Đi đâu cũng tự hào là người Việt Nam

Vào khoảng năm 1997, chị Ngô Phẩm Trân sang Đài Loan học ngôn ngữ. Sau khi ra trường chị làm tại Bộ Văn hoá Đài Loan. Tại đây, chị phụ trách hỗ trợ cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Đài Loan khi gặp các vấn đề khó khăn để thích nghi với cuộc sống. Mỗi tuần cơ quan của chị Ngô Phẩm Trân sẽ tổ chức 1 chương trình hoặc một lớp học về ngôn ngữ, về thích nghi văn hoá cho người Việt sang Đài Loan làm việc.

Trong quá trình làm việc, thấy nhiều sự không công bằng và thiệt thòi cho người Việt, chị đã cho ra mắt 2 cuốn tạp chí song ngữ Việt – Trung. Mục tiêu của 2 cuốn tạp chí cung cấp những tin tức về người Việt tại Đài Loan, đặc biệt cung cấp thông tin về cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam khi ra trường, truyền tải những thông tin phúc lợi của chính quyền Đài Loan đối với những người lao động nước ngoài.

Ngô Phẩm Trân: người nối nhịp cầu kinh tế, văn hoá, giáo dục Việt Nam - Đài Loan
Chị Ngô Phẩm Trân hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt.

"Thông qua tạp chí này tôi muốn người Việt mình nắm bắt được thông tin để có thể hiểu được những luật lệ, quy định của Đài Loan từ đó, để bảo vệ quyền lợi lao động chính đáng của mình”, chị chia sẻ.

Năm 2015, Ngô Phẩm Trân tiếp tục thành lập trang web “Jobs Taiwan” dành cho các sinh viên Việt Nam tại Đài Loan, những sinh viên Việt Nam chuẩn bị sang Đài Loan du học và tìm kiếm việc làm.

Hiện tại, chị Ngô Phẩm Trân đang là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt và cũng là người sáng lập Viện ngôn ngữ quốc tế Horizon với các chương trình học online. Ngoài ra, chị còn là thạc sĩ, giảng viên của Trường đại học Quốc lập sư phạm Đài Loan.

“Tôi sang Đài Loan hơn 23 năm, từ lúc đi đâu mọi người không biết và không để ý đến Việt Nam thì đến giờ người Việt Nam mình đã có vị thế tại Đài Loan. Vì thế tôi nghĩ cần làm gì để 2 tiếng Việt Nam tại Đài Loan càng được khẳng định và tôn vinh hơn nữa”, chị Ngô Phẩm Trân chia sẻ.

Chị Ngô Phẩm Trân cho biết, hiện nay, có hơn 300.000 người Việt Nam đang định cư, lao động và học tập tại Đài Loan. Trong đó, tỉ lệ cô dâu Việt Nam chiếm khoảng 200.000 người. Thế hệ thứ 2, con của các cô dâu Việt đang ở độ tuổi trưởng thành, đang học đại học, một số đã ra trường.

“Đài Loan nhìn thấy trong tương lai của thế hệ thứ hai của cô dâu Việt Nam, chính vì thế đã có những ưu ái đặc biệt dành cho Việt Nam. Sau 1 năm thử nghiệm, từ năm 2020, tiếng Việt đã được đưa vào chương trình lớp 1 và lớp 2 của Đài Loan. Ngoài ra, từ khi có chính sách Tân hướng nam các cơ quan chính quyền của Đài Loan đều học tiếng Việt. Điều này, tôi cảm thấy vinh dự và hãnh diện”, chị Ngô Phẩm Trân nói.

Xây dựng, đào tạo nguồn nhân tài cho Việt Nam

Trên các cương vị của mình, chị Ngô Phẩm Trân đã tích cực tham gia thúc đẩy nhiều sự hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan về kinh tế, giáo dục và văn hóa, đạt được nhiều thành công nhất định. Mỗi năm chị Ngô Phẩm Trân và Hiệp hội phát triển kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt có khoảng gần 20 hoạt động về xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Đài Loan.

Ngô Phẩm Trân: người nối nhịp cầu kinh tế, văn hoá, giáo dục Việt Nam - Đài Loan
Chị Ngô Phẩm Trân trong hội thảo xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan.

Trong lĩnh vực giáo dục, chị Ngô Phẩm Trân đã giới thiệu và đưa nhiều chương trình học bổng của Đài Loan về cho học sinh Việt Nam. Đặc biệt, trong đó chị Ngô Phẩm Trân kết nối giúp sự hợp tác giữa Chính quyền huyện Tân Trúc (Đài Loan) đào tạo nguồn nhân tài cho tỉnh Đồng Tháp-Việt Nam, và đã đưa 519 học sinh của tỉnh sang du học tại Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan). Xúc tiến hợp tác đào tạo tiếng Trung với trường đại học Sài Gòn, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam. Phối hợp cùng với Văn phòng Văn hóa Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc thường xuyên tổ chức các Đoàn về tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa, giáo dục hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan.

“Là thạc sĩ giảng viên giáo dục của Trường đại học Quốc lập sư phạm Đài Loan, nên tôi học được nhiều về những chương trình giáo dục tiên tiến của họ. Đó cũng là lý do tôi mong muốn đóng góp một phần nào trong sự phát triển cải cách giáo dục của Việt Nam.

