Song đã tới Hàn Quốc cách đây ba năm, nhưng cô gái 19 tuổi đến từ Trung Quốc chỉ có hai người bạn Hàn Quốc. Cô cũng dễ bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt, như có người hỏi cô có phải người Trung Quốc vì giọng nói khác biệt. 

"Tôi cảm thấy rất buồn vì điều đó", Song chia sẻ.

Giống như hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên chạy trốn nạn đói ở quê nhà, mẹ của Song trốn sang Trung Quốc tìm kế sinh nhai cuối những năm 1990. Nhiều người trong số họ bị lừa bán làm cô dâu cho các nông dân Trung Quốc, trước khi trốn đến Hàn Quốc, quốc gia nằm ở phía nam bán đảo liên Triều và luôn mở rộng cánh cửa với người tị nạn Triều Tiên. 

Họ luôn sống trong nỗi sợ hãi bị bắt và trả về Triều Tiên. Họ thường phải bỏ lại con cái ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến đi đầy rủi ro tới Hàn Quốc.

Những người may mắn, sau khi kiếm được việc làm và tiết kiệm được một khoản tiền, đã thu xếp để chồng và con cùng tới Hàn Quốc. Nhưng nhiều đứa trẻ khác bị bỏ rơi, hoặc cha của chúng từ chối rời quê hương tới nơi xa lạ, không người thân thích. Các cuộc đoàn tụ gia đình ở Hàn Quốc nếu có thể xảy ra thường cũng mất nhiều năm. Điều đó đồng nghĩa những đứa con lai Trung Quốc - Triều Tiên phải tự lo cuộc sống thời niên thiếu.

Song Hong Ryon trong cuộc phỏng vấn của AP tại trường Great Vision ở Uijeongbu, Hàn Quốc hồi tháng 11/2019. Ảnh: AP.

Song Hong Ryon trong cuộc phỏng vấn của AP tại trường Great Vision ở Uijeongbu, Hàn Quốc hồi tháng 11/2019. Ảnh:AP.

Song mới 10 tuổi khi mẹ cô rời nhà ở Diên Cát thuộc tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc năm 2010. Một năm sau, bố cô cũng đến Hàn Quốc và để lại cô ở với ông bà nội.

"Khi mẹ bỏ đi, tôi đã không khóc. Nhưng lúc bố rời đi, tôi đã khóc rất nhiều, bởi cảm thấy mình thật cô đơn", Song nhớ lại.

Năm 2016, Song đoàn tụ với mẹ ở Hàn Quốc sau 6 năm xa cách. Nhưng chưa được bao lâu thì mẹ cô qua đời vì ung thư phổi tháng 12 năm ngoái.

"Tôi đã trách móc Chúa tại sao để những bất hạnh này xảy đến với tôi", Song nói. 

Tại Hàn Quốc, những đứa trẻ như Song phải đối mặt với nhiều khó khăn như khác biệt văn hóa, rào cản ngôn ngữ, sự thờ ơ của những người xung quanh và sự thiếu quan tâm của chính phủ. Nhiều người trong số họ cảm giác là kẻ ngoài cuộc và bị bỏ lại phía sau. Không ít người chọn quay về Trung Quốc và một lần nữa sống xa cách mẹ. 

Những đứa con lai Trung Quốc - Triều Tiên luôn cảm thấy hoang mang khi không biết mình được xem là người tị nạn Trung Quốc, Triều Tiên hay Hàn Quốc. Bởi không có cha mẹ là người bản xứ, họ không nhận được sự giúp đỡ để hòa nhập vào một xã hội cạnh tranh khốc liệt và có nhịp sống hối hả như Hàn Quốc. 

"Các thành kiến của xã hội Hàn Quốc và quan điểm lệch lạc của họ về những người Hàn Quốc xung quanh đã khiến nhiều người trong số họ từ bỏ cơ hội phát triển và bào mòn nhiều khả năng vốn có của bản thân", theo Kim Doo Yeon, hiệu trưởng trường Great Vision ở Uijeongbu, phía bắc thủ đô Seoul, nơi Song đã theo học hai năm.

Một cô gái mang hai dòng máu Trung Quốc - Triều Tiên họ Choe khác, người không muốn tiết lộ tên vì sợ dư luận sẽ hủy hoại cuộc sống của cô ở Hàn Quốc, đã rời Trung Quốc năm ngoái để đoàn tụ với người mẹ Triều Tiên.

Cô gái 20 tuổi không biết nhiều tiếng Hàn và cũng không có bạn bè người Hàn. Cô chưa từng đi ra khỏi Seoul và thường dành phần lớn thời gian nói chuyện với bạn bè ở Trung Quốc qua mạng.

