Bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.T

Chế độ ăn nhiều mỡ và thịt, ít chất xơ rau quả, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia... làm tăng các bệnh đường tiêu hóa, ung thư. Bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tăng 10-20%, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết tại Hội nghị khoa học Tiêu hóa, ngày 14/9. Bệnh thường gặp là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng,... nặng hơn thì phát hiện ung thư. 

Có nhiều yếu tố gây các bệnh về đường tiêu hóa như môi trường ô nhiễm, thói quen ăn uống không sạch sẽ và cân bằng, chế độ làm việc căng thẳng... "Bữa ăn không cân đối, nhiều đạm ít rau, ít chất xơ, thực phẩm có chất bảo quản, đặc biệt có đồ uống kích thích như rượu bia... lâu dài sẽ làm loạn khuẩn đường ruột, kích thích đường tiêu hóa và gây bệnh", bác sĩ Khanh nói.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người chỉ ăn khoảng 200 gram rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn một nửa dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo.

Uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Nó làm rối loạn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Rượu bia cũng gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá.

Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có hơn 14.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Chế độ ăn nhiều mỡ và thịt đỏ, hút thuốc lá, rượu, ít chất xơ, rau quả, trái cây... là những yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh này.

Ung thư dạ dày đứng thứ 3 tại Việt Nam sau ung thư gan, ung thư phổi. Mỗi năm Việt Nam có hơn 17.500 ca mắc mới, trong đó tử vong 86%. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày tử vong cao do đến 90% phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, ngoài vi khuẩn HP và yếu tố di truyền, thì chế độ ăn uống, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài... cũng có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Khanh, tỷ lệ phát hiện sớm bệnh tiêu hóa thấp do chưa có chương trình sàng lọc bệnh. Các tổn thương ở dạ dày, đại trực tràng,... khi được phát hiện sớm, bác sĩ sẽ cắt tách niêm mạc, loại bỏ tổn thương, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh trên 90%. Nếu ở giai đoạn muộn, hình thành ung thư thì tỷ lệ sống rất thấp.

Xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, người dân cần sửa đổi như thay đổi chế độ ăn uống, duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất... Theo Tổ chức Lương nông thế giới, cần 14 g chất xơ cho mỗi 1.000 kcal khẩu phần. Với người Việt Nam, nhu cầu chất xơ khuyến nghị tối thiểu 18-20 g một ngày (khoảng 300 g rau và 100 g quả chín).

Theo vnexpress