Trong năm 2017, chỉ có 941.000 em bé ra đời, mức thấp nhất kể từ năm 1899

Già hóa dân số luôn là mối lo ngại lớn tại Nhật Bản trong nhiều năm qua. ​Vấn đề càng khiến giới chức nước này thêm đau đầu sau khi một báo cáo công bố mới nhất cho thấy số trẻ chào đời trong năm 2017 tại cường quốc kinh tế châu Á này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 100 năm trở lại đây. 

Cụ thể, số liệu thống kê mới được Bộ Y tế Nhật Bản công bố cho thấy, trong năm 2017, chỉ có 941.000 em bé ra đời, mức thấp nhất kể từ năm 1899 khi công tác thống kê bắt đầu được thực hiện.

Con số này cũng phản ánh mức sụt giảm 36.000 trẻ so với năm 2016 và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp số trẻ nhỏ chào đời tại "xứ mặt trời mọc" dưới 1 triệu trẻ. Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản từng có thời điểm lên cao nhất (2,7 triệu trẻ) trong năm 1949.

Một kỷ lục không đáng mong chờ khác cũng được xác lập là số người Nhật kết hôn mới trong năm 2017 cũng thấp nhất kể từ thời kỳ hậu chiến tranh với chỉ 607.000 cặp vợ chồng mới, giảm 14.000 cặp so với năm trước đó.Trái ngược với tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong tại quốc gia này trong năm 2017 lại tăng 3% lên mức 1,34 triệu trường hợp, mức cao nhất thời kỳ hậu chiến tranh. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là tỷ lệ người tử vong vì già yếu là hơn 400.000 người (cao hơn 72.000 người so với năm 2016).

Tính trung bình, tại Nhật Bản, cứ 34 giây có 1 trẻ ra đời, 23 giây có 1 người qua đời và 52 giây thì có một cặp kết hôn. Các số liệu về dân số tự nhiên này không bao gồm công dân nước ngoài sinh sống tại Nhật, vốn chiếm khoảng 1% trong dân số 125 triệu người. 

Chính phủ Nhật nhiều năm nay cố gắng khuyến khích các gia đình sinh thêm con nhưng các số liệu mới công bố cho thấy xu hướng già hóa dân số vẫn tiếp diễn trong khi tỷ lệ sinh không được cải thiện.

Theo một thống kê công bố hồi tháng 7, tỷ lệ người trên 65 tuổi hiện chiếm 27,2% - mức cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay, trong khi tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi giảm xuống mức thấp kỷ lục là 12,7%.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm thay đổi tình hình, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố dự thảo ngân sách cao kỷ lục, trong đó một phần lớn dành cho các chính sách an sinh xã hội, cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ nhỏ và quan tâm tới các bà mẹ đi làm nhằm khuyến khích sinh đẻ với mục tiêu là tăng tỷ lệ sinh lên 1,8% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, sự dè dặt trong chính sách mở cửa hệ thống di trú để tiếp nhận di dân đã được thay thế bằng những nỗ lực thu hút sinh viên và lao động kỹ năng cao từ nước ngoài.


Theo Thế giới và việt Nam