Mẹ cô rời khỏi Đôn Hóa thuộc tỉnh Cát Lâm đầu năm 2017 sau khi thấy một phụ nữ sống cùng làng bị bắt và trả về Triều Tiên. 

"Lúc đó, tôi đã rất buồn", cô gái họ Choe vừa khóc vừa kể lại lúc chia tay mẹ.

Mẹ của Choe đã bị lừa bán sang Trung Quốc với giá 5.000 nhân dân tệ (khoảng 710 USD) vào năm 1998 sau khi được hứa hẹn về một công việc ở bên kia biên giới.

Choe và mẹ trong cuộc phỏng vấn của AP tại một lớp học ở trường South-North Love, Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 11/2019. Ảnh: AP.

Choe và mẹ trong cuộc phỏng vấn của AP tại một lớp học ở trường South-North Love, Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 11/2019. Ảnh:AP.

Những đứa trẻ như Choe được xem là công dân Hàn Quốc bởi có mẹ mang quốc tịch Hàn. Nhưng vì không có mối liên kết trực tiếp với Triều Tiên nên họ không được nhận những đặc quyền mà những người tị nạn sinh ra ở Triều Tiên được hưởng như miễn thi đại học, miễn học phí đại học và miễn nghĩa vụ quân sự với nam giới. Choe cho biết anh trai cô vẫn ở Trung Quốc vì sợ phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Choe muốn cải thiện tiếng Hàn để thi vào một trường đại học ở Hàn Quốc. Điều đó đồng nghĩa Choe phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học và cạnh tranh quyết liệt với rất nhiều học sinh Hàn Quốc. Nhưng tiếng Hàn là vấn đề của cô gái trẻ.

"Nếu tôi muốn trao đổi sâu hơn về một vấn đề nào đó bằng tiếng Hàn, con bé sẽ không hiểu. Lúc đó tôi thường mất kiên nhẫn và chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Trung", mẹ của Choe cho biết.

Những người mẹ Triều Tiên hầu hết đã tới Trung Quốc 20 năm trước, nên con cái họ giờ đã đến tuổi trưởng thành và cảnh ngộ của chúng có thể trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội Hàn Quốc.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, khoảng 1.550 đứa trẻ như vậy đã đăng ký học tại các trường từ tiểu học tới trung học phổ thông của nước này vào tháng 4 năm nay, trong khi số học sinh gốc Triều Tiên là 980. Con số thực tế nhiều khả năng sẽ cao hơn.

Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 4 triệu won (khoảng 3.390 USD) cho mỗi gia đình này và tăng thêm số giáo viên song ngữ tại các trường học. Hồi tháng 5, một nhà lập pháp đảng đối lập Hàn Quốc đề xuất cho trẻ em Triều Tiên sinh ra ở Trung Quốc được hưởng các trợ giúp giống như trẻ tị nạn gốc Triều Tiên.

Shim Yang-sup, hiệu trưởng trường South-North Love ở Seoul, khẳng định cần giúp đỡ những đứa trẻ này vì chúng giống như nguồn tài nguyên tiềm năng khi biết cả hai ngôn ngữ và hai văn hóa Trung Quốc - Hàn Quốc.

Kim Hyun-seung, 20 tuổi, đã rời Thiên Tân đến Hàn Quốc ba năm trước để đoàn tụ với người mẹ xa cách 6 năm. Bà Kim So-yeon, 52 tuổi, mẹ của Hyun-seung, nói rằng anh là đứa con ngoan, hiếu thảo, không bao giờ than khổ và sẵn sàng vào bếp nấu các món ngon cho ngày sinh nhật mẹ.

Chàng trai với vóc dáng cao gầy cho biết không muốn tham gia nghĩa vụ quân sự và mơ ước trở thành đầu bếp trong một nhà hàng Pháp. Kim cũng chia sẻ không muốn có bạn gái bởi sợ sẽ giống như gia đình anh khi không thể sống cùng nhau và luôn phải lo lắng về mọi thứ. 

Trong khi đó, khả năng song ngữ đã giúp Song được nhận vào một trường đại học gần Seoul. Song cho biết cô cảm thấy vừa hào hứng vừa lo lắng khi nghĩ tới lúc gặp các bạn cùng lớp người Hàn Quốc trong kỳ học đầu tiên vào tháng 3 tới. 

"Ngay cả lúc tôi kêu ca về một số khó khăn chưa được giải quyết, tôi vẫn luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực. Nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn ngồi gặm nhấm nỗi cô đơn của mình. Thời gian qua đi, tôi càng thấy nhớ mẹ nhiều hơn", Song chia sẻ. 

Theo vnexpress