Cầu Ponulele ở Palu sập sau thảm họa sóng thần

Trận động đất 7,5 độ xảy ra vào chiều tối 28/9 ở ngoài khơi đảo Sulawesi, Indonesia tạo ra đợt sóng thần cao tới 6 m, tàn phá nhiều khu vực ven biển thành phố Palu, thị trấn Donggala. 

Tại thời điểm cơn sóng thần cao 6 m tràn vào Sulawesi, Hwi Havis cùng vợ và con gái đang ở trong khách sạn của thành phố.

"Tôi đã bị chôn vùi trong đống đổ nát do bức tường sụp xuống. Tôi nghe thấy tiếng vợ mình khóc và kêu cứu. Sau đó, cô ấy im lặng. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với vợ con mình. Tôi hy vọng họ an toàn", theo BBC.

Nói về khoảnh khắc đối mặt với tử thần, Havis cho biết anh và gia đình không có thời gian để cứu chính bản thân mình.

Havis bị chấn thương ở lưng và vai. Anh được điều trị ở khu vực ngoài trời tại bệnh viện quân đội Palu. Đến nay, anh vẫn chưa biết thêm về tin tức của vợ con.

Không chỉ Havis, nhiều người dân Palu cũng đang bặt vô âm tín về số phận của người thân, gia đình. "Tôi đã mất ba người thân trong gia đình. Hai trong số họ tuổi đã cao. Người còn lại vừa mới lên chức bố".

Những người còn sống sau thảm họa vẫn khắc khoải tìm kiếm người thân mất tích

Anser Bachmid, 39 tuổi, một người sống sót qua trận sóng thần nói với AFP: "Chúng tôi đều hoảng sợ và chạy ra khỏi nhà. Người dân ở đây cần viện trợ, vì thiếu lương thực, đồ uống, nước sạch. Chúng tôi không biết tối nay sẽ có gì mà ăn".

Rusidanto, một người dân, cũng cho biết anh nhìn thấy những con sóng đánh từ bãi biển vào nhà. Thời khắc tưởng như ngày tàn của thế giới đó, Rusidanto chỉ biết cắm đầu chạy.

Tại thời điểm sóng thần tàn phá các bờ biển ở Palu, nơi đây có rất nhiều vũ công, du khách, người dân tập trung. Họ đang chuẩn bị cho lễ hội. Họ cũng là những người đầu tiên hứng chịu những trận sóng thần cao tới hơn 3 m quét qua.

Anthonius Gunawan Agung, 21 tuổi, nhân viên kiểm soát không lưu ở sân bay Palu cũng thiệt mạng vì thảm họa này. Anh là người duy nhất đã cố nán lại tại tháp không lưu để hướng dẫn cho máy bay trên đường băng cất cánh an toàn. Agung sau đó đã nhảy từ tầng 4 xuống, bị thương nặng và không qua khỏi. Sự hy sinh của anh được nhiều người ca ngợi như anh hùng. Nhờ có Agung, hàng trăm người trên chuyến bay 6321 của hãng Batik Air đã được an toàn.

Các bác sĩ đang phải cứu chữa nạn nhân trong điều kiện hết sức khó khăn,
mất điện, thiếu thuốc men.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ động đất, sóng thần ở Indonesia đã lên đến hơn 1.200 người. Theo chính quyền nước này, 66 du khách đã được tìm thấy an toàn. Hiện còn 5 du khách quốc tế khác vẫn mất tích.

Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Ứng phó Thảm họa Quốc gia, cho biết sóng thần đã hủy hoại nhiều nhà cửa, ôtô, cây cối, khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà thờ... Nó càn quét mọi thứ trên đất liền. Nhiều người dân sống sót là nhờ trèo lên những cây cao 6 m.

Hiện tại, Indonesia vận chuyển cứu trợ cho người sân Palu từ Jakarta. Một số người bị thương đã được sơ tán bằng máy bay vận tải quân sự. Bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện ngoài thành phố. Phía bên ngoài, bệnh viện đặt các thi thể nạn nhân trong các túi đựng để người thân của họ đến nhận diện.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ ở vùng thảm họa vẫn gặp khó khăn vì bị mất điện, đường sá thiệt hại nặng nề.

Theo VNExpress