Tiền sửa chữa nhiều ngôi nhà bỏ hoang này có thể còn vượt quá tiền mua nhà mới.

Akiya - nghĩa là "trống rỗng" hoặc "bị bỏ rơi" theo tiếng Nhật. Các bất động sản Akiya có xu hướng tập trung ở các vùng nông thôn, nơi làn sóng người trẻ ồ ạt chuyển lên thành phố sống. Ở nhiều vùng chỉ còn lại các cụ già sinh sống, và khi họ mất đi, những căn nhà này bị bỏ hoang.

Sự mê tín của người Nhật khiến việc bán các căn nhà này cũng không dễ dàng, vì chúng thường gắn với những vụ tự tử, giết người, hoặc "những cái chết cô đơn", và được xem là không may mắn, theo Business Insider.

Dân số Nhật đã suy giảm dần kể từ năm 2010, từ 128,55 triệu người, xuống 127,18 như hiện nay, theo Worldometers. Năm 2013, ước tính có khoảng 8,2 triệu căn nhà bị bỏ hoang trên toàn đất nước, theo Rethink Tokyo.

Kagoshima, Kochi và Wakayama là các tỉnh dẫn đầu với hơn 10% nhà không có người ở, và dự đoán tới 2033 hơn 30% tất cả các nhà ở Nhật có thể bị bỏ hoang.

Thoạt nghe được tặng nhà là điều đáng mơ ước, nhưng vẫn có một số nguy cơ cần tính kỹ: Đầu tiên, đó là chi phí sửa chữa, trong một số trường hợp, có thể bằng với giá mua bất động sản ở chỗ khác. Ngoài ra là tính sở hữu mập mờ của loại hình nhà này, vì một ngày nào đó chủ sở hữu thực có thể trở về và đòi lại.Nhà Akiya dự kiến được tặng cho các gia đình trẻ, và một số trường hợp chính quyền còn trợ cấp thêm để chủ nhân mới có thể cải tạo nó. Tuy nhiên, các gia đình cũng phải đáp ứng một số tiêu chí cụ thể: Chẳng hạn, ở một số vùng, người nhận nhà phải dưới 43 tuổi, có con nhỏ ở tuổi đi học.


Theo VNExpress