và thân thể, những thông tin xấu, bắt nạt trên mạng...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, nhận định người lớn không nên và cũng không thể ngăn cản trẻ em truy cập Internet. Các bậc cha mẹ và toàn xã hội cần tạo ra một không gian mạng an toàn cho trẻ em, hướng dẫn con em mình về những điều nên và không nên làm trên Internet.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia của Save the Children tại Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể đối với từng lứa tuổi của trẻ. Theo bà, trẻ em ở những lứa tuổi khác nhau sẽ có khả năng nhận thức, nền tảng kiến thức và sử thích khác nhau, các bậc phụ huynh cần phải điều chỉnh cách giáo dục, chia sẻ những kinh nghiệm về Internet một cách phù hợp với độ tuổi của con em mình.

Bà Strinic cho biết trẻ em dưới 2 tuổi chủ yếu chơi các trò chơi trên mạng. Đó là lúc cha mẹ nên chia sẻ, thảo luận những câu chuyện liên quan đến trò chơi hoặc chơi cùng với con mình.

Đến độ tuổi 4-5, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu nói về những nguy hiểm mà trẻ có nguy cơ gặp phải trên mạng, rằng trên mạng cũng có những người không tốt, từ đó chỉ cho trẻ một số cách nhận biết để tự bảo vệ mình. Đồng thời, hãy trò chuyện một cách tự nhiên nhất như những câu hỏi về hoạt động hàng ngày của trẻ "con đã gặp ai, nói gì, tìm hiểu được gì trên Internet, con có thích không?".

Bà Strinic chia sẻ thêm rằng với trẻ em ở độ tuổi đến trường, chúng có rất nhiều mối quan hệ mới cả ở ngoài đời thực và trên mạng. Lúc này, các bậc cha mẹ nên chỉ cho trẻ cách cư xử đúng đắn trên mạng như nên nói gì, nên chia sẻ về đời tư thế nào với những người bạn trên mạng. 

Hãy bắt đầu với những tình huống tự nhiên như "Mẹ đang muốn tải một tấm ảnh lên mạng ngày hôm nay, mẹ nên chia sẻ điều gì đây?" Khi đó, chúng ta sẽ lắng nghe được những suy nghĩ của trẻ em. Đối với những người bạn trên mạng, người lớn hãy trò chuyện để giúp con biết cách từ chối với những đề nghị trẻ không muốn.

Theo Tuổi trẻ