Gần 4 năm nay, Đài Loan có chính sách Tân hướng nam, nên họ đầu tư nhiều ngân sách vào đào tạo nguồn nhân tài cho các nước Đông Nam Á và quan trọng nhất là Việt Nam. Cho nên, tôi muốn mang những thông điệp này về cho các tỉnh thành Việt Nam, nhất là những vùng cao nguyên, vùng sâu, vùng xa, vì học sinh nơi này muốn đi du học nước ngoài giống như giấc mơ. Tôi muốn hỗ trợ các học sinh biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Đó là lý do chúng tôi hỗ trợ chính quyền hai bên đẩy mạnh hơn nữa về đào tạo nguồn nhân tài cho Việt Nam.

Lý do thứ hai, hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam với nhiều vị trí cán bộ từ trung cấp trở lên đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi năm sinh viên ra trường, con số thất nghiệp còn khá cao.

Để giải quyết bài toán thất nghiệp với những sinh viên hệ trung cấp nghề, cao đẳng và đại học chuẩn bị ra trường, Viện ngôn ngữ quốc tế Horizon sẽ đầu tư đào tạo nguồn nhân tài tại chỗ cho Việt Nam theo nhu cầu của các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam. Các em sinh viên năm cuối tham gia chương trình này sẽ được doanh nghiệp tuyển chọn ngay trong thời gian học và có việc làm luôn sau khi ra trường.

Việt Nam có rất nhiều học sinh học giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em không phát huy được tài năng của mình. Theo tôi, những bạn này đều là nhân tài của đất nước trong tương lai. Cho nên tôi hay vận động các hội viên doanh nghiệp, mỗi người đóng góp một ít để gây quỹ học bổng cho các học sinh nghèo, hiếu học này”, chị Ngô Phẩm Trân chia sẻ.

Ngô Phẩm Trân: người nối nhịp cầu kinh tế, văn hoá, giáo dục Việt Nam - Đài Loan
Chị Ngô Phẩm Trân trong sự kiện kết nối y khoa giữa Việt Nam và Đài Loan.

Trong lĩnh vực y tế, chị Ngô Phẩm Trân xúc tiến nhiều chương trình hợp tác y khoa giữa Bộ y tế Đài Loan, Bệnh viện Đài Bắc, Bệnh viện Đào Viên, Trường đại học kỹ thuật Hồng Quang về đào tạo nguồn quản lý bệnh viện cấp cao cho các bác sỹ tại các bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 1… Ngoài ra, chị còn tham gia nhiều chương trình gây quỹ xã hội hỗ trợ xây cầu, trẻ em nghèo.

Đặc biệt, chị Ngô Phẩm Trân đã sắp xếp cho hơn 100 y bác sỹ Việt Nam đến Đài Loan nghiên cứu những khóa học ngắn hạn, thúc đẩy hợp tác y khoa Việt Đài, giao lưu học tập kinh nghiệm..

Trong lĩnh vực thương mại, chị Ngô Phẩm Trân và Hiệp hội xây dựng kênh B2B kết nối thương mại online, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến với thị trường Đài Loan và ngược lại. Trong lĩnh vực đầu tư, mỗi năm sẽ hỗ trợ cho một tỉnh, thành của Việt Nam tổ chức những buổi hội thảo kêu gọi đầu tư vào tỉnh đó tại Đài Loan. Về văn hóa, hội viên của Hiệp hội có một tập đoàn làm về du lịch. Mỗi năm sẽ có những chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với du khách Đài Loan.

Ngô Phẩm Trân: người nối nhịp cầu kinh tế, văn hoá, giáo dục Việt Nam - Đài Loan
Chị Ngô Phẩm Trân trong hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam.

Xây dựng cộng đồng người Việt lớn mạnh tại Đài Loan

Hơn 23 năm xa quê hương chị Ngô Phẩm Trân nhận mình là người may mắn khi luôn được làm việc với bà con Việt kiều ở nơi xa xứ. Chị hy vọng những nỗ lực của mình tại Đài Loan sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Ngoài ra, mong muốn lớn nhất của chị lúc này là cộng đồng người Việt tại Đài Loan ngày càng lớn mạnh hơn nữa.

“Cộng đồng người Việt tại Đoàn Loan vẫn còn nhỏ và sống rải rác nhiều nơi. Tôi mong muốn mỗi năm, nhà nước đưa những Giáo sư, Tiến sĩ, những người có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam đến Đài Loan truyền tải lại những thông tin hướng về nguồn cội để mọi người hiểu được, tăng sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng với nhau”, chị chia sẻ.

Và để cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, sắp tới chị Ngô Phẩm Trân sẽ chắp cánh cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Việt Nam khởi nghiệp tại Đài Loan. Mục tiêu của CLB là hỗ trợ các chị em phụ nữ Việt Nam tại Đài Loan học hỏi cách xây dựng vận hành doanh nghiệp, học hỏi làm kinh tế theo mô hình 5.0… kênh kết nối thị trường kinh doanh Việt Nam và Đài Loan.

Đặc biệt, chị Ngô Phẩm Trân đặt nhiều hy vọng ở thế hệ thứ hai người Việt ở Đài Loan. "Nhân tài có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một đất nước. Hơn 200.000 cô dâu Việt Nam bên Đài Loan với mỗi cô dâu có 2 em bé tương lai sẽ có khoảng 400.000 nhân tài. Tôi muốn làm thêm nhiều việc để thu hút nguồn nhân tài này hướng về Việt Nam”, chị Ngô Phẩm Trân chia sẻ.

Theo Thời Đại