“Cô ấy là lý do để tôi gắn bó với Sài Gòn", Tony Dieter chia sẻ

Ông Tây lập nghiệp trên vỉa hè

Những ai mê món xúc xích Đức ở Sài Gòn hẳn biết Mr. Dieter với chiếc xe thùng trên đường Điện Biên Phủ. Ông lập nghiệp từ vỉa hè Sài Gòn, kéo theo “trào lưu” những ông Tây thân thiện rủ nhau bán xúc xích, bánh mì, cà phê vỉa hè.
Sau đó, người ta lại thấy Dieter mồ hôi mồ kê nhễ nhại đứng nướng xúc xích ở một cửa tiệm trên đường Tôn Đản (Q.4), thỉnh thoảng lại thấy ông xuất hiện ở tiệm khác trên đường Khánh Hội (Q.4). Bẵng đi cả năm nay, người ta không thấy ông Tây bán xúc xích ấy nữa. Hỏi ra mới biết, ông gặp tai nạn xe máy, khiến 1 chân bị thương nặng không thể phục hồi.

Gặp Tony Dieter (50 tuổi, quốc tịch Đức) ở tiệm xúc xích trên đường Tôn Đản, thấy ông đi lại khó khăn bằng chiếc gậy nhưng vẫn tới lui phụ bà Huỳnh Thị Diễm (42 tuổi, vợ ông).
“Điều tôi sợ nhất ở Sài Gòn là xe cộ đi không có thứ tự, lớp lang gì cả, chỗ nào trống là chen, là leo cả lên lề, thản nhiên chạy ngược chiều. Ở Đức, mọi người có văn hóa giao thông tốt hơn, thậm chí rất hạn chế tiếng còi xe. Tháng 3 năm ngoái, tôi bị một người tông phải trên đường đi bán xúc xích về dù tôi chạy rất cẩn thận. Hậu quả thì bạn thấy đấy! Mà may có cô ấy chăm sóc tôi”, Dieter nhìn vợ rồi pha trò. Người vợ gốc miền Tây cũng là một trong những lý do khiến Dieter chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Dieter những ngày đầu lập nghiệp với xe xúc xích Đức

Dieter kể, năm 2006, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ ở Đức, ông cảm thấy buồn và chọn thăm Việt Nam cho khuây khỏa. Chẳng ngờ, lối sống nơi đây bỗng “mê hoặc” ông. Ông thấy mọi thứ đều khá dễ dàng, nhất là việc 
kinh doanh, buôn bán. Sau khi được một người bạn ngoại quốc gợi ý về việc bán xúc xích Đức, Dieter bắt tay vào thử bằng một chiếc xe máy chở thùng bán dạo. Hình ảnh ông Tây vui tính đứng nướng xúc xích ngoài đường khiến nhiều người thích thú.
Món xúc xích nướng thơm ngon và sự vui vẻ, thân thiện làm nên "thương hiệu" Mr. Dieter ở đường phố Sài Gòn

“Người Việt Nam rất thân thiện, một số người biết tiếng Đức ghé ngang trò chuyện rôm rả với tôi, giới thiệu món ăn, du lịch đất nước này. Tôi bán xúc xích nướng cũng rất được, vì Sài Gòn chưa phổ biến món này, mỗi tháng có thể lời tới vài chục triệu. Ở nước tôi, với số vốn ít ỏi như thế, chẳng làm được gì cả. Muốn buôn bán, bạn phải có cửa hàng, đầu tư rất nhiều. Ẩm thực đường phố dân dã ở Sài Gòn khiến tôi rất thích”, Dieter hào hứng.

