Các tòa nhà đang xây dựng tại Hải Nam 

Reuters ngày 22-6 dẫn thông báo trên trang web của chính quyền Hải Nam cho biết sẽ lập một "khu tập trung" đặc biệt cho khách du lịch nước ngoài để họ có thể truy cập các trang mạng trên.

Dẫu vậy, thông tin này lập tức vấp phải sự phản ứng của cộng đồng mạng Trung Quốc bên trong "trường thành". "Đây là sự phân biệt đối xử nghịch lý rõ ràng và khinh suất. Đúng là rác rưởi" – một tài khoản trên mạng Weibo của Trung Quốc tỏ ra bất bình.

Đây được coi là một động thái hiếm hoi so với quy định chung của Trung Quốc về quản lý Internet nhưng không quá bất ngờ. Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố muốn biến Hải Nam thành khu thương mại tự do quốc tế vào 2020. Tuyên bố đã lập tức làm bùng lên cơn sốt bất động sản tại tỉnh miền nam này.

Hải Nam ngày 21-6 cũng công bố kế hoạch tăng 25% số khách du lịch hàng năm lên ít nhất hai triệu khách vào năm 2020 và quảng bá du lịch trên các trang nước ngoài như BBC, CNN.

Ngoài ra, tỉnh này còn đẩy mạnh hỗ trợ để tăng các tuyến bay quốc tế thẳng đến và từ Hải Nam lên 100 tuyến trong hai năm tới và bỏ lệnh cấm người nước ngoài đầu tư vào hàng không, đường sắt và vận chuyển đường thủy.

Hải Nam cũng sẽ đảm bảo các thẻ của hai công ty thẻ MasterCard và Visa sẽ sử dụng được tại các điểm du lịch lớn, khách sạn, cửa hàng trên đảo từ năm sau.

Tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi việc Hải Nam có thể lột xác thành một phiên bản như Hong Kong.

Năm 2017, tổng cộng có 67 triệu du khách thăm Hải Nam, tăng gấp đôi so với năm 2012, và chi tiêu khoảng 81 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ USD). Nhưng chỉ có 1 triệu lượt khách đến Hải Nam là người nước ngoài. Để so sánh, đảo Bali của Indonesia có diện tích chỉ bằng 1/6 Hải Nam nhưng tiếp đón đến 5 triệu khách quốc tế trong năm 2016.

Nhà kinh tế Liu Yong nhận xét các điểm và cơ sở du lịch của Hải Nam không thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Thái Lan vì giá cả đắt đỏ, chất lượng dịch vụ tồi và hạ tầng yếu kém.

Theo Tuổi trẻ