Những người phụ nữ chèo thuyền bằng… chân

Có dịp tới Tràng An, Ninh Bình, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh non xanh nước biếc mà sẽ vô cùng thích thú khi được gặp những người chèo thuyền đặc biệt.

Chèo thuyền ở Tràng An vừa đòi hỏi thể lực, sức bền vì quãng đường xa, vừa yêu cầu sự khéo léo khi đưa thuyền vào hang động vừa thấp, tối, hẹp với vô số thạch nhũ xung quanh. Thế nhưng, những người phụ nữ ở đây lại chèo thuyền bằng… chân và vượt qua tất cả các thử thách này. Chính điều đó đã khiến cho du khách nước ngoài bất ngờ và tò mò.

Vừa làm nghề chở khách, những người phụ nữ này còn đóng vai trò làm "hướng dẫn viên" rất nhiệt tình. Trang du lịch nổi tiếng Culture Trip cho rằng, có lẽ không mấy khi du khách được chứng kiến cảnh lái thuyền bằng chân điệu luyện như vậy. Thậm chí, nhiều người nhắn nhủ, họ sẽ tới Tràng An một ngày không xa để tận hưởng những trải nghiệm thú vị tại đây.

Thông thường, với quãng đường dài 16km, các lái thuyền sẽ không chèo bằng chân vì sợ du khách cho là phản cảm. Người ta chỉ bắt gặp cảnh những người phụ nữ chèo bằng chân khi thuyền không chở khách.Tuy nhiên nếu được đồng ý, họ sẽ chuyển sang chèo bằng chân cho thoải mái. Cách chèo độc đáo này cũng giúp giảm áp lực xuống lưng và cánh tay.

Thưởng thức cà phê trứng


Đây là thức uống được chính các du khách nước ngoài rỉ tai nhau nhất định phải nếm thử khi đến Hà Nội. Vị bùi của lòng đỏ trứng, vị thơm nồng của cà phê đã tạo nên sự nồng nàn không gì cưỡng nổi.

Đầu tháng 11/2014, món cà phê trứng của Việt Nam đã được đứng đầu trong bảng xếp hạng 17 món cà phê nên uống khi du ngoạn khắp thế giới. Theo Buzzfeed miêu tả, món cà phê này được làm từ lòng đỏ trứng gà, sữa đặc, đường và cà phê thơm pha trộn với nhau. Đặc biệt, hương vị của món cà phê trứng Việt Nam giống như món bánh Tiramisu quyến rũ với vị ngọt, đắng nhẹ và béo ngậy.

Đầu năm 2017, thức uống đặc biệt này lại một lần nữa xuất hiện trên sóng truyền hình CNN của Mỹ. Video dài hơn một phút đã giúp du khách quốc tế có hình dung rõ hơn về văn hóa uống cà phê nói chung và cà phê trứng nói riêng của người Hà Nội.

Thoạt tiên, mới nghe tên gọi, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngần ngại. Nhưng khi thử qua thức uống này, phần lớn thực khách đều “nghiện” ngay tức khắc.

Thăm thú “địa ngục trần gian” giữa Thủ đô

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (xưa kia thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương). Nơi đây được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và là một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Theo thiết kế ban đầu, nhà tù chỉ cho phép giam khoảng 500 tù nhân. Nhưng có thời điểm số người bị nhốt lên đến hơn 2000 tù binh. Tất cả các trại giam bị quá tải, luôn trong tình trạng chật chội, bí bách.

Cachot (ngục tối) được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”, sử dụng để giam những người vi phạm nội quy của nhà tù. Người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Những người bị giam ở đây chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí.

Du khách khi đến đây rất ấn tượng với chiếc máy chém thời trung cổ. Chiếc máy được thiết kế bởi 2 cột trụ gỗ cao 4m với lưỡi dao được giữ ở trên cao bằng chốt. Phía dưới có một xà ngang khác và giá hẹp là nơi tử tội đặt đầu vào.

Nhiều hướng dẫn viên cho biết, không ít du khách nước ngoài đã không kìm được nước mắt khi nghe những chuyện đã từng xảy ra ở chốn “địa ngục trần gian”.

Khám phá đồng bằng sông Cửu Long


Cách thành phố Hồ Chí Minh không xa là đồng bằng sông Cửu Long trù phú và bạt ngàn cây trái. Đồng bằng sông Cửu Long là điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế muốn trải nghiệm cuộc sống bình dị của những người dân miền sông nước.

Tới đây, ngoài việc thăm thú các vườn cây trái sai trĩu quả, ngồi ghe đi trên các nhánh sông Mekong đổ ra biển hay tham quan các khu chợ nổi miền Tây, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món đặc sản tươi ngon và nghe đờn ca tài tử - món “đặc sản tinh thần” nổi tiếng. Bên cạnh đó, du khách sẽ được ghé thăm những làng nghề thủ công của đồng bằng sông Cửu Long.

Ở homestay cùng đồng bào dân tộc vùng cao Sapa

Du khách nước ngoài khi đến Sa Pa thường chọn hình thức lưu trú homestay, ngủ lại nhà của những người dân tộc thiểu số. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp vàng rực khi vào mùa và giao lưu với những người dân địa phương mến khách.


Đồng bào dân tộc ở Sapa có lối sống và cách sinh hoạt mang nhiều bản sắc dân tộc nhưng vẫn khá cởi mở với người ngoài. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em ở đây có thể giao tiếp bằng tiếng anh khá trôi chảy, thuận tiện cho các du khách muốn trò chuyện, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa vùng cao Việt Nam.

Đến Sa Pa, ngủ nhà sàn, ăn những món ăn đặc sản mới lạ, thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống và thức dậy trong bản làng thanh bình,… đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà bạn không thể quên được khi đến với mảnh đất này.

Theo Dân trí