Sang Mỹ 25 năm trước theo đuổi ước mơ học hành, chị Mai Liên mang theo ký ức về khu vườn của mẹ thuở bé trong căn nhà ở Thủ Đức (TP HCM). Dù là lúc đi học hay sau này lập gia đình có con nhỏ, chị vẫn có một khu vườn trồng các loại hoa và rau Việt. "Mẹ tôi hay nói 'đói ăn rau, đau uống thuốc'. Nên dù bận thế nào tôi cũng làm một khu vườn như ngày còn thơ", chị Mai Liên, 45 tuổi, sống tại Seattle chia sẻ.
Khoảng 10 năm trước vợ chồng chị mua được ngôi nhà mới có vườn rộng khoảng 1.000 m2. Vườn trước toàn những cây thông lớn còn vườn sau có cả trăm cây ăn quả như táo, lê, cherry nhưng đa phần đều đã cằn cỗi. Anh chị phải lên kế hoạch mở rộng và cải tạo từng khu. Việc nặng như cưa cây, lót gạch thì ông xã phụ trách, còn việc trồng cây và tưới nước có các bé phụ mẹ.

 

Nhà nằm ngay đầu dốc với nhiều đá tảng, quá trình đào đất trồng cây khá gian nan. Nhất là vườn sau có độ nghiêng lớn nên đất dễ bị sạt lở. Mỗi năm chị Liên phải đổ 2 xe đất hữu cơ để cải tạo. Chị làm việc cho một công ty sinh học còn ông xã là thợ máy cơ khí cho hãng Boeing đều bận nên họ chỉ có thể làm vào cuối tuần.

Song với chị, khó khăn lớn nhất là vượt qua nỗi sợ côn trùng sâu bọ và rắn rết. Bao lần gặp rắn, gặp sâu hay ốc sên là chị hoảng hốt bỏ chạy. "Có năm rắn sọc nhiều quá, tôi đã sợ đến độ nhủ thầm, một là dẹp vườn, hai là mua nhà khác. May thay khi dẹp bỏ các bụi tre, chặt cây cho thoáng thì năm sau không còn rắn nữa", chị Mai Liên chia sẻ.

Mùa đông, người phụ nữ gốc Việt mặc đồ đi trượt tuyết ra vườn cặm cụi chôn củ hoa tulip, thuỷ tiên, hải quỳ... Tháng 3 xuân sang, hoa anh đào nở là đến mùa làm vườn, với đủ các công việc từ cuốc đất, cắt tỉa các bụi hoa hồng, bón phân, thay đất cho vụ mùa mới, đến ươm hạt giống chuẩn bị cho vụ hè. Để không đảo lộn nhịp sinh hoạt của gia đình, chị Liên ngủ ít lại, dành vài tiếng mỗi ngày làm vườn.

"Vì tôi trồng quá nhiều hoa và rau quả nên chồng hay cứ hay bảo không được mua cây nữa. Mỗi lần khiêng cây về tôi phải giấu vào góc khuất. Lâu lâu anh ấy ra vườn thấy khoảng cỏ đã bị mất, thay vào đấy là những khóm hoa, đến lúc này thì việc cũng đã rồi", chị cười kể.

Sau 10 năm tự tay gây dựng, khu vườn đã có phần ổn định, những lối đi được lót gạch sạch sẽ. Vườn trước nhà rực rỡ với các khóm hoa hồng, thược dược, cẩm tú cầu, hoa treo và nhiều loại hoa nở theo mùa như tulip, hải quỳ, thuỷ tiên, cúc, dạ yến thảo...

Khu vườn phía sau có khu cây ăn trái và vườn rau, giàn bầu, bí, mướp, su su. Mỗi năm chị Liên tách ra nhiều giống rau, củ gửi tặng đồng hương nhiều bang trên nước Mỹ.

Mấy năm nay anh không than phiền nữa, vì hầu như mỗi ngày hàng xóm đi ngang đều khen vườn của anh chị. Các nhà xung quanh ít ai có vườn hoa, vườn rau đẹp như của anh chị.

"Có hôm cả nhà xem camera trước nhà mà cười khúc khích khi thấy anh Mỹ da trắng chạy bộ ngang nhà móc điện thoại ra chụp ảnh "tự sướng". Các bạn giao hàng của Amazon hay pizza, cũng rất hay xin phép ra vườn chụp hình hoa", chị kể.

Cũng nhờ khu vườn, chị Mai Liên đã kết nối được với nhiều người Việt trên khắp nước Mỹ. Họ thường xuyên tề tựu, ngắm hoa, thưởng thức món Việt và đang lên kế hoạch xây dựng một khu vườn Việt trên đất Mỹ.

Giờ đây, không chỉ mùa xuân và hè khu vườn mới rực rỡ, mùa thu các cây lớn sau vườn chuyển màu vàng đỏ. "Khung cảnh mùa đông tuyết phủ khu đồi trước nhà như một bức tranh trong thiệp Christmas. Đến lúc này mới thấy vẻ đẹp của triền dốc và các cây thông", chị Liên chia sẻ.

Điểm đặc biệt trong khu vườn của Mai Liên là có hơn 100 gốc hồng cổ thụ. Hoa nở tưng bừng từ tháng 5 đến tháng 10. Chị Liên kể, để có được vườn hoa ngày hôm nay có công lớn của người bạn thời trung học. Gần chục năm trước, chị với người bạn này kết nối lại được với nhau qua Facebook. Một năm bạn sang chơi, chị đã lái xe đưa bạn đi khám phá khắp tiểu bang Washington.

"Khi đến thăm một vườn hồng, bạn tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Cô ấy đọc tên từng loại, không ngừng kêu lên hoa đẹp quá, to quá, thơm quá. Cô bạn mua 10 cây hồng bảo sẽ mang về Việt Nam trồng, song hóa ra tất cả những bụi hoa đó đã được hai đứa hì hục đào hố trồng trong vườn của tôi", chị kể.

Theo vnexpress