Chiều cuối tháng 7, đường phố vắng nhưng con hẻm nhỏ dẫn vào chùa Kỳ Quang, trên đường Lê Hoàng Phái, quận Gò Vấp rộn ràng tiếng con nít. Tuy cửa chùa đã đóng kín, không đón khách để đảm bảo phòng dịch hơn hai tháng nay nhưng sợ những đứa trẻ buồn, các sư thầy luôn bày trò chơi tập thể chơi cùng các em.

Được thoái mái vui đùa, nhưng bữa cơm của các em nhỏ ở đây chỉ có cơm và canh rau chứ không đầy đủ thịt cá như trước. Hai tuần trước, khi thành phố mới thực hiện giãn cách, thực phẩm tăng giá, lại khó khăn nên nhiều hôm các em phải ăn mì gói.

Một buổi sinh hoạt của các em nhỏ cùng sư thầy trong chùa Kỳ Quang trong những ngày giãn cách. Ảnh: Chùa Kỳ Quang.

"25 năm qua, cơ sở từ thiện Phật Giáo Chùa Kỳ Quang nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bệnh tật. Nguồn kinh phí lo cho các em nhiều năm nay được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cộng đồng đến hơn 80%", Đại đức Thích Quang Hải, người đang trực tiếp quản lý việc chăm lo cho 230 trẻ tại hai cơ sở của chùa cho biết.

Trong 230 em ở chùa, ngoài những em khỏe mạnh còn có 60 em mắc các bệnh về thần kinh và khuyết tật. Các em đang được chăm sóc đặc biệt ở cơ sở 2 của chùa tại quận 12.

Vốn là một cơ sở từ thiện Phật Giáo, khi chưa có dịch, mỗi ngày nhà chùa đón nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho các em. Không những thế, nhiều đoàn còn đến tận nơi nấu có các em những bữa ăn ngon. Ngoài những nhân viên được thuê chăm sóc các em bị bệnh, ngày thường còn có các tình nguyện viên đến hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho nhà chùa. Tất cả những điều này đột ngột dừng lại khi thành phố giãn cách xã hội.

Thầy Hải cho biết: "Khi chỉ thị 16 được áp dụng, thực phẩm đắt hơn và việc đi mua cũng khó khăn nên nhiều bữa các em ăn tạm mì gói. Các thầy cũng gọi điện một vài người quen nhờ giúp đỡ thêm mới có thể vượt qua. Giữa lúc này chúng tôi không dám than thở mà phải cố gắng vì mọi người ai cũng khó khăn cả".

Những bữa ăn của các em cũng thất thường chứ không đầy đủ như trước. Hôm nào được cho nhiều thì ăn nhiều, hôm nào không có thì bữa cơm chỉ có canh rau.

May mắn là lượng tã sữa cho các bé sơ sinh được nhà hảo tâm ủng hộ, chùa đã dự trữ trước nên không lo thiếu. Với khoản tiền quỹ eo hẹp của chùa hiện nay chỉ đủ để chi trả điện nước và lương nhân viên chăm sóc các em tại hai cơ sở. Vì thế, khi tã cỡ lớn dùng cho các em khuyết tật hết, các thầy cân nhắc lắm mới mua được một ít. Để tiết kiệm, thầy Hải đã lấy những chiếc tã cỡ nhỏ cắt hai bên hông rồi dùng băng keo cố định cho những em lớn dùng.

Bà Aline Rebeaud, người sáng lập Nhà May Mắn đang hướng dẫn các thành viên khuyết tật vẽ tranh. Ở đây, các anh chị khuyết tật được chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và học nghề. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn, quận Bình Tân những ngày này, các thành viên là người khuyết tật không giấu được sự vui mừng mỗi khi được một vài nhà hảo tâm mang đến tặng thêm gạo và rau củ để cải thiện bữa ăn.

Được sáng lập bởi bà Aline Rebeaud, một người phụ nữ Thụy Sĩ từ hơn 20 năm trước, Nhà May Mắn hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho hơn 300 người khuyết tật và các em nhỏ mồ côi. Nhiều em nhỏ lớn lên ở đây đã học tập và có việc làm ổn định. Nhiều người khuyết tật sau khi được chăm sóc y tế, phục hồi chức năng đã có thể tự lập, có gia đình riêng.

Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, bà Aline Rebeaud mỗi tháng đều có những chương trình gây quỹ ở nước ngoài để duy trì hoạt động của Nhà May Mắn. Hai năm nay, mọi chương trình đều bị hủy bỏ. "Nhà May Mắn không có nguồn quỹ dự phòng. Kinh phí vận động được mỗi tháng đều sử dụng hết để lo cho các thành viên", bà nói.

Nhưng những đợt dịch trước đều "lướt qua" nhanh nên Nhà May Mắn vẫn có thể xoay sở được. Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm vẫn đồng hành tài trợ thực phẩm, vật phẩm y tế để chăm lo đầy đủ cho các thành viên khuyết tật và trẻ em trong Nhà.

Đợt dịch năm nay kéo dài hơn, những lần giãn cách liên tục khiến nhiều doanh nghiệp đồng hành cũng gặp khó khăn, Nhà May Mắn đã chủ động xoay sở bằng cách giảm bớt nhân viên và các hoạt động không thiết yếu đến mức tối đa.

"Những thành viên trong Nhà May Mắn đa phần thuộc nhóm khuyết tật nặng, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của nhân viên. Ngoài việc ăn uống thì chi phí dụng cụ y tế chăm sóc vết loét, ống thông tiểu, băng gạc... cũng không thể tiết kiệm được vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người", bà Aline Rebeaud cho biết.

Người khuyết tật trong Nhà May Mắn được nhà hảo tâm tặng quà trong đợt dịch năm nay. Ảnh: Quý Duy.

Không nằm ngoài khó khăn chung của hầu hết các mái ấm trên địa bàn TP HCM, cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần của ông Bùi Công Hiệp suốt hai tháng nay phải trích quỹ riêng của gia đình để lo cho 124 em nhỏ. Từ trước đến nay, chi phí hơn 200 triệu đồng mỗi tháng lo cho các em đều dựa vào nguồn kinh phí của xưởng cơ khí gia đình. Nguồn tài trợ từ hảo tâm hay các đoàn từ thiện chỉ chiếm khoảng 10 -20%.

Hai tháng nay, xưởng cơ khí của ông không có khách hàng, buộc phải đóng cửa nên gia đình không có thu nhập. Người đàn ông 62 tuổi đã trích trong quỹ dự trữ 6 tháng của mình để lo liệu. Những ngày thường, khi được ủng hộ bánh kẹo thức ăn vặt, ông Hiệp dự trữ trong kho rộng cả chục mét vuông. Hai tháng nay không có đoàn từ thiện đến thăm, bánh kẹo các em cũng đã hết.

Ngày thường, cứ cuối tuần ông Hiệp lại dẫn các em đi dã ngoại. Khi về thì được thưởng một đĩa ốc, ly chè nhưng hai tháng nay chỉ ở trong nhà. Tuy chẳng có bánh kẹo để ăn nhưng các em không đòi hỏi mà chỉ hay thủ thỉ với bố Hiệp rằng: "Tại sao bữa nay mình không được đi ra ngoài, không được đi ăn ốc nữa hả bố?"

"Các em tạm thời chưa thiếu ăn nhưng tôi lo là dịch kéo dài đến 4 tháng nữa thì quỹ của tôi cũng hết sạch. Lúc đó chắc phải tính đường nhờ sự chung tay của cộng đồng để vượt qua", người đàn ông 62 tuổi nói.

Theo vnexpress