Đoàn tàu Jungfraubahn đỏ chói đón khách.

Từ máy bay đến xe điện leo núi...

Sau chuyến bay kéo dài gần 11 tiếng từ Bangkok đến Zurich, chúng tôi ra khỏi cảng hàng không của một trong  top 10 sân bay quốc tế tấp nập nhất thế giới và chỉ sau 5 phút đi bộ đã đến nhà ga xe lửa, ngay dưới lòng đất của sân bay. Chúng tôi đưa mắt quan sát nhanh các biển báo để biết phải kéo vali đến bục số mấy hòng leo lên đúng đoàn tàu nào, chạy về đâu.

Ở khắp Thụy Sĩ, đất nước khiêm tốn về diện tích nhưng nổi tiếng là nơi mọi chuyện đều vận hành cực kỳ chính xác, các đoàn tàu hỏa (từ lâu đã không còn chạy bằng than đá, củi đốt nhưng chúng ta vẫn quen miệng gọi là đi xe lửa) đến và đi được tính theo từng phút. Không phải tính chẵn kiểu như 10g5 hay 10g15 hay 11g mà là 10g4 hoặc 10g57. Bạn chỉ có từ 3 - 6 phút để di chuyển nhanh, đổi tàu. Du khách nào lỡ mang theo vali to nặng mà lại không có thói quen thể dục hằng ngày chắc chắn sẽ rất khó khăn di chuyển.

Kia rồi, đoàn tàu số 810 di chuyển về hướng Brig đã đậu sẵn ở bục số 3 trong nhà ga sân bay Zurich (Zurich Flughafen). Hành lý vừa chất vội lên toa hạng nhất, cánh cửa đóng xịch, tàu sắp lăn bánh. Đồng hồ chỉ 8g40, y như đã ghi trong chương trình du hành của đoàn chúng tôi.

Ngồi chưa hết mỏi thì tàu đã dừng ở nhà ga của thủ đô Bern, trên bục số 5 lúc 9g58. Lại kéo lê vali chạy nhanh sang bục số 4 để kịp lăn bánh với đoàn tàu 963 đi về hướng Interlaken Ost, khởi hành lúc 10g4, tức chỉ có 6 phút để đổi tàu, và chúng tôi đến Interlaken Ost lúc 10g57.

Đoàn tàu Bernese Oberland ở nhà ga Grindelwald

Thị trấn du lịch nhỏ nhoi, xinh xắn này có cái tên thật hay giữa hai hồ, đầy đủ ý nghĩa với thực tế của nó do tọa lạc giữa hai hồ nước thiên nhiên rộng lớn, trong vắt là hồ Brienz bên trái và hồ Thun bên phải.  Chớm hè, đến Interlaken đúng ngày nắng đẹp, du khách hòa nhập bất kể màu da, ngôn ngữ rảo bộ dọc theo phố chính, ngắm hoa, chụp ảnh, chọn mua đồng hồ trong Kirchhofer bán lẻ hơn 100 nhãn đồng hồ Thụy Sĩ các loại.

Những cánh dù lượn lờ tiếp nhau hạ xuống thảm cỏ xanh rì của không gian có tên là Adventure Park. Nhà hàng Schulh đầy khách nhàn du quanh những chiếc bàn phủ khăn vàng rơm tuyệt đẹp. Nếm thử món fondue (phô mai, vang trắng, tỏi, bánh mì) nổi tiếng của Thụy Sĩ kèm với chai vang trắng của vùng Valais thật thơm ngon. Interlaken tỏa nắng hè đón khách thật tuyệt và Thụy Sĩ đúng là đất lành. Đàn chim sẻ vừa thấy thực khách rời khỏi bàn đã xà xuống, thi nhau nhặt nhạnh mẩu bánh mì.


                  Đoàn tàu Wengeralp vòng vo trên cỏ xanh lên núi cao

Nhưng Interlaken mới chỉ là trạm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài, trải qua nhiều chuyến tàu thú vị khác nữa, nếu như đích đến của bạn là đỉnh Jungfraujoch. Chúng tôi quay trở lại nhà ga, leo lên đoàn tàu địa phương Bernese Oberland sơn 2 màu vàng và xanh đại dương chạy về Grindelwald, thị trấn hoàn toàn dành cho du lịch với vai trò "căn cứ" cho các chuyến xuất hành khám phá toàn vùng núi Jungfrau.

