Ảnh minh họa - Shutterstock

"Lớn lên em muốn làm nghề chi?". "Em muốn đi châu Âu với bố mẹ". Đó là đoạn hội thoại ngắn của tôi và một đứa bé hàng xóm trong lần về thăm quê ngoại ở một xã nhỏ của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đầu năm 2018. Đã 5 - 6 năm rồi tôi không về đây. Ở tuổi 24, tôi về thăm quê ngoại mới chỉ khoảng 3 - 4 lần. 

Những người lớn lần lượt rời quê, đi châu Âu

Mẹ tôi đi châu Âu xuất khẩu lao động từ lúc tôi mới 4 tuổi. Ngày đó ở quê mẹ, có nhiều người đổi đời nhờ đi Tây. Sau này tôi chỉ nghe kể là mẹ được một người chị họ giúp đỡ qua đó làm ăn. Mà mẹ đi qua bằng đường nào, hợp pháp hay không tôi cũng chẳng rõ.

Tôi sống với nhà nội từ bé nên việc thiếu mẹ cũng không quá to tát như nhiều người vẫn nghĩ. Ký ức tuổi thơ về mẹ chỉ là những cuộc điện thoại mẹ tôi gọi về nhà hàng xóm rồi bác hàng xóm í ới gọi tôi qua nghe. Thi thoảng, mẹ hỏi tôi có thích gì không để mẹ gửi về. Có lần tôi xin mấy cái kẹp tóc, có lần tôi lại bảo thích mấy con búp bê. Bác hàng xóm nghe vậy hay đùa “răng mi không xin cấy (cái - PV) ô tô hay máy bay? Mẹ mi ở Tây giàu lắm”. Ở tuổi đó tôi còn chẳng hiểu giàu là gì và hình như cũng chưa bao giờ tôi hỏi mẹ cuộc sống ở châu Âu như thế nào, mẹ làm ăn có được không?

Tôi nhớ lần đầu tiên về thăm quê ngoại là lúc tôi khoảng 10 tuổi. Mẹ về nước và lên nhà bà nội xin phép dẫn tôi về quê mẹ chơi. Quê mẹ ngày đó vẫn còn nghèo lắm. Khi nhà nội tôi đã có nhà vệ sinh tự hoại từ lâu thì ở nhà ngoại vẫn dùng bệ xí kiểu cũ. Mẹ là người đầu tiên trong gia đình đi nước ngoài (không tính họ hàng). Ngày đó các cậu, các dì vẫn còn ở nhà làm nông hay đi xây, đi phụ hồ kiếm tiền cho con cái đến trường. Dù không khá giả gì nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng ấm cúng, nhộn nhịp.

Khoảng 4 - 5 năm sau, tôi về thăm quê ngoại một lần nữa. Lần này là bố tôi chở về. Dù bố mẹ đã ly hôn nhưng bố vẫn chở tôi về quê để thắp hương cho bà cố mới mất. Tôi thấy ngoại có nhà mới, to đẹp và khang trang hơn nhiều. Xung quanh đó, nhà lầu cũng mọc lên nhiều hơn. Nhà chỉ còn bà ngoại và gia đình dì út. Hai cậu lớn đã sang châu Âu theo một con đường nào đó thì tôi cũng chẳng rõ. Bà bảo nhà này là cậu hai gửi tiền về cho bà xây. Nhà bà cũng đã có điện thoại để các cậu tiện gọi về hỏi thăm gia đình.

Xã Đô Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) trở nên giàu có nhờ những người lao động từ nước ngoài - Khánh Hoan

Vài năm sau, mẹ tôi lập gia đình mới ở bên đó. Mẹ lấy một người Việt Nam cũng đi xuất khẩu lao động như mẹ. Mọi người hay hỏi tôi có buồn không khi mẹ có gia đình mới. Tôi luôn lắc đầu vì tôi hiểu mẹ đã cô đơn và mệt mỏi thế nào sau mười mấy năm lăn lộn một mình ở trời Tây. Không lâu sau, em trai tôi ra đời, mang quốc tịch một nước châu Âu.

