Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn nhiều hải sản hơn thịt. Hải sản giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit béo omega-3, axit eicosapentaenoic (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA). Tuy nhiên, không phải tất cả bộ phận của hải sản đều ăn được, mà trong mỗi loài đều có những bộ phận không nên ăn.

Dưới đây là những bộ phận của hải sản ăn không tốt cho sức khỏe:

Những bộ phận của tôm không nên ăn

Đầu tôm: Đây là nơi chứa bộ phận nội tạng tôm như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp, do đó tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng. Đây cũng là bộ phận bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết. Vì vậy, đầu tôm có nguy cơ nhiễm khuẩn, độc chất cao nếu chưa được nấu chín, không nên ăn.

Đầu tôm và vỏ tôm là hai bộ phận không nên ăn.
Vỏ tôm: Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa, cho biết tôm giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, tuy nhiên vỏ lại không hề chứa canxi. Nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng, còn vỏ tôm chỉ có chất kittin (một dạng polymer) tạo nên vỏ của loài giáp xác. Chất này ăn vào khó tiêu hóa, vì vậy nên hạn chế ăn.

Những bộ phận của cua không nên ăn

Mang cua: Bộ phận này nằm dưới mai cua, có hình dáng khá giống những chiếc răng lược và mềm. Khi cua lên cạn, một lượng nước được lưu trữ trong mang giúp cua tiếp tục hô hấp và duy trì sự sống trong thời gian dài. Do đó, những chất bẩn và vi khuẩn trong nước có thể bám lại ở mang cua, nguy hiểm tới sức khỏe khi ăn.

Ruột cua: Trong ruột cua có chứa chất thải và độc tố, do đó tốt nhất không nên ăn bộ phận này.

Dạ dày cua: Phần này chính là túi xương nhỏ màu vàng hình tam giác nằm trong thân cua. Khi ăn nên nhẹ nhàng loại bỏ bộ phận này, tránh bị vỡ vì trong dạ dày cua có chứa nhiều cát bẩn.

Không nên ăn ruột cá, mật cá

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ruột cá là bộ phận bẩn nhất, bởi cá sống dưới nước rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước. Đặc biệt, cá là loài ăn tạp chất. Những thức ăn này đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Ngoài ra, ruột cá dễ nhiễm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun và giun xoắn.

Ruột là bộ phận bẩn nhất của con cá.
Mật cá là nơi cung cấp các men, enzim, đồng thời cũng chứa rất nhiều độc tố. Ăn mật cá con người có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí tử vong.

Những bộ phận của ốc không nên ăn

Ruột ốc: Bộ phận này nằm ở đuôi ốc, ở vòng xoay nhỏ nhất, chứa nhiều chất bẩn, không nên ăn.

Não ốc: Đây là phần nằm ở đầu của con ốc có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn số lượng nhiều. Trước khi nấu, bạn cần sơ chế sạch bằng cách ngâm ốc trong nước sạch nhiều lần. Tránh ăn những loại ốc lạ để tránh ngộ độc.

Những bộ phận của sò điệp không nên ăn

Khi ăn bạn cần loại bỏ lớp màng mỏng bao quanh thịt sò, bởi đây là bộ phận chứa nhiều cát bẩn nhất của sò điệp. Ngoài ra, nên bỏ phần bao tử màu đen, đây chính là nội tạng của sò điệp.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên thận trọng khi ăn hải sản lạ, tránh các loại có thể chứa chất độc như bạch tuộc vong xanh, sam biển, sao biển... Cẩn trọng khi cho trẻ ăn hải sản. Không ăn hải sản đã để lâu, hạn chế ăn khi chưa được nấu chín kỹ.

                                                                                                                                                                          Theo vnexpress