Một góc biên giới Lào - Việt - ẢNH: T.Đ.T

Tôi khởi hành từ Đà Nẵng khi trời vừa sáng. Uống cà phê và điểm tâm ở Lăng Cô. Ăn trưa tại chợ Sê-pôn (Lào) bên kia cửa khẩu Lao Bảo. Bốn giờ chiều qua cầu Hữu Nghị số 2, làm thủ tục nhập cảnh và lấy khách sạn nghỉ đêm ở thành phố Mukdahan (Thái Lan). Sau tiệc cưới con của người bạn ở Mukdahan, tôi lên đường đi tiếp về hướng Bangkok, trưa dừng lại Nakhon Ratchasima (nơi từng tổ chức SEA Games 24), chiều tối có mặt tại trung tâm thủ đô Thái Lan... Sau vài ngày thăm thú Bangkok, bãi biển nghỉ mát Pattaya, chúng tôi trở về Pakse (Lào) và quay lại Việt Nam từ cửa khẩu Bờ Y...

Hơn 3.000 cây số, cả đi và về bằng đường bộ trên hành trình liên Á trong vòng một tuần lễ, đối với tôi là một trải nghiệm mới trên hành trình cũ theo kiểu tour Caravan bằng xe tự lái sau nhiều năm mới đi lại.

Lại chuyện… thủ tục hành chính

Ý tưởng về những tour du lịch Caravan lần đầu tiên xuất hiện năm 1995 do một nhà báo Thái Lan đề xuất, ban đầu tổ chức mỗi tháng một lần. Năm đó, tôi lên đến Savannakhet để đoàn đoàn sinh viên Bắc Âu đi trên một xe Truck 24 bánh, đêm cũng ngủ giữa rừng Sê Pôn…

Từ đó đến nay, khách du lịch Thái Lan và nước ngoài đến Bangkok thường thích thú với các chuyến đi đường bộ đến các miền đất lạ ở Lào, Campuchia và cả các tỉnh miền Trung Việt Nam. Khi con đường liên Á thông suốt đến Đà Nẵng từ tháng 11.2006 cùng chiếc cầu Hữu Nghị số 2 qua sông Mê Kông (nối Mukdahan và Savannakhet), các tour này đã nhanh chóng phát triển, nhất là sau khi loại xe có tay lái nghịch được thống nhất cho lưu hành (với điều kiện có bằng lái quốc tế, có xe dẫn đường nếu đi theo đoàn). Đến nay, làn sóng du khách Thái Lan bùng phát đến các tỉnh miền Trung, và ngược lại, khách Việt cũng rủ nhau… tây hành. Đây được coi như kết quả tất yếu và đáng ghi nhận mà đường liên Á mang lại.

Một nhà tư vấn du lịch của công ty lữ hành Las Vegas tại Bangkok phát biểu trên tờ The Nation, cho rằng du lịch Thái Lan yếu đi trong vài năm vì một số lý do sau khi phải đối đầu với sự cạnh tranh của các nước láng giềng. “Các nước Đông Nam Á đang gia tăng sự cạnh tranh để thu hút nhiều ngoại tệ mạnh từ du lịch, đặc biệt là giữa các nước như Malaysia, Việt Nam, Singapore và lãnh thổ Hồng Kông...”, bài báo viết. Một bài báo khác trên tờ Bangkok Post lại bình luận, “với những xa lộ và những chiếc cầu nối liền các biên giới được xây dựng, cả 3 nước cần hợp lý hóa và thống nhất những qui định, thủ tục hải quan, các dịch vụ bổ sung, luật lệ về giao thông và tiêu chuẩn vận tải thống nhất để tạo ra những lợi ích khả dĩ và phân chia một cách công bằng”.

Cái nhìn từ các đồng nghiệp Thái Lan vừa dẫn cho thấy: trên bước đường hội nhập để cùng phát triển, cơ sở hạ tầng quan trọng một, thì những vấn đề về “thủ tục hành chính” lại quan trọng hơn gấp nhiều lần.

Trong nhiều chuyến đi tương tự, chúng tôi đã lần lượt làm thủ tục xuất nhập cảnh 8 lần tại 8 cửa khẩu của ba nước (mỗi cửa khẩu đều có cơ quan xuất nhập cảnh, hải quan của 2 nước riêng rẽ). Tôi nhận thấy cách làm của 3 nước hoàn toàn khác nhau: về mẫu tờ khai (có những khoản không cần thiết), cách phục vụ (thời gian kéo dài), nạn mãi lộ (nếu bạn dùng ô tô riêng và làm thủ tục tạm nhập tái xuất).

