Mê sự dễ thương của các nhân vật hoạt hình, Lâm Lê Khánh Hảo (1997) luôn ưu ái đặt ánh nhìn vào những tạo hình ngoài đời có nét tương đồng trong phim, nhất là tượng, xuất hiện trên đường phố, điểm đến mà cô đi qua.

Trong chuyến du lịch Nhật Bản, cô viếng thăm nơi yên nghỉ của ông Fujiko, họa sĩ vẽ nên bộ truyện tranh nổi tiếng, ở nghĩa trang Midorigaoka thuộc tỉnh Kanagawa. Bên cạnh ngôi mộ, tượng Doraemon là nơi người hâm mộ thường gửi thư qua khe bụng mèo máy. Họ cho rằng các bức thư sẽ được chuyển đến ông Fujiko.

 

Trước đây, Khánh Hảo chỉ chụp lại và chụp cùng các bức tượng thú để làm kỷ niệm. Sau này, khi du lịch nhiều nơi hơn, Hảo nhận thấy tượng thú ở từng nơi đều mang những thông tin thú vị, cùng một con mà có câu chuyện khác nhau. Do đó, cô quyết định tìm hiểu "thú vui" này.

Cô gái 23 tuổi đặc biệt thích mèo. Ngôi đền cổ Gotoku-ji ở Tokyo, nơi có khoảng 10.000 tượng mèo vẫy tay (Maneki Neko), là điểm đến không thể bỏ qua của Hảo.

 

Khánh Hảo cho biết, cô đặc biệt ấn tượng với các hình tượng thú ở xứ mặt trời mọc, do từ bé đã tiếp xúc chúng qua những nét vẽ dễ thương trong truyện tranh.

"Mèo Nemuri Neko đã nằm ngủ ở đền Nikko Toshogu từ thời Edo (thế kỷ 17 - 19), là tác phẩm của Hidari Jingoro - người dành cả thanh xuân để thờ và đẽo tượng mèo cho các đền, chùa", Hảo chia sẻ thông tin bức ảnh lên mạng bằng câu từ dí dỏm.

 

Bức tượng cú nhỏ nhắn được cô gái lưu tâm trong sở thú Ueno (Nhật Bản). Đây là con cú đưa linh hồn những con thú đã mất, và linh hồn trẻ em đến chơi cùng con thú mà bé từng yêu quý.

Hảo quan sát ai đi qua đây cũng dừng lại mặc niệm ít phút, bày tỏ lòng biết ơn những con thú chịu nuôi nhốt để mua vui cho loài người, và cầu nguyện cho những đứa trẻ. "Rất nể phục các phụ huynh khi đi ngang qua đã dặn dò con mình đi nhẹ nói khẽ, bày tỏ lòng trắc ẩn, tình yêu tự nhiên, để tụi nhỏ không chỉ biết hưởng thụ mà lớn lên còn biết bảo vệ và yêu thương, thật ý nghĩa", Hảo bày tỏ.

 

Một con rồng ở Nikko (Nhật Bản) đã "phun nước" như vậy cả mấy thế kỷ, ai cũng lấy nước ở đây rửa tay và mặt, Khánh Hảo mô tả.

Cô tìm hiểu, đây có thể là Công Phúc, là con thứ sáu của Rồng. Linh vật này thích nước nên thường được khắc trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, hòn non bộ, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn rồng tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.
Lâm Lê Khánh Hảo còn quan tâm những bức tượng thú ở Việt Nam. “Truyện dân gian nước ta thường xuất hiện nhiều loài vật, gắn với sự tích ở nơi nào đó. Do vậy, qua hình tượng thú, mình dễ dàng và hứng thú hơn khi tìm hiểu thông tin thay vì những câu chữ khô khan về lịch sử, kiến trúc…”, cô gái trẻ chia sẻ.

Đến Trà Vinh, Hảo tìm hiểu lý do rắn bảy đầu thường hiện diện ở nhiều ngôi chùa Khmer, qua đó biết thêm được tín ngưỡng thờ rắn.

 

Tượng rái cá đã mòn qua thời gian thu hút sự chú ý của Khánh Hảo, khi cô đến Lăng Mộ Quận Công Võ Di Nguy hơn 200 năm tại đường Cô Giang (quận Phú Nhuận, TP HCM).

Nơi đây thờ phụng vị Thủy sư đô đốc thời Nguyễn có liên quan đến rái cá cứu vua. Trong lúc chạy trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được hai con rái cá "dẫn lối" mà thoát nạn. Sau khi lên ngôi, ông lệnh phong cho hai con rái cá đó là Lang Thát nhị đại tướng quân. Sự kiện này được cho là nguồn gốc của tín ngưỡng thờ rái cá tại một số đình làng Nam Bộ.

 

Chiếc đôn hình voi có lẽ khá quen thuộc với nhiều người, nhưng chẳng mấy ai biết được nguồn gốc xuất xứ, Khánh Hảo nói. Theo cô tìm hiểu, đôn voi từng là sản phẩm đặc trưng của gốm Nam Bộ, tiêu biểu ở làng gốm Biên Hòa cả trăm năm.

 

Ngày bé mỗi lần không chịu ăn cơm, Hảo thường bị mẹ dọa "ông Cọp bắt bây giờ". Cô gái quê Tây Ninh sau này biết thêm tục thờ hổ và câu chuyện về hổ ở địa phương mình. Theo ghi chép trong sách Tây Ninh xưa, hổ còn lộng hành ở xứ này đến đầu thế kỷ 20. Ngay ở khu vực đông dân, cọp về rình bắt heo, bò, ngựa kéo xe.

 

Tại ngôi trường Khánh Hảo theo học, bốn con cóc trên chiếc trống đồng ở sảnh cũng vào danh sách "tượng thú" của Hảo. Cóc là linh vật có khả năng dự báo thời tiết. Tượng cóc trên trống đồng thể hiện sự ước mong của người nông dân về mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, Hảo tìm hiểu.

 

Sở thích check-in tượng thú giúp Khánh Hảo cảm thấy hứng thú hơn khi khám phá một điểm đến, cô cho biết.

Ngoài ra, Hảo còn quan tâm đến những bức tượng độc lạ mang câu chuyện kỳ bí, như dãy tượng ở Kanmangafuchi (Nhật Bản). Nơi đây là khu vực có nhiều người chết, người dân làm hàng trăm tượng để cúng. Tuy nhiên tương truyền rằng từ 18h, nếu ai đếm tượng sẽ thấy vài bức tượng biến mất hoặc hiện ra.

Theo vnexpress