Mùa đông năm ngoái, các em nhỏ trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn ở Rome cùng nhau trang trí cây thông Noel với những mảnh giấy ghi điều ước. Ký ức kinh hoàng về hành trình di cư là tất cả những gì các em có.

"Cháu muốn gặp lại bố mẹ", một cậu bé viết nguệch ngoạc lên mẩu giấy màu tím, ghim nó lại bằng móc quần áo rồi treo lên cây thông ở trung tâm chăm sóc tại Rome.

Với những bữa ăn nóng sốt cùng sự thân thiện của đội ngũ nhân viên, trung tâm này mở cửa vào ban ngày để các trẻ em tị nạn có thể tới tắm rửa, vui chơi và kết bạn. Đây là môi trường hòa nhập tốt nhất các em có thể tìm thấy.

Một cậu bé khác trong trung tâm viết ra thông điệp dài hơn, như thể đại diện cho ước muốn của tất cả em nhỏ tị nạn. "Cháu ước mình được chấp nhận trong xã hội mới này và cháu có thể gặp lại gia đình của mình", cậu bé viết.

Một năm sau, có thêm rất nhiều em nhỏ có cùng ước mơ như vậy. Khi cuộc khủng hoảng di cư trở nên tồi tệ hơn vào năm nay, đã có hơn 10.000 trẻ em tự tìm đường đến châu Âu. Các em thuộc nhiều tôn giáo, di cư để chạy trốn đàn áp cũng như chiến tranh và đôi khi hành trình vượt biển đầy nguy hiểm lại là điều ít thử thách nhất đối với các em.

Gerges và Awet, hai trong số hàng chục nghìn trẻ em tự tìm đến châu Âu, đã chia sẻ về nỗi nhớ nhà, về cuộc sống đơn độc ở Italy và nói rằng ước nguyện Giáng sinh của các em vẫn chưa thành hiện thực.

Cậu bé Gerges từng sống trong một gia đình nông dân nghèo nhưng luôn hạnh phúc với bố mẹ và 4 em gái trong một ngôi nhà trên sa mạc Ai Cập. Như bao đứa trẻ khác, buổi sáng Gerges đi học và buổi chiều về phụ giúp bố mẹ.

Gia đình cậu bé tổ chức Giáng sinh một cách lặng lẽ, thận trọng, để tránh những căng thẳng tôn giáo. Cậu sẽ cùng các thành viên trong gia đình chơi trò chơi trong lúc đợi mẹ làm gà tây và bánh mừng Giáng sinh.

Gia đình cậu không có tiền mua quà và cậu cùng các em cũng chưa từng yêu cầu bố mẹ làm điều đó, Gerges nói.

Tuy nhiên sau sinh nhật 16 tuổi, cuộc sống của Gerges ngày càng khó khăn. Xung đột trong làng nổ ra và Gerges bị chỉ trích, đánh đập vì tôn giáo của cậu. Là đứa con lớn nhất và cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công, Gerges được cha mẹ khuyên bỏ trốn.

"Cháu buộc phải rời đi. Cháu không còn lựa chọn nào khác", Gerges nói.  

Trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, chật chội, Gerges gặp hàng chục người khác đang tuyệt vọng tìm đường di cư. Họ không có gì để ăn và phải uống nước biển. Bất cứ ai làm ồn đều bị dọa ném xuống biển.

Khi đến Italy, Gerges có chút nhẹ nhõm trước khi nghĩ cách đương đầu với một cuộc sống đơn độc ở đất nước xa lạ. Cậu bé còn phải trả 5.000 euro tiền "nhập cư lậu" cho anh họ của mình.

Năm nay Gerges sẽ đón Giáng sinh trên đường phố như mọi ngày khác trong năm. Sau khi tròn 18 tuổi, cậu không còn đủ điều kiện ở trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn, nơi cậu từng sinh sống.

Gerges đã không gọi điện cho cha mẹ suốt hai tháng do cước phí quá đắt. Cậu hy vọng có thể kiếm đủ tiền cho một cuộc gọi ngắn trong ngày. Dù rất lạnh lẽo và cô đơn, Gerges vẫn nâng niu ngày lễ Giáng sinh có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Sau hành trình từ Ai Cập, cậu không còn giữ được vật dụng cá nhân nào. Điều duy nhất có thể khơi gợi kỷ niệm thời thơ ấu trong Gerges là hai hình xăm: một là hình xăm cây thánh giá ở cổ tay, hai là hình Đức Mẹ Maria trên cánh tay.

