Tháng trước, nhà lập pháp Nhật Bản Mio Sugita hứng chịu làn sóng chỉ trích khi đổ lỗi cho phái nữ trong các vụ quấy rối tình dục. Bà cho rằng một số nạn nhân đã khai báo không trung thực.

"Phụ nữ có thể nói dối bất cứ lúc nào họ muốn", CNN trích dẫn phát biểu của Mio Sugita trong cuộc họp chính phủ về bình đẳng giới.

Quan điểm của bà Sugita khiến người dân xứ hoa anh đào vô cùng phẫn nộ. Mới đây, nữ chính khách đã lên tiếng xin lỗi và đính chính rằng phát ngôn của bà không mang ý ám chỉ nữ giới nói chung.

Nữ chính khách Nhật Bản Mio Sugita nhiều lần bị chỉ trích vì phát ngôn phân biệt giới tính. Ảnh: CNN.

Đây không phải lần đầu tiên bà Mio Sugita trở thành tâm điểm của dư luận vì những lời lẽ mang tính chất phân biệt giới tính.

Bà từng bị lên án vì phủ nhận sự tồn tại của phụ nữ giải khuây trong Thế chiến thứ 2, phản đối hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vì "giảm khả năng sinh nở của xã hội".

Ngoài ra, bà Sugita cũng quy trách nhiệm lên nhà báo Shiori Ito, biểu tượng của trào lưu Me Too ở Nhật Bản, trong vụ hiếp dâm của cô.

"Với trường hợp này, lỗi thuộc về nạn nhân vì say xỉn trước mặt một người đàn ông lạ. Là nhà báo, bạn sẽ bị nhiều người tiếp cận và phải học cách từ chối khôn khéo hơn", nữ chính khách trả lời phóng sự của BBC.

Theo nhiều chuyên gia, những phát ngôn của bà Mio Sugita có ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt là trên chính trường - lĩnh vực vốn do nam giới thống trị.

"Vì chúng tôi thuộc nhóm thiểu số"


Từ trước đến nay, chính trị luôn được coi là "sân chơi" dành cho phái mạnh. Theo Liên minh Nghị viện Thế giới, tính đến tháng 10/2020, chỉ 25% số ghế nghị sĩ thuộc về phái đẹp.

Ở Nhật Bản, chỉ 46 trong số 465 nhà lập pháp Hạ viện là nữ giới, thấp hơn 10% so với thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Lý giải điều này, bà Tomomi Inada, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho biết phụ nữ làm chính trị thường chịu nhiều định kiến. "Các nữ chính khách luôn bị đánh giá là ủy mị hoặc nóng nảy khi thể hiện quan điểm của mình. Tất cả là vì chúng tôi thuộc nhóm thiểu số".

Bà Tomomi Inada, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho biết phụ nữ làm chính trị thường chịu nhiều định kiến. Ảnh: ABC News.

Chizuko Ueno, nhà xã hội học kiêm giám đốc Mạng lưới Hành động vì phụ nữ (WAN), chỉ ra rằng một số người phải thuận theo quan điểm của đồng nghiệp nam để hòa nhập và tồn tại trên chính trường.

Do đó, phát ngôn của bà Mio Sugita đã gián tiếp khuyến khích "bình thường hóa" các quan điểm bảo thủ về giới, theo nhận định của học giả Kukhee Choo.

"Vô số nhà hoạt động nữ quyền đã ủng hộ hoạt động chính trị của Sugita, nhưng bà ấy lại sử dụng quyền lực của mình để phủ nhận vị thế và quyền lợi chính đáng của họ", Choo nói.

Flower Demo, nhóm nhân quyền chống tội phạm tình dục ở Nhật Bản, lên tiếng đáp trả sau tuyên bố của bà Mio Sugita.

"Để bảo vệ quyền bình đẳng giới, các nghị sĩ cần trở thành tấm gương mẫu mực của công dân, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và nhìn thẳng vào vấn nạn bạo lực tình dục", đại diện tổ chức trên chia sẻ.

Sự thay đổi lớn


Trước đây, phụ nữ Nhật Bản không thể đi ngược quan niệm xã hội hay đề cập đến vấn đề bình đẳng giới vì sợ bị cộng đồng kỳ thị.

Năm 2017, Yuka Ogata, chính trị gia địa phương, vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhà lập pháp khi đưa con tới một buổi họp. Một đồng nghiệp nam lớn tiếng trách móc Ogata, trong khi những người khác cố gắng đuổi mẹ con cô ra ngoài.

Song vài năm gần đây, làn sóng nữ quyền mạnh mẽ khiến thái độ của xã hội Nhật đối với các lao động nữ có nhiều thay đổi tích cực. "Ngày nay, người dân có nhiều cơ hội thể hiện ý kiến của bản thân hơn, đặc biệt là giới trẻ", Choo giải thích.

Điều này buộc chính phủ và chính trị gia xứ hoa anh đào phải quan tâm, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

"Sự phát triển của truyền thông góp phần vạch trần tư tưởng phân biệt trong lĩnh vực chính trị. Chỉ vài năm trước, những phát ngôn tương tự bà Mio Sugita rất phổ biến, song không mang sức ảnh hưởng như hiện tại", nhà xã hội học Ueno nhấn mạnh.

Vai trò của phụ nữ Nhật Bản trên chính trường ngày càng được khẳng định. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản dấn thân vào các lĩnh vực vốn do cánh mày râu nắm giữ, điển hình như chính trị.

"Dù còn theo sau các nước khác 20-30 năm, hoạt động nam nữ bình quyền ở nước này đang chuyển biến tốt. Giờ là thời điểm để nữ giới khẳng định bản thân trên chính trường", bà Tomomi Inada nói.

Tổ chức Flower Demo cũng bày tỏ niềm tin vào tương lai tích cực. "Chúng tôi mong các nữ chính khách trở thành tiếng nói đại diện cho nữ quyền, đồng thời hi vọng phái mạnh trong ngành sẽ hỗ trợ để thực thi quyền bình đẳng giới".

Theo  Zing