Du lịch phiền phức

Tôi từng dự các hội thảo liên quan đến Hành lang kinh tế Đông - Tây hoặc các roadshow du lịch tổ chức ở Bangkok lẫn Việt Nam trong nhiều năm. Tại đó, luôn có một đề xuất khá quan trọng: Cần thành lập một hiệp hội các đơn vị kinh doanh lữ hành của 3 nước để thống nhất các dịch vụ!

Vì sao hiệp hội đó quan trọng đến vậy, và sao đến nay vẫn chưa được tổ chức?

Trước hết là vấn đề giá cả. Cùng một tour đường bộ trên đường liên Á trong thời gian một tuần, công ty A của Việt Nam chào giá 395 USD, một công ty khác cũng ở Việt Nam (cụ thể là TP.HCM) chào 280 USD; trong khi một công ty B của Thái Lan chào giá gần 300 USD. Giá khác nhau thường phản ánh dịch vụ khác nhau, điều đó là mong đợi của mọi du khách. Nhưng theo chỗ tôi biết, chất lượng khách sạn ở các nước không “giống” với chuẩn sao. Chưa kể, du khách còn gặp phiền phức từ phía hướng dẫn viên đưa vào những địa chỉ không có nhu cầu như cơ sở bán đồ da, đá quý, thuốc chữa bệnh…, bị ép thời gian. Dịch vụ trên đường (chỗ nghỉ giải lao, vệ sinh, đổ xăng...) ở Việt Nam và Lào thì kém xa Thái Lan. Xe vận chuyển do còn chưa thống nhất tay lái và luật giao thông nên cứ thay đổi phương tiện, người lái liên tục trên tuyến.

Trên đường cao tốc đến Bangkok - ẢNH: T.Đ.T

Thông tin trên các báo và từ nhiều nhà hoạt động xã hội Thái Lan cũng đang lên tiếng báo động về tác động tiêu cực của “làn sóng caravan” với tập quán và đời sống văn hóa dọc hành trình, nơi có các nhóm dân tộc thiểu số. Dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây đặt ra mục đích giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, do đó cần sớm hình thành hiệp hội lữ hành cho tuyến du lịch liên Á. Hiệp hội này sẽ giúp đề ra các tiêu chuẩn dịch vụ. Tiêu chuẩn dịch vụ thống nhất và công khai sẽ quyết định giá cả, trở nên thật cần thiết để phát triển và cùng hưởng lợi.

Tất nhiên, khi chúng tôi dùng xe riêng tự lái thì đơn giản hơn nhiều!

* * *

Tôi đã hiểu tại sao làn sóng du lịch trên đường liên Á từ Việt Nam vẫn còn “khiêm tốn”. Nhớ lại những ngày không “vướng” Covid-19, đa số du khách Việt đến Thái Lan vẫn chọn đường bay đi và về, bởi những nhiêu khê trên đường bộ. Công ty lữ hành Travel 2020 tại Bangkok cho biết họ vừa được Hàng không Việt Nam chọn làm đối tác để kết hợp một loại tour đường bộ - hàng không cho 2 chặng đi và về trên tuyến du lịch này nhằm giải quyết đa số yêu cầu của khách hàng. Đây có lẽ là một giải pháp tốt để kết hợp giữa du lịch đường bộ và hàng không, đáp ứng yêu cầu về thời gian cho du khách, trong đó có du khách đi từ Việt Nam.

Nhưng bên cạnh nhu cầu lập hiệp hội lữ hành liên Á với các tiêu chuẩn thống nhất, các công ty lữ hành ở miền Trung tại sao chưa triển khai được một phương án tương tự như đồng nghiệp Travel 2020 trong mối liên kết với các hãng hàng không? Câu hỏi này hãy còn bỏ ngỏ.

Thành ra, đi đường bộ liên Á như tôi bây giờ, có lẽ chỉ dành cho những người đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian và thích khám phá của điểm đến mang các đặc điểm văn hóa. Đi bằng xe riêng. Thích nghỉ đâu, thăm đâu cũng được, có nhiều bạn bè trên tuyến, hoàn toàn tự chủ… Mà như vậy thì không phải ai cũng đủ “điều kiện” rong chơi.

Liên Á cần “thông tuyến” mạnh mẽ hơn

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên (tổ chức ở TP.Đà Nẵng hồi giữa tháng 7), Hành lang kinh tế Đông - Tây được đề cập trong nội dung đề xuất của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển. Hành lang này cần phát triển, kết nối các quốc lộ 14B, 14G, 14D để tạo sự lan tỏa vùng.

Trong chương trình xúc tiến thương mại TP.Đà Nẵng năm 2020 thực hiện “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, có nội dung liên quan đến Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng.

Theo thanhnien