Ngày càng nhiều người tìm đến các dịch vụ “đóng thế” người thân tại Nhật Bản

Những người về hưu cô đơn hay những nữ sinh trung học đang gặp vấn đề về tình cảm…đều là những khách hàng tiềm năng của ông Takanobu Nishimoto và nhóm cộng sự trung niên Nhật Bản. Nhóm của ông hiện chuyên cung cấp các dịch vụ lắng nghe tâm sự với giá khoảng 1.000 Yen (10 USD/giờ) cho những người không thể chia sẻ với bác sĩ tâm lý hoặc người thân trong gia đình.

 “Những khách hàng thường chỉ yêu cầu tôi làm bạn trò chuyện trong một đến hai giờ. Tôi hầu như không phải làm gì, chỉ ngồi và lắng nghe họ chia sẻ tâm tình”, ông Nishimoto kể lại. Sau 4 năm, ông Takanobu Nishimoto đã có lượng khách hàng khá ổn định với khoảng 30 – 40 khách hàng tháng và 70% trong số đó là phụ nữ.

Nodoka Hyodo (24 tuổi), cô gái trẻ từng có buổi trò chuyện với ông Nishimoto cho biết, cô cảm thấy khá thoải mái khi được tâm sự với một người lạ mặt. “Nhờ việc chia sẻ với chú Nishimoto mà tôi cảm thấy hiểu rõ hơn về mình”, cô nói.Ông Nishimoto chia sẻ, ý tưởng về dịch vụ đặc biệt này bắt nguồn từ sở thích được trò chuyện và tâm sự cùng mọi người của mình. Sau một thời gian đóng vai trò là “người bạn tâm giao”, ông nhận thấy có rất nhiều người Nhật Bản cô đơn và không biết chia sẻ cùng ai.

Đóng thế bố mẹ, người thân

Không đơn thuần chỉ cung cấp dịch vụ lắng nghe, tâm sự như nhóm của ông Takanobu Nishimoto, công ty Family Romance của anh Ishii Yuichi (36 tuổi) còn chuyên cung cấp các dịch vụ “đóng thế” người thân theo nhu cầu của khách hàng.

Ý tưởng khởi nghiệp đến với Yuichi hoàn toàn tình cờ sau lần anh giúp đỡ một bà mẹ đơn thân có một cô con gái nhỏ. “Lúc đó, tôi đóng giả là cha của cô bé 12 tuổi sống với mẹ đơn thân. Đứa bé đó bị bạn bè trong trường bắt nạt vì không có bố. Bà mẹ đã thuê tôi giả là bố của bé. Cho đến nay, tôi vẫn chưa kết thúc vai diễn của mình. Tôi là người cha thực sự duy nhất mà con bé biết”, anh Yuichi tâm sự. 

Nhu cầu và khách hàng của công ty Family Romance khá đa dạng. Đó có thể là một người độc thân cần thuê người yêu để cùng đi chơi vào những dịp đặc biệt, một nhân viên văn phòng muốn có bạn đồng hành trong các cuộc hội thảo, một người mẹ đơn thân cần một ông bố trong ngày thôi nôi của con, hay thậm chí là một cặp vợ chồng cần một đứa trẻ để ra mắt họ hàng đôi bên…

Không đơn thuần vì mục đích kinh doanh kiếm lời, anh Yuichi tâm sự, những dịch vụ do công ty anh cung cấp trên thực tế rất có ý nghĩa khi giúp các khách hàng đương đầu với sự trống vắng và cô đơn, thậm chí lấp đầy những mảng trống trong cuộc sống của họ.

“Dịch bệnh” cô đơn

Rất khó để tính toán được những dịch vụ san sẻ nỗi cô đơn của người Nhật đóng góp bao nhiêu phần trăm vào nền kinh tế nước này nhưng quy mô của ngành dịch vụ này vẫn không ngừng mở rộng và các công ty kinh doanh dịch vụ này tiếp tục “ăn nên làm ra”.

Theo các chuyên gia xã hội, suy thoái kinh tế, áp lực cuộc sống, văn hóa làm việc khắc nghiệt… là những nguyên nhân chính khiến nhiều người Nhật Bản lựa chọn lối sống “ẩn thân” và trốn tránh các mối quan hệ giao tiếp xã hội.

Số người lựa chọn cuộc sống cô độc vì thế cũng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và trở thành vấn nạn đáng lo ngại tại xứ Phù Tang. Nếu như tại nhiều nước Đông Nam Á hay cả Trung Quốc, người ta nhìn thấy người già đi cùng con cháu hoặc bế cháu ra đường, ở Nhật, hình ảnh đó không nhiều. Thay vì bế trẻ con, đa phần người già ở Nhật dắt chó. Gia đình bố mẹ và con cái sống tách rời nhau nhiều năm, thậm chí không hề có cuộc điện thoại hỏi thăm nào.

Maki Abe - CEO một công ty cung cấp dịch vụ cho người cô đơn cho biết, nhiều người Nhật đang phải trải qua “dịch bệnh” cô đơn. Vì luôn luôn ở một mình, có những nỗi buồn lâu ngày không người chia sẻ, họ mắc kẹt trong nỗi cô độc, giam cầm cảm xúc và không để ai bước vào trái tim họ.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tượng Kodokushi - chết trong cô đơn cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản khi số người rơi vào tình trạng này ngày càng bị trẻ hóa. Theo giáo sư Tâm lý học Yuichi Hattori thuộc Đại học Nagasaki, chính văn hóa hà khắc, không chấp nhận những người ốm đau và sự phụ thuộc đã khiến nhiều người già rơi vào cảnh cô đơn và nhiều người trẻ tự tách mình ra khỏi xã hội.

Theo Thế giới và Việt Nam