Từ chiếc máy chụp ảnh khổng lồ…

Ngôi nhà nhỏ trưng bày các máy ảnh từ xưa đến nay, nằm tại góc phố cũng nhỏ Jalan Kledek, là một minh chứng cho câu “nhỏ mà có võ”. Người ta sẽ phải trầm trồ khen ngợi từ bên ngoài cho đến khi vào bên trong.

Để khắc phục mặt bằng không gian khiêm nhường, lối vào cửa chính được bố trí tại vị trí ống kính tròn của (hình khối) một chiếc máy ảnh khổng lồ. Khách bước lên thang sắt, chui vào trong, đi xuống mấy bậc thang và sẽ thấy cả một gia tài mở ra trước mắt với chỉ 2 màu đen – trắng.

Những bức tường và kệ tủ trắng tôn vinh các bộ máy ảnh huyền thoại qua từng thời kỳ. Từ loại máy ảnh cổ điển khi chụp phải trùm mền đến những dòng ranger finder Leica M bất hủ, rồi Contax G 2, Canon QL 17 nổi danh suốt thế kỷ XX, hay loại máy 2 ống kính Rolei, bên cạnh chiếc máy ảnh nhỏ nhất thế giới chỉ bằng chiếc móng tay…

Những câu chuyện về các nhiếp ảnh gia và “súng ống” họ đã sử dụng loại gì được dẫn giải khéo léo khiến những ai đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh phải ngẩn ngơ, thích thú.

Bảo tàng mini này khởi đầu từ một người Singapore gốc Ấn Độ tên S. Ramanathan. Là thương nhân nhưng niềm đam mê của anh lại nằm ở nhiếp ảnh. Cùng với người anh họ là nghệ sĩ A.P. Shreethar, Ramanathan đã mở một viện bảo tàng độc lập dành cho tình yêu của mình với những chiếc máy ảnh cổ điển. Họ quyết định cùng thỏa mãn niềm đam mê ấy, tìm kiếm và sưu tầm suốt 20 năm, được hơn 7.000 chiếc máy ảnh từ xưa đến nay, trong đó tại bảo tàng này chỉ đủ chỗ cho gần 1.000 chiếc

Họ cũng làm một số tượng những nhiếp ảnh gia nổi tiếng đúc bằng silicon đặt bên trong và ngoài bảo tàng, tổ chức các workshop để giúp giới trẻ khơi dậy niềm đam mê nhiếp ảnh và lịch sử máy ảnh.

Họ hy vọng có thể mở rộng bảo tàng đủ để trưng bày hết bộ sưu tập khổng lồ của mình.

… đến NEWater, một quan niệm khác về nhà máy lọc nước


Tại khu vực gần như tận cùng phía đông (khu Tanah Merah) của Singapore, có một điểm tham quan ít được du khách để ý nhưng lại được giới học sinh, sinh viên các trường học ở nước này yêu thích, đó là không gian lọc nước nổi tiếng gọi là NEWater.

Ấn tượng đầu tiên về công trình này là dạng thiết kế công nghiệp thân thiện với môi trường. Phần không gian giới thiệu sản phẩm được đẩy ra phía trước với 2 cách tiếp cận: một lối đi thẳng vào tầng trệt ngang qua hồ nước thành phẩm mát rượi để xem lịch sử và quy trình lọc nước ở đây; hai là đi theo đường dốc lên lầu trên để gặp không gian tương tác, phòng thuyết trình và sảnh quan sát nhìn sang các tháp nước và toàn cảnh nhà máy.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cùng thủ tướng Singapore năm 2012 đã đến thăm nơi này và uống chai nước thành phẩm.
Dự án xử lý nước “đã qua sử dụng” này sản xuất ra chai nước tinh khiết đầu tiên vào tháng 7/2002, đến năm 2020 dự kiến đáp ứng đến 75% nhu cầu tiêu thụ nước của toàn đảo quốc.