'Cô ấy là lý do để tôi gắn bó với Sài Gòn'

“Cách đây tầm 7 năm, mình còn bán quán phở ở đường Lê Văn Lương (Q.7). Tối hôm đó, tự nhiên có một ông Tây lỉnh kỉnh đồ đạc ghé ăn phở. Tính mình cũng tò mò, hay hỏi, vậy là ra hỏi ổng xem ổng bán cái gì ngộ vậy. Ổng nói bán xúc xích. Mà mắc cười lắm, ổng dở tiếng Anh, không biết tiếng Việt, mình cũng có nói được tiếng nào đâu! Vậy là bấm vô điện thoại rồi đưa qua lại coi. Nói chuyện vui quá cái quen luôn”, bà Diễm kể lại lần gặp gỡ đầu tiên.
Vốn tính vui vẻ giống nhau, lại mê kinh doanh buôn bán giống nhau, hai người dần thấy thích nhau. “Dieter cho mình đi học tiếng Đức, nói lấy bằng đi rồi sau này đi theo ổng qua Đức ở. Vô học được 1 tuần, chữ số ngoằn ngoèo không nhớ nổi! Thầy kêu lên trả bài không được, mắc cỡ quá nên trốn học, tới giờ học là ra quán nước ngồi. 2 bữa như vậy, thầy ghé méc ổng. Thế là ổng nói “không chịu học thì đi theo ổng bán xúc xích”. Vậy thì bán thôi”, bà Diễm cười.
Một trong những điều Dieter không hài lòng ở TP.HCM là giao thông. Ông bị một người tông trúng trên đường khiến ông không thể đi lại trong một thời gian dài

Thế là vợ một tiệm ở đường Khánh Hội, chồng một tiệm ở đường Tôn Đản. Bán đâu 5 - 6 tháng, Dieter dọn luôn về nhà vợ ở cùng 2 con trai riêng của bà Diễm. Cả 2 người đều đổ vỡ hôn nhân từ khi con còn nhỏ xíu. Hai mảnh ghép vừa vặn thành một gia đình, chẳng cần cưới hỏi.
“Cô ấy là lý do lớn lao để tôi gắn bó với Sài Gòn. Năm ngoái tôi gặp tai nạn nằm một chỗ, cô ấy bỏ việc chạy đôn chạy đáo lo cho tôi hơn 2 tháng trời. Cô ấy rất tuyệt, mỗi tội không chịu học tiếng Đức. Mà thôi, tôi cũng không cần đi đâu nữa”, Dieter nói về quyết định sẽ sống ở Việt Nam.
Đi lại khó khăn, nhưng Dieter vẫn thỉnh thoảng tranh thủ ra tiệm xúc xích phụ vợ

“Thú thật, ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là học hỏi nhau để làm ăn buôn bán thôi. Ai ngờ càng ngày càng thương thương ổng, tính ổng thật thà, có gì nói đó. Mà coi vậy chứ cãi lộn hoài hà, kiểu khác lối sống ấy. Ổng từng không chịu chuyện hai con mình ở chung nhà, vì nước ngoài đủ tuổi trưởng thành là con cái tự làm gì làm, ba mẹ không biết tới nữa. Ban đầu mình gay gắt “em có thể bỏ Dieter chứ không bỏ con”, nhưng từ từ giải thích dần ổng cũng hiểu. Rồi thêm cái tai nạn nữa, ổng đâu làm được gì nhiều, giờ mình không lo cho ổng thì ai lo đây. Cũng cái duyên cái nợ”, bà Diễm chia sẻ.
Dieter quay sang đùa: “I yêu em, but em not yêu me, alone hoài” (Anh yêu em nhưng em không yêu anh, bỏ ở nhà một mình hoài). Chị Diễm cười lớn: “Đi làm! Dieter at home, ai bán xúc xích have money?” (Em phải đi làm! Giờ Dieter ở nhà, ai bán xúc xích kiếm tiền?). Cuộc hội thoại bằng tiếng “thập cẩm” khiến ai nghe cũng bật cười. Cứ một chút tiếng Anh, tiếng Việt, nhiều khi "pha" luôn tiếng Đức, vậy mà hai vợ chồng vẫn hiểu nhau suốt 7 năm qua.
Còn hỏi Dieter thích gì ở Sài Gòn, ông nói liền: “Blood cạp cạp”. Chị Diễm liền phải phiên dịch lại: “Ổng thích ăn tiết canh vịt đó! Cạp cạp là vịt. Người nước ngoài ngộ lắm, có nhiều món thấy Việt Nam mình ăn thì ghê, chứ tới khi ăn thử cái là mê! Còn hổng biết mê tui cái gì mà không chịu về bển nữa”.

                                                                                                                                                                                                                                   Theo Thanh Niên