Mẹ tôi không có ý định sẽ ở mãi bên đó nên chuyện em tôi có giúp mẹ ở lại được hay không cũng chẳng quá quan trọng. Mẹ bảo làm ăn bên đó ngày càng khó khăn, đợi kiếm đủ vốn mẹ sẽ về Việt Nam mở quán sá để kinh doanh. Em trai tôi được 4 tuổi thì mẹ đưa về Việt Nam cho bà ngoại nuôi còn mẹ và dượng thì vẫn tiếp tục ở nước ngoài làm ăn.

Ngoại U.70 một mình chăm 4 đứa trẻ

Lần gần nhất tôi về quê ngoại thì nhà ngoại chỉ còn lại một mình và 4 đứa trẻ con. Dì út cũng đã đi nước ngoài. Tất nhiên bà chẳng cần làm lụng để kiếm tiền nữa vì đã có cậu, dì và mẹ tôi gửi tiền để bà chăm cháu nhưng việc một mình chăm sóc cả 4 đứa trẻ đang tuổi ăn học vẫn là quá sức với người phụ nữ gần 70 tuổi.

Tôi không biết bọn trẻ có buồn không khi không ở cạnh bố mẹ, chỉ thấy bọn chúng nô đùa thả ga cả ngày vì bà không đủ sức quản hết. Thời đại công nghệ phát triển, bọn trẻ vẫn có thể nói chuyện với bố mẹ hằng ngày bằng video call. Bà ngoại tôi được “cấp” hẳn một cái smartphone và một cái ipad để lỡ cái này có vấn đề thì xài cái kia để liên lạc ra nước ngoài. Ở cái xóm nhỏ này, hầu như gia đình nào cũng có người đi Tây. Nhà ít thì một vài người, nhiều thì đi gần như cả nhà, chỉ còn người già và trẻ con ở lại như nhà ngoại tôi.

Mỗi ngày thức dậy, bà phát cho mỗi đứa 10 ngàn dồng ăn sáng. Những đứa lớn thì tự đi học, đứa nhỏ thì bà nhờ hàng xóm chở đi cùng con người ta. Một mình bà ở nhà lại tất bật lo cơm nước để chờ bọn trẻ trưa về ăn cơm.

Mẹ tôi từng băn khoăn rất nhiều khi đưa em tôi về đây sống. Mẹ bảo ở vùng này không có phong trào học tập gì hết. Trẻ con ở đây được tiêm vào đầu suy nghĩ nếu học không giỏi thì lớn lên lại đi Tây như bố mẹ chúng. Nhưng rồi mẹ vẫn phải để em trai tôi lại đây vì không còn lựa chọn nào khác. Em đã đến tuổi phải đi học. Tôi hỏi mẹ tại sao mẹ không về đây ở hẳn để nuôi dạy em tôi. Mẹ đã có nhà, có đất, có tiền tích góp thì cuộc sống của mẹ ở quê đâu còn là vấn đề như trước nữa. Mẹ bảo mẹ ở nước ngoài quen rồi, làm mãi một công việc rồi, giờ về lại không biết làm gì nữa.

Mấy tháng trước, con trai dì tôi đuối nước lúc tắm sông sau giờ học. Bà ngoại ở nhà suy sụp lắm. Dì biết tin khóc ngất lên ngất xuống ở bên Tây mà không về được. 3 đứa trẻ còn lại giờ sẽ có mãi một khoảng trống ở đó vì người anh, người bạn mà chúng nô đùa cùng hằng ngày sẽ mãi không về.

Tôi không chắc liệu bi kịch đó có xảy ra không nếu dì tôi vẫn ở nhà. Không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai. Nếu có lựa chọn tốt hơn, chắc chắn mẹ tôi, dì tôi hay những người khác đã không rời bỏ quê hương, rời bỏ con cái để tha hương như vậy.

Em tôi may mắn thông minh, lanh lợi và học tốt. Tôi mong em học giỏi, sau này có nghề nghiệp tốt, có cuộc sống ổn định. Tôi hy vọng em có thể đi Tây nếu em muốn nhưng đó sẽ là hành trình tiếp thu văn hoá, tri thức phương Tây bổ ích và hợp pháp.

Theo thanhnien