"Cháu sẽ nghĩ về những kỷ niệm đẹp, tôn vinh tôn giáo của cháu. Cháu đã nghe nói Giáng sinh sẽ khiến Rome đẹp hơn rất nhiều", Gerges chia sẻ.

Năm ngoái, khi còn sống trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn, vào ngày Giáng sinh, Gerges vẫn có thể chọn một món quà ngay khi thức dậy. Cậu biết chính xác hộp quà của mình có kích thước như nào vì trung tâm đã cho cậu chọn một vài món trước đó.

Gerges đã lựa những món quà thiết thực nhất, gồm quần tây, áo sơ mi, một đôi giày thể thao Nike màu xanh. Sau khi nhận quà, cậu được phép gọi cho bố mẹ trong một giờ và được tới nhà hàng dùng bữa. Dù rất biết ơn về bữa ăn, Gerges vẫn không thể ngừng so sánh nó với những món mẹ nấu.

"Chúng chẳng giống nhau chút nào", cậu nhớ lại.

Tương lai với Gerges là điều quá khó nắm bắt. Những gì cậu chắc chắn hiện tại là phải tìm được một công việc, học ngoại ngữ và được cấp giấy phép làm việc. Sau đó cậu sẽ tích góp để trả khoản nợ 5.000 euro cho anh họ.

Gerges chưa thể tưởng tượng ra một Giáng sinh trong tương lai sẽ như thế nào nhưng cho biết cậu muốn có gia đình và một cuộc sống bình thường.

Hai em nhỏ trong trung tâm chăm sóc người tị nạn ở Italy. Ảnh: AFP.

Hai em nhỏ trong trung tâm chăm sóc người tị nạn ở Italy. Ảnh:AFP.

Awet, 15 tuổi, đến từ Eritrea, cũng là một đứa trẻ đã tự tìm đường đến châu Âu. "Món quà tốt nhất mọi người có thể nhận được vào Giáng sinh là quây quần bên cả gia đình", Awet nói.

Tuy nhiên, mong ước giản dị của cậu bé đã không thể thực hiện được trong hai năm nay, khi cậu tìm đường vào châu Âu. Sau khi đi bộ từ Ethiopia đến Sudan, Awet bị những kẻ buôn lậu nhồi nhét vào một chiếc xe tải nhỏ đến Libya cùng 30 người khác.

Sau đó, cậu tiếp tục lênh đênh trên con thuyền di cư và được lực lượng cảnh sát biển Sicilia, Italy, cứu thoát. Awet được đưa đến trung tâm chăm sóc Civilico Zero, nơi cậu thốt lên rằng "tuyệt đẹp".

Chuỗi hạt tràng trên cổ bây giờ là món quà Giáng sinh đầu tiên trong đời của Awet, bởi trước đây cậu chưa biết quà tặng là gì và cũng chưa bao giờ được nhận quà.

Trong vô số những uất ức phải trải qua ở Libya, Awet đã bị những kẻ bắt cóc giật chuỗi tràng hạt trên cổ. Một ngày nọ, một nữ tu đến thăm trung tâm chăm sóc của Awet đã rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé đeo bất cứ thứ gì quanh cổ.

Khi được cậu bé kể lại câu chuyện, nữ tu đã tặng cậu chuỗi hạt tràng màu hồng và cậu đeo nó mọi lúc. "Nó làm cháu rất hạnh phúc", Awet nói.

Giáng sinh hạnh phúc trong tưởng tượng của Awet là khi cậu có thể đến nơi mà cậu mong muốn. "Miền đất mơ ước" của Awet là Anh, nơi cậu được những người tị nạn khác rỉ tai rằng có hệ thống giáo dục tuyệt vời.

"Cháu muốn tiếp tục việc học của mình. Tất cả mọi người đều nói rằng trường học và đại học ở Anh là tốt nhất", Awet nói.

Cậu bé đã nói được một ít tiếng Anh khi học ở Eritrea và đặt mục tiêu học công nghệ thông tin sau khi được những người di cư khác dạy sử dụng máy tính trong một trại tị nạn ở Ethiopia. Một lý do nữa khiến Awet mong ước đến Anh là cậu đã xem rất nhiều trận đấu của giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong trại tị nạn.

"Nếu cháu được giúp đỡ, cháu có thể đến đó an toàn", Awet nhìn vào ánh mắt người đối diện và tha thiết nói.

Theo vnexpress