Bình minh trên núi

Trước mắt là núi, bên trái là núi, bên phải là núi và sau lưng cũng là núi, tôi thức giấc trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với ánh dương đầu tiên. Thật xứng danh vùng núi Jungfrau, chóp đỉnh châu Âu tuyệt đẹp, bầu không khí trong lành, mát rượi. Cầm ly cà phê thơm nóng trong tay, ra terrace ngắm cảnh và chụp ảnh.

Khách sạn Romantik Schweizerhof của gia đình Thụy Sĩ xây dựng và đón khách từ năm 1892 tọa lạc nơi thật thi vị. Thiết kế đúng kiểu chalet (nhà gỗ ở miền núi) Thụy Sĩ truyền thống, màu ấm vàng, đỏ hài hòa với cảnh quan xứ lạnh, Romantik tự hào là khách sạn đã tiếp nhiều cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật.

Và còn hãnh diện vì có nhà hàng mới được cẩm nang du hành nổi tiếng Michelin vinh danh năm 2018. Đây chính là nơi chúng tôi về ngủ yên sau những ngày vòng vo lên thăm các đỉnh núi bằng đủ các phương tiện, từ xe điện bình thường qua xe điện chạy trên đường ray có hàng răng cưa ở giữa và không thiếu xe tramway, cáp treo...

Nếu như các đoàn tàu vàng, xanh đại dương Bernese Oberland đã bắt đầu hoạt động từ tháng 7/1890, chuyển từ đầu máy hơi nước sang tàu điện 1500v kể từ tháng 3/1914 và ngày ngày chuyển dịch du khách từ Interlaken Ost đến Grindelwald, và từ Grindelwald đến làng du lịch trên núi cao Lauterbrunnen, thì để lên được đỉnh Jungfraujoch tuyết trắng quanh năm lại cần đến hệ thống xe lửa khác.


                               Du khách ngóng chờ tàu lên núi

Đó là các đoàn tàu của công ty đường sắt Jungfraubahn sơn màu đỏ chói, nối nhà ga Kleine Scheidegg với Jungfraujoch trên đường ray có hàng răng cưa dài 9,3km, xây dựng từ năm 1896 đến 1912 mới hoàn tất. Mà muốn đến được Kleine Scheidegg thì chúng tôi còn phải di chuyển từ Grindelwald trên đoàn tàu Wengeralp sơn 2 màu vàng và xanh lá cây, cũng chạy trên đường ray có hàng răng cưa.

Đây cũng là một trong những kỳ công của ngành hỏa xa Thụy Sĩ nói chung và là công trình đáng nể của ông Adolf Guyer-Zeller, biệt danh là "Vua đường sắt". Trong chuyến dã ngoại trên các triền núi cao, ông đã có ý tưởng táo bạo là phá núi đá, đào đường hầm xuyên thấu 2 ngọn núi Eiger và Monch để vươn cao lên đến đỉnh Jungfrau.

Cư dân địa phương đồng tình vì hiểu được hệ thống đường sắt sẽ giúp vùng đất hẻo lánh nơi họ sinh sống trở thành địa chỉ thu hút du khách quốc tế. Công ty hỏa xa Wengeralp được khai sinh cách nay đúng 125 năm, cũng vào tháng 6 và những nhát cuốc đầu tiên va mạnh vào núi đá bắt đầu vang lên ngày 27/7/1896. Khoảng 100 công nhân được huy động, đa số đến từ Ý.

Vượt qua nhiều thử thách, nhiều sinh mạng mất đi, từng trạm, từng trạm dần hình thành để rồi nhà ga xe lửa ở độ cao nhất toàn châu Âu đã khánh thành vào ngày 1/8/1912. Ngày nay, nhà ga ấy mỗi năm đón trung bình 1 triệu du khách đến từ khắp châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á. Có dịp, bạn hãy là một trong số du khách ấy đến với Jungfraujoch.

Theo Doanh nhân Sài Gòn