Jakarta là thành phố đầu tiên của Đông Nam Á đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) với tên gọi TransJakarta vào năm 2014.

Theo Cơ quan Vận tải Jakarta, hệ thống đường dành cho xe buýt công cộng chỉ có 400.000 lượt người sử dụng/ngày trong khi có 9,9 triệu các loại xe ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện khác lưu thông trên các đường phố ở thủ đô Jakarta.

70% mức ô nhiễm không khí của thành phố xuất phát từ xe cộ và người dân ở Jakarta phải mất trung bình 10 năm trong đời để tham gia giao thông. Vấn đề này đang trở nên tồi tệ hơn khi các loại phương tiện ô tô tăng trưởng trung bình 9,5%/năm trong khi tỷ lệ số đường được xây mới chỉ tăng 0,01% từ năm 2005 - 2010. Trong số này có gần 2 triệu phương tiện giao thông đến từ các thành phố lân cận ở Tây Java và Banten. Theo số liệu thống kê, có thể mất từ 2-3 giờ để di chuyển trên quãng đường 40km từ thủ đô Jakarta tới Bogor ở Tây Java - thành phố vệ tinh lớn nhất của thủ đô Jakarta.

Trước vấn nạn giao thông trên, chính quyền thành phố Jakarta đã đầu tư 1,7 tỷ USD cho công trình tàu điện ngầm với tổng chiều dài 108km, trong đó có 21,7km cho hành lang Bắc - Nam và 87km cho hành lang Đông - Tây, dự kiến khi hoàn thành sẽ giúp làm giảm áp lực giao thông của thủ đô.

Giai đoạn đầu của dự án hành lang Bắc - Nam với chiều dài 15,7 km dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và sẽ phục vụ 212.000 lượt hành khách/ngày. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đạt mức tối đa là 960.000 lượt hành khách/ngày. 

Chính quyền thủ đô Jakarta cũng đang tích cực phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) như là một phương tiện để giảm bớt khó khăn của người dân trong việc tham gia giao thông.

Năm 2004, Jakarta đã trở thành thành phố đầu tiên của Đông Nam Á đưa vào sử dụng hệ thống BRT với tên gọi TransJakarta. TransJakarta được chia làm 2 đội, một đội chạy bằng nhiên liệu diesel và một đội xe chạy bằng nhiên liệu xăng để phục vụ các hành khách trên tổng chiều dài toàn tuyến là 193km. 

Ngoài ra, chính quyền thành phố Jakarta còn học tập và áp dụng các hệ thống giao thông "Poster Boy" và ERP của Singapore trong phát triển các dự án giao thông đô thị.

Hệ thống giao thông “Poster Boy” áp dụng thu phí điện tử, theo đó hệ thống tính phí tắc nghẽn này sẽ tự động khấu trừ số tiền phí của xe ô tô, được kích hoạt bằng điện tử khi chiếc xe đi qua trạm kiểm soát.

Trong khi đó, hệ thống ERP dựa trên công nghệ định vị vệ tinh thay vì các thiết bị giám sát thông thường. Hệ thống sẽ có phạm vi bao phủ rộng khắp và sẽ tính phí cho khoảng cách thực tế phương tiện di chuyển. Hệ thống cũng có thể tạo điều kiện cho việc sử dụng bãi đậu xe không có phiếu giảm giá và sẽ cung cấp cho tất cả người sử dụng thông tin giao thông, thời gian lưu hành của mình.


Theo Thế giới và Việt Nam