Với sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và chiến lược giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, sử dụng nguồn nước một cách bền vững hơn, không gian này trở thành mô hình lý tưởng cho các buổi sinh hoạt chuyên đề về môi trường. Người ta đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số, trò chơi máy tính, hình ảnh thị giác, video,… để giải thích việc tái sử dụng nước một cách ngộ nghĩnh, dễ hiểu, có tính tương tác cao.

Ngoài việc thưởng thức các cuộc triển lãm kỹ thuật số động và tĩnh, du khách có thể xem quy trình lọc nước cũng như ra bên ngoài để ngắm nhìn cá lội tung tăng bên hồ nước uốn lượn trải dài dọc mặt tiền của công trình.

Và nơi bán đồ xa xỉ giữa vịnh Marina

Với một xứ sở xem nước là tài nguyên tối quan trọng như Singapore thì việc ốc đảo Louis Vuitton mọc lên ngay tại “mặt tiền” Marina Bay Sands quả là điều ngoại lệ. Điều này một mặt cho thấy những thương hiệu nổi tiếng có thể “vào bất cứ đâu” miễn là trả giá phù hợp, mặt khác cũng cho thấy yếu tố chọn lọc và cạnh tranh rất cao khi có một mô hình cửa hiệu dành riêng cho thương hiệu cao cấp không tuân theo quy luật “buôn có bạn bán có phường”.

Cửa hiệu này "một mình một cõi" giữa bốn bề là nước, nối với bờ bằng 2 lối: một lối cầu đi bộ nổi và một lối ngầm đi qua khu trung tâm Marina Bay Sands.

Nội thất mang phong cách biển do “gã lập dị tài hoa của ngành thiết kế” Peter Marino đảm nhiệm. Có thể nói không gian hàng hiệu Louis Vuitton Maison đầu tiên tại Đông Nam Á (khai trương năm 2011) này mang đậm yếu tố văn hóa và nghệ thuật, sang trọng nhưng vẫn rất gần gũi với công chúng.


Hình dáng có vẻ bất định bên ngoài như một khối đá long lanh nổi trên nước (các nhà thiết kế nói rằng lấy cảm hứng từ cánh buồm phiêu du) kết nối vào không gian nội thất mang phong cách tàu thuyền đại dương gợi lên những chuyến đi và bạn đồng hành thú vị. Tầng trệt của Island Maison trưng bày các bộ sưu tập về sản phẩm da, trang phục may sẵn, giày và phụ kiện dành cho cả nam và nữ.Không khó để nhận ra dấu ấn mượt mà của Peter Marino trong thiết kế: một cảm giác đầy đặn mà vẫn thoáng đến mức không ngờ, lộng lẫy nhưng không tạo xa cách, khiến những du khách bình dân hay giới xài sang đều không cảm thấy e ngại hay thờ ơ.

Tầng lửng dành riêng một khu vực cho “Căn phòng du lịch” đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi trưng bày vali, túi xách du lịch và phụ kiện.

Từ cửa hiệu, du khách có thể dạo qua một đường hầm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, rồi kết nối với khu mua sắm Marina Bay Sands và dẫn du khách đến cửa hàng sách Louis Vuitton - nơi họ có thể tìm thấy các tuyển tập sách về thiết kế, văn hóa và nghệ thuật.

Yêu cầu thiết kế đặt ra là phải làm sao chứa đủ các bộ sưu tập đắt giá của Louis Vuitton, phải che chắn để chống tia UV làm hại các sản phẩm, mà khách vẫn có thể nhìn ra mặt vịnh Marina bên ngoài. Một hệ khung với tấm chắn nắng được lập trình với các cảm biến theo góc chiếu của mặt trời trong ngày để xoay theo góc nghiêng phù hợp nhất, tạo cho ánh sáng bên trong vẻ lung linh huyền ảo và sang trọng.

Dĩ nhiên, mọi điểm đến đều có những lý lẽ riêng để tồn tại và thu hút. Trong những ngày đầu năm thư thả, hãy thử một lần khám phá Singapore theo cách riêng của mình, để cảm nhận thêm chút thú vị và bất ngờ về những không gian trưng bày được gắn kết cùng môi trường đô thị như thế nào.

Theo Doanh nhân Sài Gòn