"Tôi vừa sốc, vừa ghê tởm, vừa buồn vì mình gặp phải chuyện như thế", Ling nói, kể lại cảnh bị gã nhổ vào mặt hồi đầu tháng 5. "Nhưng tôi biết mình không phải người duy nhất gặp chuyện như thế này".

Từ khạc nhổ đến tấn công bằng bạo lực và lời nói, cũng như phá hoại các tụ điểm văn hóa Trung Quốc, người gốc Hoa, vốn chiếm tới 26% dân số Vancouver, thành phố lớn thứ ba của Canada, cảm thấy ngày càng bất an và không được chào đón.

                                                          Trixie Ling hôm 22/5 đứng tại nơi cô bị một kẻ lạ mặt thóa mạ hồi đầu tháng. Ảnh: AFP.

Khảo sát trên 1.600 người của ResearchCo cho thấy 25% người gốc Á tại tỉnh British Columbia ở Canada (trong đó người gốc Hoa chiếm khoảng 70%) cho biết trong gia đình có người là mục tiêu của những lời lẽ phân biệt chủng tộc từ tháng 3 tới nay. 

Cảnh sát Vancouver cũng đang điều tra 29 vụ kỳ thị người gốc Á trong hai tháng qua, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một người Vancouver từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc trong thời kỳ Covid-19 đã xây dựng một mẫu đơn trình báo trực tuyến để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình một cách ẩn danh.

Ellen, một người giấu họ, cho biết đơn trình báo trực tuyến này sẽ giúp khởi động chiến dịch chống phân biệt chủng tộc.

"Những lời lẽ thóa mạ đó rất tục tĩu, không phù hợp và đầy tính xúc phạm. Tôi đã phải nghe khá nhiều, chủ yếu là những lời sỉ nhục đặc điểm của người châu Á", cô nói. "Cứ nghĩ đến cảnh chuyện này có thể xảy ra với mình là tôi lại lo lắng, sợ hãi và buồn phiền".

Một tượng sư tử đá trước cổng khu phố người Hoa có lịch sử 125 năm ở Vancouver tuần trước đã bị phá hoại, sơn đầy chữ "Trung Quốc" và "Covid". Cửa sổ một trung tâm văn hóa Trung Quốc gần đó cũng bị phá hoại. Cảnh sát đã lắp đặt camera giám sát trong khu vực này.

Bryan Adams, ca sĩ người Canada, đổ thêm dầu vào lửa bằng thông điệp đổ lỗi Covid-19 cho "thói ăn thịt dơi, chợ bán thịt động vật bẩn thỉu và những kẻ tham lam chế tạo virus". Adams sau đó phải xin lỗi vì bài đăng "phân biệt chủng tộc".


                                             Tượng sư tử đá bị phá hoại trước cổng khu phố người Hoa tại Vancouver hôm 21/5. Ảnh: AFP.

Sự căm ghét còn lan sang cả những người gốc Á bị nhầm là người gốc Hoa, bao gồm người Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Khảo sát của ResearchCo cho thấy 24% người Nam Á bị lăng mạ bằng lời lẽ phân biệt chủng tộc. Thậm chí người bản địa cũng trở thành mục tiêu.

"Tỷ lệ này cao tới mức đáng kinh ngạc. Tôi đã phải tính toán lại để đảm bảo mình không nhầm lẫn", Mario Canseco, người thực hiện khảo sát, nói. "Hiện tượng đổ lỗi cho cả một chủng tộc về chuyện đang diễn ra khiến người ta quan ngại".

Dakota Holmes, một người bản địa sống ở Vancouver, từng bị một người đàn ông hét lên "về Trung Quốc của mày đi" rồi đấm vào đầu khiến cô ngã dúi dụi xuống đất, sau khi Holmes hắt hơi vì dị ứng thời tiết.

"Ông ta toàn nói những lời lăng mạ chủng tộc", Holmes nhớ lại. "Dù tôi nói mình là người bản địa, không phải người gốc Á, ông ta không thèm quan tâm".

John Horgan, người đứng đầu tỉnh British Columbia, đã lên án các hành vi thù ghét đang gia tăng là "không thể chấp nhận", nói rằng "phân biệt chủng tộc là một loại virus" và "thù ghét không có chỗ trong tỉnh chúng ta".

Một số người cho rằng những hành động phân biệt chủng tộc không đơn giản diễn ra nhất thời, mà là những định kiến xã hội tồn tại từ lâu nay nổi lên nhờ Covid-19.

Nhớ lại vụ mình bị tấn công, Ling cảm giác trong người "bùng lên ngọn lửa" phải lên tiếng. "Người ta sợ ra ngoài không phải vì Covid-19 mà vì màu da", cô nói. "Điều quan trọng nhất với tất cả chúng ta là hành động khi nhìn thấy có chuyện xảy ra, không cần xấu hổ hay im lặng, vì nhiều người lên tiếng mới tranh đấu được với nạn phân biệt chủng tộc".

Covid-19 đã xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 5,7 triệu người nhiễm và hơn 352.000 người chết. Canada ghi nhận gần 87.000 ca nhiễm và hơn 6.600 ca tử vong.

Theo vnexpress