Nếu phân tích một cách kỹ càng những điểm chung của "đam mê" và "thất bại" bạn sẽ thấy, những người đó sẽ:

Thừa tự tin nhưng thiếu sự chuẩn bị kĩ càng;

Thừa quyết tâm nhưng thiếu suy nghĩ cẩn trọng;

Thừa nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm; và

Thường hành động trước khi bản thân mình sẵn sàng do đang quá say đắm trong đam mê của chính mình.

Sự đam mê đôi khi khiến người ta ảo tưởng về năng lực của chính mình. Ảnh: Psychology Today.

Đam mê dễ khiến ta mù quáng

Khi một người đang có niềm đam mê trào dâng bên trong, sẽ có những biểu hiện thế nào?

Người đó sẽ nghĩ: "Tôi muốn trở thành người giỏi nhất trong ngành này. Tôi sẽ là người trẻ nhất đạt được thành tựu kia. Tôi là người duy nhất có thể làm được việc nọ."

Và biểu hiện của họ là lúc nào trông cũng bận điên cuồng và rất chăm chỉ. Họ có thể nói cho bạn một cách rất chi tiết thành công của họ sẽ như thế nào, khi nào họ đạt được thành công ấy, không những thế họ còn có thể miêu tả chi tiết cho bạn những khó khăn, gánh nặng từ việc họ thành công.

Nhưng cách mà họ thực hiện lại rất khác. Họ chỉ nghe những điều mình muốn nghe. Chỉ làm những điều mình muốn làm. Cùng với niềm tin mãnh liệt rằng mình chắc chắn thành công và sẽ không có một rủi ro nào cả.

Kết quả: Thường là chẳng có một kết quả cụ thể nào cả. "Tại sao luôn bận bịu mà chẳng có thành quả gì?" "Ừ thì, họ chỉ bận mơ về thành công là chính chứ có làm được gì hiệu quả đâu". Và đôi khi họ còn tự đưa mình vào tình huống "sống dở chết dở", hoặc phải đối diện với một mớ hỗn độn mà họ chưa bao giờ chuẩn bị tinh thần để đối phó.

Một câu chuyện mình chứng cho việc theo đuổi niềm đam mê thì có lẽ nên là câu chuyện của Christopher McCandless, chàng trai trẻ đã quyết tâm thực hiện niềm đam mê một mình khám phá thế giới hoang dã.

Năm 1990, ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học, Christopher McCandless, với niềm đam mê phiêu lưu cháy bỏng, đã một mình lái xe đi phiêu lưu khắp nước Mỹ.

Theo hồi kí của Christopher, anh ta là "kẻ du hành duy mỹ cực đoan, coi đâu cũng là nhà; người đang đối diện với cuộc chiến khốc liệt cùng cái tôi giả tạo bên trong để vinh quang kết thúc cuộc cách mạng tinh thần".

Christopher đã lái xe du hành qua rất nhiều miền nước Mỹ cho đến khi chiếc xe bị lũ phá hủy, Christopher vẫn tiếp tục hành trình bằng cách đi nhờ xe đến những vùng đất tiếp theo.

Tháng 4 năm 1992, Christopher muốn khám phá Stampede Trail, một cung đường khó trong rừng Alaska. Để ý thấy Christopher chỉ có "hành trang nhỏ gọn, thiết bị cần thiết chỉ ở mức tối thiểu, lương thực ít ỏi và chắc chắc là không đủ kinh nghiệm", người lái xe cho anh đi nhờ đã hết lời khuyên can rằng hãy hoãn chuyến đi này lại, và đề nghị rằng nếu anh vẫn quyết tâm đi thì hãy để ông giúp anh chuẩn bị hành trang cần thiết đã.

Christopher bỏ ngoài tai lời khuyên của người lái xe, từ chối lời đề nghị giúp đỡ và nhất quyết lên đường. Tháng 9 năm 1992, một nhóm thợ săn nai đi tìm chỗ trú ẩn buổi đêm và vô tình đến nơi Christopher đã sống, họ phát hiện ra một thứ mùi kinh khủng và họ tìm thấy xác của Christopher đang phân hủy trong túi ngủ.

Kết quả pháp y cho thấy rằng khi chết, Christoper chỉ nặng có khoảng 30,8 kg và nguyên nhân dẫn đến cái chết là... đói. Câu chuyện về cái chết của Christopher gây ra rất nhiều tranh cãi, với những người theo chủ nghĩa sống vì đam mê thì đây là câu chuyện đáng ngưỡng mộ, còn với những người khác thì đây là sự hủy hoại bản thân.

Bức ảnh tự chụp cuối cùng của Christopher McCandless trong Stampede Trail. Người ta tìm thấy bức ảnh vẫn nằm trong máy ảnh khi tìm thấy xác chàng thanh niên này.

Biến đam mê thành thành công bằng cách nào?

Để đam mê của ta có thể biến thành những thành tựu thực sự, ta cần thêm hai yếu tố quan trọng khác, đó chính là "mục đích" và "tính thực tế".

Đam mê giống như sức mạnh của ta trong thời kì ta trẻ khỏe nhất, nó cho ta khí thế hừng hực nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho ta một niềm tin mù quáng rằng ta có thể thực hiện được mọi ước mơ, dù cho đó là ước mơ bất khả thi nhất. Nếu chỉ có đam mê thôi, có lẽ ta sẽ thất bại. Mục đích và tính thực tế là những điều giúp ta biến đam mê thành hiện thực. Mục đích chính là đam mê được đặt trong giới hạn khả thi. Còn tính thực tế giúp ta có góc nhìn đa chiều và biết dừng lại đúng lúc.

Người thành công là người có đầy đam mê nhưng rất kỉ luật.

Họ ép bản thân họ làm việc cả vào những lúc họ mấy hứng và chán nản. Họ liên tục đặt câu hỏi để tìm kiếm yếu tố có thể gây thất bại. Họ luôn học hỏi kinh nghiệm mới. Họ lên kế hoạch cho rủi ro. Họ luôn tìm cách để làm tốt hơn nữa. Thường thì họ bắt đầu với những bước nhỏ, hoàn thành chúng, tìm kiếm phản hồi để đảm bảo rằng những bước tiếp theo sẽ trở nên tốt hơn. Họ hoàn thành đến đâu, họ chắc chắn đến đó, và càng ngày càng hoàn thiện việc mình làm.

Ai cũng muốn đam mê của mình trở thành hiện thực, nhưng hãy coi đam mê là công việc quan trọng cần được thực hiện với sự quyết tâm và suy tính cẩn trọng chứ không phải là sự thiếu kinh nghiệm, thiếu sự chuẩn bị và hành động khi chưa sẵn sàng.

Hãy nhớ rằng "đam mê nhiệt huyết" đôi khi là một cách nói hoa mỹ để nói về một "kẻ điên".

Theo vnexpress